Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngNhật Bản sẽ tham gia "cuộc chơi mạo hiểm" cùng Mỹ trên...

Nhật Bản sẽ tham gia “cuộc chơi mạo hiểm” cùng Mỹ trên Biển Đông?

Sau khi Australia từ chối tuần tra chung cùng Mỹ trên Biển Đông, mọi hy vọng của Washington hiện dồn về Nhật Bản song việc Tokyo có tham gia chương trình “đảm bảo quyền tự do hàng hải” (FONOP) trên Biển Đông vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tham gia một cuộc diễn tập chung.

Hôm 27/10, Mỹ đã lần đầu tiên điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hoạt động tuần tra của Mỹ là một phần trong chương trình “đảm bảo quyền tự do hàng hải” (FONOP) trên Biển Đông. 

Theo tạp chí National Interest, sau sự kiện này, câu hỏi lớn đặt ra là liệu các quốc gia đồng minh của Washington có sẵn sàng đồng loạt phát tín hiệu rằng hoạt động “cải tạo đất trái phép” của Trung Quốc trên Biển Đông đang vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) hay không?

Cụ thể, Mỹ hy vọng Australia và Nhật Bản, hai đồng minh thân thiết nhất của Washington ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cùng với Philippines, có những động thái ủng hộ chính trị đối với hoạt động tuần tra của Mỹ trên Biển Đông. 

Tuy nhiên, hôm 29/10, Canberra tuyên bố nước này không có kế hoạch tuần tra chung trên Biển Đông với Mỹ mà vẫn tiếp tục tham gia cuộc tập trận chung với Trung Quốc trên Biển Đông. Do đó, mọi kỳ vọng của Mỹ hiện đổ dồn về phía Nhật Bản. 

Hồi tháng Hai năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Gen Nakatani từng nhận định khả năng các tàu chiến Nhật Bản sẽ tham gia cùng Mỹ tuần tra trên Biển Đông. 

Tới tháng Sáu, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Đô đốc Katsutoshi Kawano cũng đưa ra tuyên bố tương tự khi nhấn mạnh Nhật Bản có thể tham gia FONOP trên Biển Đông trong tương lai. 

Điều đáng nói là dưới thời lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã có những bước tiến lớn hợp tác quốc phòng với hàng loạt quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và mới đây là Indonesia. Điển hình, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã tổ chức một cuộc tập trận chung với Philippines nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết hợp tác hồi tháng Sáu năm nay. 

Ngoài ra, Nhật Bản còn tăng cường mối quan hệ quốc phòng với đồng minh chủ chốt của Mỹ là Australia và Ấn Độ, nhằm đối phó với các hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên các vùng biển quốc tế. Nhưng trên hết, Nhật Bản mong muốn mở rộng vai trò và tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. 

Song Giáo sư Benjamin Schreer tại Đại học Macquarie, Australia nhận định trong tương lai gần, các tàu chiến Nhật Bản sẽ chưa thể tham gia hoạt động FONOP trên Biển Đông. 

Xét về lĩnh vực đối nội, không ít người tỏ ra nghi ngờ về nỗ lực tăng cường độ cứng rắn cho các chính sách quốc phòng và chiến lược quân mà chính quyền của Thủ tướng Abe đề xuất. Ngay cả chính quyền của Thủ tướng Abe từng thừa nhận rằng chiến thắng của ông Abe trong việc thúc đẩy thay đổi bộ luật an ninh hồi tháng Chín nhằm đưa các lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ Hai, cũng đã không giành được sự ủng hộ của đa số người dân. Do đó, nếu Nhật Bản tham gia FONOP cùng Mỹ trên Biển Đông trong thời điểm hiện tại, chắc chắn giới truyền thông cũng như các đảng phái chính trị đối lập và cả đối tác liên minh của Thủ tướng Abe là đảng New Komeito sẽ lên tiếng phản đối mạnh mẽ. 

Hoạt động FONOP cùng Mỹ còn ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích của Nhật Bản trong việc cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc khi mà quan hệ hai nước đang trong giai đoạn yên bình sau một thời gian dài căng thẳng liên quan tới cuộc chiến tranh chấp quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Theo quan điểm của Tokyo, giờ không phải là lúc chọc giận Bắc Kinh. 

Trên hết, Nhật Bản không phải là một bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Do đó, Trung Quốc sẽ có phản ứng gay gắt nếu Nhật Bản tham gia FONOP quanh các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép trên Biển Đông cũng như đạp đổ mọi nỗ lực mà lãnh đạo hai nước đã đạt được hồi tháng 11/2014. Ngoài ra, năng lực của các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện chưa thể đáp ứng yêu cầu vừa bảo vệ đảo vừa tham gia FONOP. 

Theo Giáo sư Schreer, trong tương lai, Mỹ, Australia và Nhật Bản sẽ trở thành những tác nhân buộc Trung Quốc thay đổi thái độ bành trướng trên các vùng biển ở Đông Nam Á. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, Mỹ sẽ chưa thể trông chờ nhiều vào Nhật Bản. 

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới