Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngTrung tướng Nguyễn Quốc Thước: Việt Nam nên ứng xử ra sao...

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Việt Nam nên ứng xử ra sao với Trung Quốc và Mỹ?

Trong ứng xử với nước lớn, cha ông ta dạy con cháu bài học rất hay: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” và “nói phải, củ cải cũng nghe”.

LTS: Trong bối cảnh Biển Đông đang ngày một căng thẳng vì những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, thay đổi hiện trạng mà Trung Quốc đang làm tại Biển Đông đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, yếu tố cạnh tranh  Trung – Mỹ và sự can thiệp của Hoa Kỳ trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Đặc biệt sắp tới đây có thể Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sang thăm chính thức Việt Nam, đây là cơ hội để Việt Nam đối thoại, tìm cách giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về cách Việt Nam nên ứng xử ra sao với hai siêu cường Trung Quốc và Hoa Kỳ, để giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông cũng như môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, luật pháp và công lý trong khu vực. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết của tướng Nguyễn Quốc Thước.

Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cùng với hòa bình, ổn định là lợi ích sống còn, động đến tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, trong đó Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa chính là một phần máu thịt, là không gian sinh tồn của Tổ quốc hình chữ S.

Bởi lẽ đó nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi dư luận luôn đặc biệt quan tâm về các diễn biến gần đây trên Biển Đông, rất nhiều người Việt Nam trăn trở phải làm sao để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà vẫn giữ vững được hòa bình, ổn định để tránh cho nhân dân khỏi lâm cảnh lầm than, chiến tranh loạn lạc.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, cục diện ở Biển Đông hiện nay vô cùng phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, đối đầu, trong đó sự cạnh tranh của 2 siêu cường là Hoa Kỳ và Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn. Được biết sắp tới nguyên thủ hai nước này có thể sẽ sang thăm Việt Nam, cá nhân tôi cho rằng đây là cơ hội rất tốt mà chúng ta phải trân quý để tìm kiếm giải pháp, mở đường đối thoại.

Với tư cách là một người dân đất Việt trăn trở trước vận mệnh nước nhà, tôi xin nêu ra một vài ý kiến của mình nhằm làm sao chung sức cùng dân tộc giữ vững được cơ đồ của cha ông và tránh được chiến tranh, xung đột.

Việt Nam cần thể hiện rõ thiện chí: Luôn yêu chuộng hòa bình, không muốn đối đầu, không bao giờ hiếu chiến 

Cá nhân tôi cho rằng Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Hoa Kỳ dự kiến thăm Việt Nam là một sự kiện rất đáng hoan nghênh, chào đón, đặc biệt là ông Tập Cận Bình, vì quan hệ càng khó khăn căng thẳng thì càng cần thiện chí đối thoại. Bởi lẽ Biển Đông vừa là mối quan tâm chung của cả 3 bên và nhiều nước trên thế giới, vừa là trọng tâm của sự khác biệt, mâu thuẫn giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ với Trung Quốc.

Khi ngồi lại được với nhau, chí ít cũng giảm được nguy cơ đối đầu. Vấn đề là chúng ta nên nói chuyện với các vị khách quý này như thế nào về sự thật ở Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa, làm thế nào để bảo vệ hòa bình, công lý và lẽ phải.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm với rất nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhưng chưa bao giờ người Việt Nam mang tư tưởng thù địch, hiếu chiến, xâm lược. Người Việt chỉ bảo vệ những gì thuộc về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc mình mà thôi.

Những cuộc chiến chống ngoại xâm phương Bắc thời phong kiến, xung đột quân sự Trung – Việt thời cận hiện đại và ngay cả cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều không nằm ngoài quy luật ấy.

Có người lập luận với tôi rằng, trong lịch sử, đức Lý Thường Kiệt đã từng đem quân đánh Trung Quốc. Đó là một quan điểm phiến diện và lệch lạc. Tổ tiên chúng tôi đã phải chống chọi không ngừng với các cuộc chiến tranh xâm lược liên miên từ các thế lực thống trị phương Bắc, trong đó có nhà Tống.

Chiến tranh Tống – Việt 1075-1076 không phải do người Việt cất quân xâm lược Tống, mà từ năm 1073 Tống Thần Tông đã cho chiêu tập binh mã, lương thảo áp sát biên giới Tống – Việt và chuẩn bị chiến tranh xâm lược Đại Việt. Không thể để nước nhà bị tàn phá, đức Lý Thường Kiệt vâng lệnh triều đình, cất quân đánh đòn phủ đầu, phá hủy lương thảo để chặn bước tấn công của giặc.

Đi đến đâu đạo quân Đại Việt do đức Lý Thường Kiệt chỉ huy đều có phủ dụ dân chúng rõ ràng đến đó, xong việc lập tức rút về nước. Người Việt không hề xâm lược, cũng không chiếm đất chiếm dân của Trung Quốc mà chỉ buộc phải ngăn chặn phủ đầu nguy cơ một cuộc tấn công xâm lược ngày càng hiện hữu rõ rệt đang uy hiếp biên thùy. Chúng tôi tự hào về điều đó, đó chính là quyết tâm dựng nước và giữ nước của cha ông chúng tôi.

Thời cận hiện đại, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có lúc từng là kẻ thù của Việt Nam, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đó là sự thật lịch sử không thể nào thay đổi được. Nhưng cả hai phía đều đã nỗ lực rất nhiều, vượt qua các rào cản và mặc cảm quá khứ để bình thường hóa quan hệ.

Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược. Ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Nhờ thế, biên giới phía Bắc Việt Nam sau hàng chục năm ròng ùng oàng tiếng súng, nay đã bình yên, máu của người dân cả hai bên không còn phải đổ xuống. Kinh tế, thương mại của Việt Nam phát triển nhanh chóng kể từ khi Hoa Kỳ xóa bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam.

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, hơn ai hết người Việt thấu hiểu giá trị của hòa bình, ổn định, phát triển phồn vinh. Đã để xảy ra chiến tranh xung đột thì không ai được, chỉ có mất ít hay mất nhiều mà thôi. Tôi nhắc lại bài học lịch sử với hy vọng tránh được sai lầm, tránh được chiến tranh. Dù quan điểm khác nhau đến đâu, ngồi được với nhau, lắng nghe nhau một cách có thiện chí và tôn trọng thì sẽ có cách tháo gỡ.

Nếu bên nào cũng cứ ôm hận trong lòng, thì chắc chắn biên giới Việt – Trung ngày nay sẽ còn chưa yên tiếng súng, nỗi đau chiến tranh sẽ ngăn cản hai dân tộc Mỹ – Việt xích lại gần nhau. Đi sau chiến tranh, thù địch là đói nghèo, lạc hậu, bất ổn xã hội, tương lai tối tăm mù mịt.

Hai bên phải giữ cho được phương châm 16 chữ và 4 tốt trong quan hệ Việt – Trung

Nhiều người Việt Nam chỉ cần thoáng nghe nói điều này có thể sẽ rất bức xúc và phản đối gay gắt. Bởi lẽ tâm lý “ghét Trung Quốc” là có thật khi người dân Việt Nam thỉnh thoảng lại phải chứng kiến cảnh ngư dân nước mình bị các lực lượng chức năng Trung Quốc đâm chìm tàu, bắt bớ đánh đập khi họ đánh bắt, kiếm kế sinh nhai trên vùng biển chủ quyền của nước mình ở Hoàng Sa, mặc dù thực tế quần đảo này đã bị Trung Quốc cất quân xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp từ 1956, 1974 đến nay.

Ngay trước khi có tin ông Tập Cận Bình sắp sang thăm Việt Nam, tàu cá và ngư dân Việt Nam vẫn bị cướp bóc, đánh đập ở Hoàng Sa. Sự kiện Trung Quốc bất chấp công lý và đạo lý hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 hay việc bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo trên 7 thực thể họ chiếm của Việt Nam năm 1988, 1995 không thể không khiến người dân Việt Nam bức xúc, phẫn nộ, vì lợi ích quốc gia cốt lõi của mình bị xâm phạm.

Vậy tại sao trong bối cảnh đó tôi lại kêu gọi chúng ta phải buộc Trung Quốc giữ cho được tinh thần 16 chữ, 4 tốt mà lãnh đạo cao nhất của họ cam kết, ký kết với Việt Nam? Đó là vì chúng ta hãy cố gắng giữ lấy hòa bình khi còn có thể, đấu tranh bằng lẽ phải, bằng công lý, tự vệ là con đường cuối cùng bất đắc dĩ nếu “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”.

