Bên hành lang Quốc hội chiều 24/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã trao đổi với báo chí về đề xuất phát hành 3 tỉ USD trái phiếu quốc tế cũng như giải thích nguyên nhân GDP tăng vượt chỉ tiêu nhưng ngân sách lại hụt thu lớn.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trả lời báo chí
Vay đầu tư chứ không để chi thường xuyên
Trả lời báo chí về đề xuất phát hành 3 tỉ USD trái phiếu quốc tế khiến cử tri lo ngại việc nợ chưa trả hết lại tiếp tục vay mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phân tích, nếu muốn giảm ngay nợ công, đơn giản nhất chỉ có không vay nợ nữa.
Tuy nhiên, điều kiện của Việt Nam mấy chục năm qua đặt nhà nước trước bài toán vừa phải huy động nội lực vừa phải tận dụng ngoại lực để phát triển, thoát nghèo. Các khoản vay nợ về, theo đó, được quy định chỉ để đầu tư, không vay cho việc chi thường xuyên. Các công trình, dự án lớn vay tiền về đầu tư và khai thác tốt, trả nợ được.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ rõ, không quốc gia nào không phải đi vay và vay để tái cơ cấu nợ được pháp luật cho phép. Ví dụ, với những khoản vay lãi suất cao trước đây, dù giờ chưa đến hạn nhưng lại vay được những khoản thấp hơn thì nhà nước dùng khoản đó để “đảo nợ”. Nguyên tắc là việc gì bảo đảm lợi ích quốc gia thì được làm.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc phát hành trái phiếu quốc tế xu hướng là vay dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Việc vay là để đầu tư tạo ra sản phẩm, để có tiền trả nợ chứ không phải vay đầu tư bừa bãi hay dùng vào chi thường xuyên.
“Con số nợ công cao hay thấp không phải vấn đề. Kể cả anh vay thấp mà không trả được, đầu tư không hiệu quả vẫn vỡ nợ như thường”, Phó Thủ tướng nói.
Thu ngân sách thấp nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội
Giải thích về việc báo cáo GDP tăng vượt chỉ tiêu nhưng ngân sách Trung ương lại hụt thu lớn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết nguyên nhân đầu tiên là giá dầu giảm mạnh so với dự kiến. Lúc đầu, dự toán giá khoảng 100 USD/thùng nhưng thực tế bình quân chỉ còn một nửa. Ngoài ra, thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng theo giá thị trường nên giảm theo.
Hiện nay, cơ cấu dầu thô trong thu ngân sách và GDP chỉ còn chiếm rất nhỏ. Giá dầu giảm tác động vào thu ngân sách không rõ nét lắm, đồng thời cũng có mặt tích cực là giảm lạm phát, người dân được hưởng lợi. Đặc biệt, giá dầu giảm chi phí đầu vào giúp sản xuất tăng trưởng, từ đó lại tăng thu trong nước.
Nguyên nhân thứ hai được Phó Thủ tướng đề cập là do lộ trình hạ thuế suất thuế thu nhậpdoanh nghiệp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2015-2020, thuế suất giảm từ 25% xuống 22% rồi 20%, nhưng thực tế đã hạ nhanh hơn.
Chính sách này vừa hỗ trợ, vừa nuôi dưỡng nguồn thu nhưng cần độ trễ, có thể mất tới 5 năm để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, có lãi. Lúc đó ngân sách mới có thu.
Theo Phó Thủ tướng, đó là những yếu tố căn bản lý giải tại sao tăng trưởng GDP cao mà thu ngân sách lại thấp.
Tuy nhiên, điểm lành mạnh trong việc thu ngân sách năm nay là tổng thu ngân sách tăng, chủ yếu nằm ở phần tăng nội địa của các địa phương. Điều này giúp chuyển biến cơ cấu thu đang dần trở nên bền vững, bởi nguồn từ nội địa luôn căn cơ, chắc chắn.
Theo báo cáo, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỉ đồng (tăng 1,8% so với dự toán và tăng 7,4% so với ước thực hiện 2014). Tăng thu chủ yếu của ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỉ đồng), còn ngân sách trung ương hụt thu 31.300 tỉ đồng.
Phó Thủ tướng khẳng định, các kịch bản thu ngân sách đã được tính toán từ đầu năm. Diễn biến đến cuối 2015 hoàn toàn không ngoài dự tính. “Cũng không nên quá lo lắng ngân sách bị đảo lộn, bởi nếu ngân sách Trung ương hụt thì địa phương đã tăng lên. Để đảm bảo cân đối thì giảm nguồn điều tiết từ Trung ương”, Phó Thủ tướng nói.
Thu ngân sách thấp thì chúng ta phải giảm chi. Tuy nhiên, nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội đều nhấn mạnh trong tình hình khó khăn, chúng ta phải bảo đảm an sinh xã hội. Muốn vậy, ngân sách sẽ phải chi nhiều hơn.
Đảng, Nhà nước đã nỗ lực rất lớn để kết quả là các chỉ tiêu an sinh xã hội đều được bảo đảm. Ở chiều ngược lại, nhằm bảo đảm nguồn thu, rất nhiều giải pháp cũng đã được áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất như cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh…