Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngKịch bản nào xảy ra sau khi tàu chiến Mỹ tuần tra...

Kịch bản nào xảy ra sau khi tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông?

Giới chuyên gia cho rằng, hoạt động tuần tra đầu tiên của Mỹ chưa đủ sức nặng để buộc Trung Quốc chấm dứt cải tạo đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.

Tàu khu trục tên lửa USS Lassen đã đi qua khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc cải tạo đảo trái phép ở Biển Đông.

Việc đưa tàu khu trục tên lửa USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông là lời thách thức mạnh mẽ nhất mà Tổng thống Mỹ Obama giành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hành động này của ông Obama tác động trực tiếp đến tham vọng trong tuyên bố chủ quyền phi lý cũng như mong muốn làm thay đổi hiện trạng địa chính trị châu Á của ông Tập.

Các quan chức Mỹ ngày 27/10 cho biết, đây mới chỉ là diễn biến đầu tiên trong nhiều hoạt động khẳng định “tự do hàng hải” trong vùng biển quốc tế, ở những nơi Trung Quốc xây đảo nhân tạo và có thể giành quyền kiểm soát tuyến đường biển quan trọng trong giao thương trên thế giới.

Theo Wall Street Journal, Mỹ sẵn sàng triển khai thêm nhiều hoạt động tương tự trong tương lai gần hoặc phản ứng nhanh nếu như căng thẳng leo thang. Tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth hiện đang neo ở Singapore trong khi tàu sân bay Theodore Roosevelt và tàu tuần dương USS Normandy sẽ rời khỏi khu vực vào ngày 28/10.

Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc phản ứng khá dè dặt dù đã điều tàu khu trục tên lửa theo sát và đưa ra lời cảnh báo đối với tàu chiến Mỹ. Trong tương lai gần, Bắc Kinh sẽ không cố gắng xua đuổi tàu Mỹ ra khỏi khu vực bởi hành động này có thể sẽ khiến Mỹ-Trung đối đầu quân sự.

Trung Quốc không tin rằng mình sẽ chiến thắng, đặc biệt khi có sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ ở khu vực lân cận. Nếu như đụng độ xảy ra, không quân Trung Quốc sẽ phải hoạt động bên ngoài giới hạn.

Hoạt động tuần tra của Mỹ sẽ khiến ông Tập chịu nhiều sức ép trong nước, trong “Giấc mơ Trung Hoa” nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Hoạt động được triển khai đúng vào thời điểm diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, vốn được coi là phép thử đối với lập trường chính trị của ông Tập.

“Trung Quốc không thể tỏ ra mềm yếu bằng việc không đưa ra bất cứ hành động đáp trả nào”, ông Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói. “Người dân Trung Quốc sẽ đòi hỏi phản ứng mạnh mẽ”.

Một trong những khả năng có thể xảy ra bao gồm việc Trung Quốc tiếp tụcquân sự hóa đảo nhân tạo, trái với cam kết của ông Tập trong chuyến thăm Mỹ vào tháng trước. Trung Quốc cũng có thể sẽ không chấp nhận ngừng các hoạt động bồi đắp và đưa tàu dân sự, không phải tàu chiến đến theo sát tàu hải quân Mỹ, ông Storey nhận định.

“Bằng cách này, Trung Quốc có thể đưa ra lời đáp trả đối với Mỹ nhưng vẫn khẳng định rằng Bắc Kinh không muốn gia tăng căng thẳng”, ông Huang Jing, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, tàu chiến Mỹ cũng không thể hoạt động một cách bình thường trong khi phải đối diện với tàu dân sự.

Chuyên gia về biển Đông tại Đại học Nam Kinh Zhu Feng nói rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ hành động hết sức kiềm chế, tránh leo thang trở thành đối đầu quân sự toàn diện ở Biển Đông. Mỹ đã lựa chọn hoạt động tuần tra một cách thận trọng nhưng vẫn đem đến thông điệp mạnh mẽ và sẽ tiếp tục làm điều này trong tương lai, ông Feng cho biết.

Việc lựa chọn khu vực gần bãi đá Vành Khăn và Subi trong hoạt động tuần tra đầu tiên cũng được giới chức Mỹ tính toán kỹ lưỡng, theo chuyên gia Andrew Erickson tại Đại học Hải chiến Mỹ. Đây là hai thực thể ngập hoàn toàn dưới mực nước biển khi thủy triều lên trước khi Trung Quốc cải tạo thành đảo nhân tạo.

Xét trên phương diện pháp lý, một quốc gia chỉ có thể tuyên bố chủ quyền trong khu vực 12 hải lý (nếu thực sự có chủ quyền hợp pháp, TQ thì không có – PV) kể từ bờ biển hoặc các hòn đảo và bãi đá nhưng không thể bao gồm các rạn san hô ngập trong nước biển.

“Về lâu dài, Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ phải ngồi lại để cùng đàm phán”, Giáo sư Carlyle A. Thayer, chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định. “Các hoạt động tuần tra đơn thuần của Mỹ sẽ không thể ngăn cản Trung Quốc củng cố cơ sở hạ tầng trên đảo nhân tạo. Bắc Kinh thậm chí có thể quân sự hóa các đảo nhân tạo này vào thời điểm thích hợp”.

RELATED ARTICLES

Tin mới