Chỉ có như vậy chúng ta mới thể hiện rõ thiện chí, lập trường bảo vệ hòa bình, chính nghĩa và công lý chứ không phải hiếu chiến, đối đầu. Và cũng chỉ có như vậy, khi chúng ta đã nỗ lực hết cách hết lẽ mà đối phương vẫn bất chấp tất cả, thì có chuyện gì xảy ra chúng ta cũng sẽ nhận được sự ủng hộ của bạn bè và chứng minh cho thế giới thấy, Trung Quốc thường nói một đằng, làm một nẻo và không giữ chữ tín.

Tất nhiên tôi không hề mong muốn nhìn thấy điều này, và tôi nghĩ đại đa số người dân Trung Quốc lương thiện cũng vậy. Trong ứng xử với nước lớn, cha ông ta dạy con cháu bài học rất hay: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” và “nói phải, củ cải cũng nghe”.

Trong khi những cái đầu đang nóng hừng hực vì nghĩ rằng Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc “chủ quyền Trung Quốc” từ thời cổ đại, chúng ta cần phải tìm cách “hạ hỏa” cho những cái đầu nóng ấy bằng lời lẽ ôn hòa, thuyết phục, với bằng chứng, căn cứ pháp lý rõ ràng, thuyết phục, để họ nghe được, chúng ta nghe được chứ không phải đổ thêm dầu vào lửa.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc trong tháng Tư vừa qua. 

Như thế, việc đầu tiên là phải ngồi lại được với nhau. Do đó, cá nhân tôi cho rằng việc ông Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam là một cơ hội quý mà chúng ta cần nắm lấy.

Chúng ta cần chuẩn bị những bằng chứng, lập luận chắc chắn và thuyết phục, hợp lý hợp tình của mình để nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng, người Việt rất mong muốn chung sống hòa bình, hợp tác, hữu nghị, cùng phồn vinh thịnh vượng với người Trung Quốc. Người Việt không bao giờ mong muốn hay có ý định làm hại láng giềng, bao gồm Trung Quốc.

Nhưng với Việt Nam chúng tôi, Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ven biển hợp pháp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 không thể đánh đổi.

Chứng nào ngư dân chúng tôi còn bị phía Trung Quốc cướp bóc, đánh đập ở Hoàng Sa, thì chừng đó chưa thể nói là quan hệ hòa bình hữu nghị láng giềng, chứ đừng nói đến đồng chí anh em. Bởi láng giềng thân thiện đã không ai ứng xử với nhau bằng luật rừng, huống hồ là giữa những người gọi nhau là anh em, là đồng chí.

Hai bên hãy ngồi lại để đối thoại với nhau, Việt Nam sẵn sàng lắng nghe căn cứ, lập luận về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông nói chung và với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng. Chúng tôi cũng mong muốn và đòi hỏi các bạn phải lắng nghe chúng tôi, có như vậy mới tìm ra được tiếng nói chung.

Đúng sai đã có các nguyên tắc pháp lý quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, về luật biển quốc tế để xem xét đối chứng. Đó thực sự mới là cách hành sử của bậc trượng phu chứ không phải của kẻ thất phu. Đó mới thực sự là chính trị.

Việt Nam cũng sẵn sàng lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của Trung Quốc về chiến lược đối ngoại, quan hệ hợp tác quốc tế của mình trên tinh thần khách quan, cầu thị, đảm bảo độc lập tự chủ và bảo vệ hòa bình, công lý. Chúng tôi không bao giờ theo nước này chống nước kia, không liên minh nước này chống lại nước khác.

Nhưng khi ai đó vẫn cứ cố tình đe dọa độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và không gian sinh tồn của quốc gia dân tộc chúng tôi, tình thế sẽ buộc chúng tôi phải tự nhiên liên minh với những nước có chung lợi ích để bảo vệ mình, quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như hòa bình, ổn định cho khu vực ở Biển Đông. Nhưng dù sao tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, đối thoại vẫn hơn đối đầu, nói chuyện với nhau một cách ôn hòa lịch sự vẫn là lựa chọn ưu tiên chứ không phải súng ống, vũ lực.

