Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Malaysia sẽ lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ra Biển Đông. Mỹ và Trung Quốc đang đọ sức toàn diện ở Tây Thái Bình Dương.
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 5 tháng 11 dẫn hãng tin AP Mỹ ngày 4 tháng 11 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter có kế hoạch cùng Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein vào ngày 5 tháng 11 sẽ lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt Hải quân Mỹ, khi đó tàu sân bay này sẽ đi qua Biển Đông, khu vực lân cận Malaysia.
Theo hãng tin Reuters Anh ngày 4 tháng 11, không rõ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt sẽ đi đến khu vực nào, nhưng gần đây tàu này thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông.
Ngày 4 tháng 11, khi được phóng viên hỏi lý do tàu sân bay Mỹ đi lại ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cho biết: “Đây không phải là việc gì mới, vài chục năm qua đều là như vậy, trái lại, chính hoạt động khai thác, xây dựng và quân sự hóa quy mô lớn (bất hợp pháp của Trung Quốc) ở Biển Đông mới là việc mới mẻ”.
Ngày 4 tháng 11, ông Ashton B. Carter còn tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ tự do đi lại, đồng thời yêu cầu các bên lập tức chấm dứt hoạt động khai thác và quân sự hóa (bất hợp pháp) ở Biển Đông.
Theo tờ “Thời báo Tài chính” ngày 4 tháng 11: “Đằng sau cuộc tranh cãi tiến hành xoay quanh luật pháp quốc tế này là một cuộc đọ sức toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương”.
Biên đội tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Theodore Roosevelt Hải quân Mỹ |
Theo bài báo, kế hoạch bồi lấp, xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) đầy tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông là một phần của chiến lược làm thay đổi cán cân sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương. Trước đó, Hải quân Mỹ thống trị Tây Thái Bình Dương đã 70 năm.
Tờ “Stars and Stripes” Mỹ cho rằng, mặc dù các nhà phân tích tồn tại bất đồng đối với việc Trung Quốc và Mỹ phải chăng tìm đến một phương thức thỏa hiệp hoặc đi tới xung đột quân sự, nhưng hoạt động tuần tra của tàu khu trục USS Lassen Mỹ vừa qua đã gây ra căng thẳng tình hình khu vực.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đã nói rất rõ: Về kinh tế và về chiến lược, Trung Quốc rất quan trọng đối với các nước ASEAN.
Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, phương châm nhất quán của Mỹ và Philippines là “gây ra tranh chấp và ra sức thổi phồng trong vấn đề Biển Đông”. Hiện nay, Mỹ và Philippines còn đang thổi phồng, do Trung Quốc không đồng ý dẫn đến không thể đưa ra Tuyên bố chung, quy trách nhiệm cho Trung Quốc.
Trong vấn đề này, Mỹ ra sức tạo không khí, đó là muốn tạo ấn tượng cho cộng đồng quốc tế về Trung Quốc là nước “không đáng tin cậy, chỉ biết mình” trong vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc ra sức tiến hành quân sự hóa Biển Đông một cách bất hợp pháp |
Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc thì “Trung Quốc luôn nỗ lực bảo vệ sự đoàn kết của ASEAN, nhưng nếu lập trường căn bản của chúng tôi đối mặt với sức ép và thách thức to lớn, thì chỉ có chơi đến cùng”.
Trên thực tế, chính Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa, chiếm đoạt bãi cạn Scarborough từ tay Philippines, nhảy vào tranh chấp, áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” bành trướng, ra sức quân sự hóa Biển Đông mới là nguồn gốc, là nguyên nhân chủ yếu làm cho tranh chấp Biển Đông ngày càng nóng bỏng, hậu quả của nó ai cũng biết.
Việc Trung Quốc có bảo vệ sự đoàn kết của ASEAN hay không thì nhìn vào cả quá trình tương tác giữa Trung Quốc với từng thành viên ASEAN trong vấn đề Biển Đông đã thấy rõ bản chất các hành động của Trung Quốc.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng không ra được Tuyên bố chung khá giống với Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia trong thời gian Campuchia làm Chủ tịch luân phiên ASEAN. Đó là một điều thật đáng tiếc cho sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN. Đây là một thách thức của ASEAN hiện nay và trong thời gian tới.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Malaysia |
Những lợi ích chủ quyền, an ninh của các thành viên ASEAN ở Biển Đông rõ ràng cũng là lợi ích và an ninh của Cộng đồng ASEAN, liên quan đến hòa bình và ổn định khu vực. ASEAN đang xây dựng cộng đồng, thống nhất trên cả 3 trụ cột, lẽ nào lại bỏ qua được vấn đề Biển Đông trong quan hệ với các nước khác, trước hết là Trung Quốc.
Bỏ qua Biển Đông tức là bỏ qua DOC, COC và bỏ qua chính công việc liên quan đến lợi ích sống còn của từng thành viên ASEAN và bản thân Cộng đồng ASEAN. Do đó, ASEAN cần tiếp tục ứng xử với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông như một chủ thể chính.
Hơn nữa, để phát huy vai trò chủ đạo của mình trong các vấn đề của khu vực và trong quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế bên ngoài, ASEAN rõ ràng không nên, không thể bỏ qua được vấn đề Biển Đông.
Về vấn đề pháp lý của tranh chấp Biển Đông, được biết, Tòa trọng tài thường trực ở The Hague đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc, quyết định thụ lý vụ kiện Biển Đông của Philippines, đây chính là một bàn thua trông thấy của Trung Quốc trong vấn đề pháp lý của yêu sách “đường lưỡi bò”.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) không ra được Tuyên bố chung |
Ngoài ra, Mỹ đã quyết định tuần tra định kỳ ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế cũng là một “đòn đau” đối với Trung Quốc, bởi vì nó cũng bác bỏ mạnh mẽ đối với yêu sách “đường lưỡi bò” về mặt pháp lý. Hành động này của Mỹ được hầu hết các đồng minh và đối tác quan trọng trong khu vực chia sẻ, ủng hộ.
Tại Bắc Kinh, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khuyên Trung Quốc đến tòa án quốc tế để giải quyết vấn đề Biển Đông, bà ngạc nhiên vì Trung Quốc không làm như vậy. Nhưng, sau đó, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố “không tham gia, không chấp nhận” vụ kiện của Philippines, không chấp nhận bất cứ phán quyết nào của tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc, thực chất là không chấp nhận luật pháp quốc tế.
Cũng tại Bắc Kinh ngày 3 tháng 11 vừa qua, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Đô đốc Harry Harris đã tuyên bố thẳng thừng rằng, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông là “không đứng vững”, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra ở Biển Đông.
Việt Nam cũng tuyên bố, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Việc giải quyết vấn đề Biển Đông phải dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
Hôm nay, ông Tập Cận Bình – chủ tịch Trung Quốc (trái) đến thăm Việt Nam, ông sẽ nói gì về Biển Đông? |