Tuesday, November 5, 2024
Trang chủBiển nóngDiễn biến đáng chú ý trên Biển Đông trước khi ông Tập...

Diễn biến đáng chú ý trên Biển Đông trước khi ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam

Hoạt động tập trận bất hợp pháp ở Hoàng Sa nếu có thì thông điệp với người Mỹ sau vụ tuần tra đá Xu Bi chỉ là cái cớ, mà Việt Nam mới là đối tượng chủ yếu.

Xã luận của Tân Hoa Xã ngày 2/11 khi viết về chuyến thăm Việt Nam cuối tuần này của Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã tập trung ca ngợi hợp tác kinh tế – thương mại song phương thông qua hiện tượng phần lớn xe đạp điện lưu hành trên đường phố Việt Nam hiện nay là xe đạp điện Trung Quốc.

Tân Hoa Xã cho rằng tiềm năng hợp tác còn rất lớn, nếu hai bên hợp tác triển khai ý tưởng “Một vành đai, một con đường” hay “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Vấn đề dư luận Việt Nam đặc biệt quan tâm là Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa thì tuyệt nhiên không thấy truyền thông nhà nước Trung Quốc đề cập.

Học giả Trung Quốc “tố cáo” PLA tập trận bắn đạn thật bất hợp pháp ở Hoàng Sa

Tờ South China Morning Post ngày 2/11 đưa tin, Trung Quốc tập trận bắn đạn thật với chiến đấu cơ mang tên lửa trong vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp gần Việt Nam để phản ứng với vụ tàu chiến Hoa Kỳ USS Lassen tuần tra phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở đá Xu Bi (Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam).

Website chính thức của hải quân Trung Quốc đã đăng một loạt hình ảnh chiến đấu cơ J-11BH mang theo tên lửa của Hạm đội Nam Hải tập trận trên Biển Đông cất hạ cánh trên một đường băng nhưng không nói rõ là đường băng nào. Từ Quang Dụ, một viên Thiếu tướng nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc khẳng định với South China Morning Post, đó là đường băng Trung Quốc xây dựng, cải tạo (bất hợp pháp) trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Trước đó, ngày 30, 31/10, tờ Quân Giải phóng và tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc đều đưa tin về cuộc tập trận được cho là diễn ra từ ngày 27/10 của Hạm đội Nam Hải, nhưng 2 tờ báo này chỉ tường thuật chi tiết diễn biến nhưng giấu thời gian, địa điểm cũng như phiên hiệu các đơn vị tham gia cuộc tập trận.

Tờ Russia Today của Nga hôm 2/11 cũng đưa tin “Trung Quốc điều chiến đấu cơ mang tên lửa ra các đảo tranh chấp sau khi tàu chiến Mỹ tuần tra” nói về cuộc tập trận này. Cũng giống như bình luận của South China Morning Post và Russia Today, nhà bình luận quân sự Trung Quốc Nghê Lạc Hùng từ Thượng Hải cho rằng đây là lời cảnh báo cho Hoa Kỳ và đồng minh trong khu vực, trong đó có Úc và Nhật Bản không lặp lại hoạt động tuần tra đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Tuy nhiên thời gian và địa điểm diễn ra cuộc tập trận bắn đạn thật này đã được Bắc Kinh tính toán kỹ, không chỉ nhằm vào Hoa Kỳ và đồng minh để phản ứng vụ tuần tra quanh đá Xu Bi của tàu USS Lassen Thứ Ba tuần trước mà còn mang thông điệp nào đó với Việt Nam ngay trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình – PV.

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Năm 1956, 1974 Trung Quốc lợi dụng tình hình nội bộ Việt Nam và bối cảnh khu vực, quốc tế thuận lợi đã cất quân xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp nửa phía Đông rồi sau đó là toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ đó đến nay. Hơn thế nữa, trong quan hệ với Việt Nam họ khăng khăng không chịu đàm phán về Hoàng Sa và cho rằng không có tranh chấp ở đó.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã từng cảnh báo, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa đã 41 năm, chỉ 9 năm nữa thôi nếu Việt Nam không kiên quyết đấu tranh với phía Trung Quốc thì Hoàng Sa sẽ ra sao không cần nói dư luận đều biết.

Lần này ông Tập Cận Bình sắp sang thăm chính thức Việt Nam, nếu Hạm đội Nam Hải ngang nhiên mang máy bay, tên lửa tập trận bất hợp pháp ở Hoàng Sa như đúng lời ông Từ Quang Dụ, một Thiếu tướng quân đội Trung Quốc nghỉ hưu nói, thì rõ ràng đó là một thách thức pháp lý to lớn đối với Việt Nam, một mũi tên Trung Quốc ngắm nhiều đích, trong đó phản ứng với vụ tuần tra của tàu USS Lassen chỉ là cái cớ.

Tàu USS Lassen tuần tra quanh đá Xu Bi như thế nào, đến nay Mỹ vẫn chưa công bố. Ảnh: Qz.com

Nước lớn diễn trò: Mỹ cứ việc tuần tra, Trung Quốc cứ tiếp tục xây đảo bất hợp pháp

Đó là bình luận của ông Đỗ Bình, một nhà bình luận thời sự có tiếng của đài truyền hình Phượng Hoàng, Hồng Kông trên South China Morning Post hôm 30/10. Ông Bình tin rằng hoạt động tuần tra của USS Lassen quanh đá Xu Bi sẽ không khiến Bắc Kinh ngừng các hoạt động xây dựng, bồi lấp và quân sự hóa (bất hợp pháp) ở Trường Sa.

Ý nghĩa hành động này của Tổng thống Obama mang màu sắc chính trị nhiều hơn là quân sự. Ông Tập Cận Bình đã từ chối thẳng thừng yêu cầu của ông Obama trong chuyến thăm tháng 9 rằng, Trung Quốc hãy dừng ngay việc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa. Ý nghĩa chính trị hoạt động của tàu USS Lassen phản ánh thực tế mục tiêu và phương tiện của Washington chống lại (hành vi bành trướng leo thang của) Bắc Kinh đều bị hạn chế.

Trong 2 năm qua Trung Quốc đã biến các rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm thành các đảo nổi nhân tạo và pháo đài quân sự ở Trường Sa trong khi Mỹ rõ ràng có liên quan, nhưng không thể tìm ra cách nào ngăn chặn hiệu quả, Đỗ Bình nhận xét. Trong thực tế, ông Obama chưa có cách nào ngăn chặn được Tập Cận Bình, nhà bình luận đài Phượng Hoàng nêu ý kiến.

Việc Mỹ điều tàu USS Lassen tiến vào 12 hải lý ở Xu Bi theo Đỗ Bình là một động thái nhằm trấn an đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ ở khu vực là Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Đối với Bắc Kinh, rõ ràng họ đã lật bài ngửa (với Mỹ) ở Biển Đông: Miễn là không có sự can thiệp hoặc cản trở vật lý nào đối với các hoạt động xây dựng, bồi lấp và quân sự hóa đảo nhân tạo thì Bắc Kinh mặc kệ, không để phân tân tâm bởi sự cám dỗ leo thang tranh chấp vô bổ với Hoa Kỳ.

Trung Quốc nghĩ rằng Hoa Kỳ không lòng dạ nào đi ngăn chặn việc Bắc Kinh xây dựng đường băng, hạ tầng quân sự ở các đảo nhân tạo này. Hải quân Mỹ có thể tiếp tục tuần tra 12 hải lý quanh các thực thể này nếu muốn, nhưng Trung Quốc sẽ không vì thế mà dừng lại, Đỗ Bình cho biết.

Khác với lần trống dong cờ mở mang theo phóng viên đài CNN tường thuật trực tiếp hoạt động bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc ở đá Chữ Thập (bên ngoài 12 hải lý), lần này tàu USS Lassen không đưa phóng viên theo, không công bố hành trình và chi tiết hoạt động trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Xu Bi.

Tờ Người Quan Sát và China.com của Trung Quốc ngày 2/11 nói rằng Mỹ “khôn lỏi diễn trò” ở Xu Bi: Không tuần tra, chỉ qua lại vô hại trong phạm vi 12 hải lý quanh thực thể này, có nghĩa là Mỹ cũng chẳng phủ nhận yêu sách lãnh hải 12 hải lý nếu không có các hành động giám sát, theo dõi…Mặt khác tuyến đường Mỹ chọn tuần tra lại là đi qua khoảng giữa đá Xu Bi và đảo Thị Tứ đang do Philippines chiếm đóng. 

Đáng nói là khoảng cách giữa 2 thực thể này chưa đầy 12 hải lý, trong khi bản thân đảo Thị Tứ đã có 12 hải lý lãnh hải vì đó là đảo tự nhiên. Mỹ chọn tuyến đường này cho tàu USS Lassen đi qua không có ý nghĩa gì với Trung Quốc. Cần lưu ý rằng, đây hoàn toàn là thông tin và bình luận một chiều từ phía truyền thông Trung Quốc, nếu Mỹ không công bố chi tiết hoạt động của USS Lassen thì khó có thể xác minh hư thực – PV.

Nhật muốn cho tàu thăm Cam Ranh, cuộc chiến pháp lý của Philippines bước đầu thắng lợi

Ảnh minh họa: AP/BBC News.

Nikkei Asian Review ngày 30/10 cho hay, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản sẽ cho tàu truy cập cảng Cam Ranh của Việt Nam lần đầu tiên trong năm tài khóa 2016 tới theo một thỏa thuận sắp ký kết với Việt Nam. Báo này cho rằng đây là một bước quan trọng trong nỗ lực của Nhật Bản tăng cường hoạt động ở Biển Đông, đối phó với các hoạt động leo thang của Trung Quốc trong khu vực.

Cam Ranh là cảng nước sâu gần quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc tiếp tục bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa các đảo nhân tạo và công trình quân sự trên 7 rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm. Tàu Nhật Bản sẽ truy cập cảng Cam Ranh để tiếp nhiên liệu, thực phẩm và các hoạt động khác.

Việc cho phép tàu Nhật Bản sử dụng dịch vụ hậu cần ở Cam Ranh sẽ mở rộng khả năng hoạt động của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản ở Biển Đông, cách quốc gia này hơn 2 ngàn km.

Cũng xin lưu ý, hoạt động này của Nhật Bản hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Việt Nam không cho nước ngoài thuê, đóng quân tại Cam Ranh, nhưng khuyến khích các nước sử dụng dịch vụ hậu cần, cung cấp tại Cam Ranh – PV.

Còn theo một quan chức Nhật giấu tên nói với Nikkei Asian Review, sự tăng cường hiện diện của Nhật Bản tại Cam Ranh sẽ giúp răn đe các hoạt động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên Nhật Bản vẫn thận trọng trước các hành động có thể bị Bắc Kinh cho là khiêu khích. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng phải thừa nhận rằng, ngay cả khi tiếp tục triển khai tuần tra tự do hàng hải quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp ở Trường Sa thì cũng chẳng thể làm gì để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng đường băng, lắp đặt trang thiết bí khí tài quân sự trên đảo nhân tạo.

Trong khi đó trước lúc sang Seoul dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nói với báo giới ông sẽ kêu gọi người đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường dừng các hoạt động leo thang làm căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là việc bồi lấp xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo.

Nhưng sau cuộc họp với Thủ tướng Trung Quốc, không có thông tin nào về Biển Đông trong cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo này được tiết lộ.

Tuần qua dư luận cũng đặc biệt quan tâm tới sự kiện Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan ra thông cáo báo chí cho biết tòa đủ thẩm quyền xử lý vụ kiện đường lưỡi bò mà Philippines khởi xướng, dù Trung Quốc có tham gia hay không.

Tòa cũng bác bỏ các lập luận khôn lỏi của Bắc Kinh với đầy đủ căn cứ pháp lý thuyết phục. Đây là thắng lợi đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng không chỉ của Philippines, mà còn của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Công lý quốc tế. 

Pháp lý là một lựa chọn văn minh, hợp lý để bảo vệ công lý.

Điều này vừa tạo niềm tin, động lực và bài học kinh nghiệm cho các bên liên quan ở Biển Đông muốn giải quyết các tranh chấp một cách thực sự hòa bình, công bằng, hợp pháp mà tránh được sử dụng vũ lực, trong bối cảnh Trung Quốc ngày một leo thang và chưa có dấu hiệu nào dừng lại.

Vài lời bình luận

Những diễn biến mau lẹ trên Biển Đông ngay trước chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình cho thấy, hoạt động tập trận bất hợp pháp ở Hoàng Sa nếu có thì thông điệp với người Mỹ sau vụ tuần tra đá Xu Bi chỉ là cái cớ, mà Việt Nam mới là đối tượng chủ yếu của thông điệp này. Điều đó càng thôi thúc nhu cầu đối thoại, nỏi thẳng nói thật với Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa, sau đó là Trường Sa và Biển Đông khi lãnh đạo hai nước gặp nhau. Thậm chí là cần có những phương án chuẩn bị cho các tình huống.

Biển Đông đã không còn là vấn đề riêng của các bên yêu sách, mà đã trở thành nơi cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị gay gắt giữa các siêu cường, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việt Nam chỉ có thể tận dụng và thúc đẩy tối đa những nhân tố nào có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như hòa bình, an ninh, ổn định khu vực và luật pháp quốc tế. Theo bên này hay bên kia đều là lựa chọn nguy hiểm có thể đẩy mình đến chỗ bị bán đứng.

Tuy nhiên, do nhiều nhân tố chi phối, sự cạnh tranh của Hoa Kỳ và Trung Quốc hay sự tham dự của các nước khác như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ cũng chỉ giới hạn trong phạm vi bảo vệ lợi ích của quốc gia họ chứ không có chuyện giúp Việt Nam hoàn toàn. Có điều khi lợi ích của Việt Nam và các nước khác trùng lặp ở Biển Đông, cái gì có lợi cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và công lý thì nên hết sức tận dụng, nhưng dựa vào mình vẫn là chính.

Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hôm 29/10 mở ra nhiều gợi ý về cách thức đấu tranh, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế mà Việt Nam nên tham khảo và có phương án chuẩn bị sẵn sàng. Chắc chắn Trung Quốc không thích điều này, thậm chí có thể có những động thái cản trở hay dọa dẫm, nhưng việc cần làm thì không thể chậm trễ. 

Hoạt động tuần tra của Mỹ ở Xu Bi vừa qua, dù thực chất chưa nói lên điều gì, thậm chí có thể có thỏa thuận nào đó giữa các siêu cường, nhưng không thể phủ nhận nó có những giá trị nhất định, ít nhất là về mặt hình thức cho thấy Mỹ thượng tôn pháp luật, mong muốn duy trì luật pháp quốc tế, công lý, hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Đó là lý do tại sao khu vực đánh giá cao và khuyến khích Hoa Kỳ và các bên liên quan tiếp tục.

RELATED ARTICLES

Tin mới