Cá nhân tôi rất mong muốn Đảng và Nhà nước tập hợp được đội ngũ trí thức, học giả có kiến thức vững vàng, kinh nghiệm dày dạn trong đàm phán về biên giới lãnh thổ chuẩn bị các phương án và sẽ giao thiệp với phía Trung Quốc trong mọi cấp độ, mọi tình huống. Đầu tiên chúng ta luôn lắng nghe ý kiến của họ, sau đó chúng ta bảo vệ lợi ích của mình bằng các bằng chứng giá trị, xác đáng, thuyết phục.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ sang thăm Việt Nam là cơ hội tốt cho đối thoại. Ảnh: AP.

Tôi nhận thấy những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam về biên giới lãnh thổ, về quan hệ Việt – Trung, Việt – Mỹ rất có giá trị, thuyết phục, ý nghĩa và cần được tập hợp, nghiên cứu để tìm đối sách.

Tôi cũng mong mỏi mỗi người con đất Việt trong tình huống càng khó khăn bao nhiêu, chúng ta càng phải tỉnh táo bấy nhiêu. Đừng để cảm xúc nhất thời chi phối, đừng quên mục đích tối thượng chỉ vì tranh cãi những con đường đi đến mục đích tối thượng ấy.

Và cũng chỉ có tỉnh táo, chúng ta mới không để bị bất ngờ bị động về chiến lược hay bỏ lỡ các cơ hội cho đối thoại hòa bình.

Trung Quốc họ chiếm Hoàng Sa của chúng ta đã 41 năm, chưa đầy 10 năm nữa thôi, nếu chúng ta không công khai kiên quyết đấu tranh, thì hệ quả thế nào có lẽ không cần nói chúng ta cũng biết. Nhưng lao đầu vào một cuộc chiến tranh chắc chắn không phải lựa chọn hay. Lúc này là lúc chúng ta phải vắt óc tìm kiếm cho được giải pháp cơ bản, lâu dài và hiệu quả. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để đón ông Tập Cận Bình sang thăm.

Phải khéo léo cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ

Có quan điểm cho rằng Việt Nam nên theo nước này, nước khác để nhận được sự bảo vệ từ họ trong tình huống xảy ra bất trắc. Cá nhân tôi cho rằng tư duy này chỉ đẩy dân tộc Việt Nam vào ngõ cụt không lối thoát, vào xung đột, máu chảy đầu rơi. Chỉ có độc lập tự chủ, tự lực tự cường kết hợp với việc tận dụng tối đa các quan hệ, xu thế khu vực và quốc tế có lợi cho mình mới bảo vệ được mình. Theo nước này chống nước kia là tự sát.

Trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, mặc dù đối tác luôn nhấn mạnh đến sự tương đồng về ý thức hệ, về chế độ xã hội chủ nghĩa, nói chung là quan hệ gần gũi thân mật về chính trị, nhưng chúng ta cần phải ý thức rõ rằng, quan hệ chính trị gần gũi, có nhiều điểm chung, nhiều kênh liên lạc là lợi thế tạo ra môi trường để đối thoại, ngồi lại với nhau hợp tác khi hòa bình, tìm cách tháo gỡ căng thẳng và tránh xung đột đối đầu khi bất đồng, mâu thuẫn chứ không phải căn cứ để giải quyết mâu thuẫn.

Tất cả bất đồng, tranh chấp, mâu thuẫn cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế mà quan hệ chính trị đóng vai trò tạo môi trường cho đàm phán, đối thoại.

Trung Quốc không thể lo thay cho Việt Nam, không thể sống hộ Việt Nam và tất nhiên họ cũng không thể gây ảnh hưởng gì đến sự tồn tại, phát triển của Đảng, Nhà nước và dân tộc, đất nước Việt Nam.

Còn với quan hệ Việt – Mỹ, rõ ràng từ khi bình thường hóa quan hệ, hợp tác kinh tế – thương mại song phương phát triển nhanh chóng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Đó là hợp tác hai bên cùng có lợi. Trong câu chuyện Biển Đông, Mỹ đang bảo vệ lợi ích sát sườn thiết thực của họ chứ không phải họ lo thay hay giúp Việt Nam theo kiểu “trượng phu hảo hán”.

Chỉ có điều, lợi ích của Hoa Kỳ và Việt Nam ở Biển Đông đang có nhiều điểm trùng nhau mà chúng ta có thể khai thác, tận dụng để bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như luật pháp và công lý quốc tế.

Thế thời thay đổi, nước lớn bắt tay, không cẩn thận chúng ta lại trở thành con bài trong tay nước lớn. Tuyên bố Thượng Hải 1972 hay trước đó là Hiệp định Geneva 1954 là những bài học chúng ta không bao giờ được quên.

Cái bắt tay giữa Mao Trạch Đông và Richard Nixon năm 1972 đã để lại nhiều hệ lụy cho các nước, vùng lãnh thổ thứ 3. Ảnh: Vượng Báo.

Chúng ta không ai muốn phải đi trên dây, nhưng hoàn cảnh, thời cuộc đã xô đẩy Việt Nam đến chỗ phải trở thành một nghệ nhân xiếc tài ba, cân bằng cho được trong quan hệ với các nước lớn mới có thể an toàn tới đích: Giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực quốc phòng, xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Hãy nhìn rộng ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Triều Tiên dù còn nhiều khó khăn và lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế, nhưng chưa bao giờ họ để mất tính độc lập tự chủ trong các quan hệ quốc tế. Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan phát triển vượt bậc về kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục nhưng là dựa vào nội lực và biết vận dụng ngoại lực cũng như xu thế thời đại để vươn lên chứ không phải nhờ theo nước này, theo nước kia mà được như thế.

Họ là tấm gương cho chúng ta về những mặt này, nhưng cũng là bài học cho chúng ta về quốc phòng an ninh, bởi lẽ phụ thuộc vào một cái ô, cái dù an ninh của ai đó thì làm gì cũng phải nhìn sắc mặt người ta.

Đồng minh hay đối thủ trong quan hệ chính trị quốc tế ngày nay thay đổi liên tục, tất cả đều do quan hệ lợi ích chi phối. Hòa bình, ổn định, phát triển của nhân loại vẫn bị đe dọa bởi chiến tranh, bởi những cái đầu nóng của một nhóm các nhà chính trị cường quyền.

Việt Nam ta còn yếu về kinh tế, còn yếu về thực lực nhưng lại nằm giữa trung tâm mặt trận cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị gay gắt giữa hai siêu cường ở Thái Bình Dương là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ứng xử không khéo, chúng ta sẽ tự đẩy mình vào bi kịch.

Ts Trần Công Trục: Nguyện được làm người trải thảm đỏ chào đón khách quý!

(GDVN) – Khi vẫn còn cơ hội để đối thoại, ngồi được với nhau một cách thiện chí để chia sẻ trách nhiệm trước nhân loại đang đứng bên miệng hố chiến tranh tàn khốc,…

Nếu chúng ta để người Trung Quốc tin rằng Việt Nam “theo Mỹ, theo Nhật để bao vây, kiềm chế Trung Quốc” như một số học giả của họ vẫn tuyên truyền, thì đừng nói Trường Sa của ta khó giữ, mà nguy cơ những ngón đòn tấn công có thể đổ ngay lên đầu chúng ta bất cứ lúc nào từ biên giới phía Bắc. Một khi để rơi vào thế đối đầu, Trung Quốc có nhiều con bài để chơi, dù bên nào thắng thì cả hai cũng sứt đầu mẻ trán.

Với Hoa Kỳ, nếu chúng ta không cho họ thấy rõ thiện chí hợp tác bảo vệ hòa bình và luật pháp, công lý quốc tế mà một số quan điểm trong giới chính trị Hoa Kỳ vẫn nghĩ Việt Nam “lệ thuộc” Trung Quốc thì khó có thể tận dụng được vị thế, quan điểm, lập trường và sự ủng hộ của Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Bởi vậy, muốn không rơi vào thảm cảnh của Lybia, Iraq, Afghanistan hay Syria hiện nay, mỗi người dân Việt Nam nên nhớ nằm lòng: Tự lực tự cường, độc lập tự chủ, sẵn sàng làm bạn với các nước yêu chuộng hòa bình và công lý, nỗ lực hết sức mình với thiện chí cao nhất để bảo vệ hòa bình và công lý mới là lựa chọn cho hiện tại và tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới