Mong muốn được giảm án phí ở tòa sơ thẩm, giảm lãi suất khoản tiền bồi thường cho thành phố Đà Nẵng, gia đình 7 nhân tài vi phạm hợp đồng đã làm đơn kháng cáo.
Việc nhân tài không về Đà Nẵng làm việc như cam kết đã ảnh hưởng đến kế hoạch sắp xếp nhân lực chất lượng cao cho bộ máy hành chính thành phố.
Ngày 8/11, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, cho biết sắp tới sẽ là nguyên đơn phiên xử phúc thẩm “kiện nhân tài”, khi 7 trong số 9 người tham gia đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) thua kiện ở tòa dân sự TAND TP Đà Nẵng có đơn kháng cáo.
“Các học viên vi phạm đề án 922 chưa hài lòng nên muốn xử phúc thẩm. Chưa biết kết quả thế nào, nhưng ít ra họ cũng kéo dài thời gian hoàn trả tiền cho thành phố. Quan điểm của chúng tôi là tòa kết án thế nào thì chấp hành như thế”, ông Chiến nói.
Theo Giám đốc Trung tâm, có thể các học viên kháng cáo vì “bắt bẻ” câu chữ trong hợp đồng. Tuy nhiên, nếu xét về tình cảm, chuyện vay mượn phải trả là bình thường. “Quan trọng hơn là tổ chức hay cá nhân khi đã hứa hẹn thì phải thực hiện. Những người vi phạm hợp đồng dứt khoát phải trả lại tiền ngân sách, tiền thuế của dân”, ông Chiến nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Bửu (bố của học viên Huỳnh Văn Long vi phạm hợp đồng không về Đà Nẵng vì muốn học tiến sĩ ở Anh), cho biết lý do các bị đơn kháng cáo là hy vọng bản án ở tòa phúc thẩm được khách quan hơn. “Án phí tòa phúc thẩm chỉ có 200.000 đồng nên chúng tôi không muốn bỏ qua cơ hội”, ông nói.
Ở phiên sơ thẩm, gia đình ông Bửu bị buộc hoàn trả gần 2,7 tỷ đồng cho Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng. Tuy nhiên gia đình chưa đồng ý với thời hạn hoàn tiền, nếu trả chậm sẽ phải theo lãi suất cơ bản 9% mỗi năm. “Điều này không đúng với Nghị định 143/2013 của Chính phủ. Việc đền bù kinh phí không phải như án dân sự vay mượn ở bên ngoài”, ông nói.
Vẫn theo phụ huynh này, án phí của tòa sơ thẩm hơn 40 triệu đồng (đã giảm 50%) là cao quá, gia đình không chịu được. “Chúng tôi mong tòa phúc thẩm xem xét giảm bớt khoản án phí ở phiên tòa trước, vì khoản nợ gốc chưa có khả năng trả, giờ án phí cao quá thì tiền đâu mà trả”, ông Bửu nói và cho biết nguyện vọng của gia đình là được trả chậm số tiền theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Từ tháng 10/2014 đến 30/9/2015, tòa dân sự TAND TP Đà Nẵng thụ lý 15 vụ kiện nhân tài, đã xử 9 vụ và sắp tới 6 vụ tiếp tục được xử. Số tiền nhân tài phải bồi hoàn cho thành phố Đà Nẵng lên đến hơn 10 tỷ đồng.
Đề án 922 được TP Đà Nẵng triển khai từ năm 2004, nhằm hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Trong hợp đồng quy định, sau khi hoàn thành khóa đào tạo các học viên phải về làm việc cho thành phố tối thiểu 7 năm. Hơn 630 người tham gia đề án và khoảng một nửa học viên đã về thành phố làm việc.
Tuy nhiên 20 học viên vì lý do kết quả học tập không đạt đã phải ra khỏi đề án; 27 người chủ động xin ra và được thành phố đồng ý; 15 người đi học nhưng không về làm việc; 4 người đã về thành phố làm việc chưa được 7 năm đã bỏ ra nước ngoài; một người không nhận việc theo sự phân công của tổ chức.
Những nhân tài bị kiện ra tòa là do không chịu bồi hoàn tiền cho ngân sách như quy định (60 ngày sau khi nhận thông báo vi phạm hợp đồng). Tuy nhiên, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chờ đợi hơn 6 tháng mới khởi kiện nhân tài và là việc cực chẳng đã.
“Thành phố đang cân đối giữa việc cho đi học và thu hút nhân tài. Việc thu hút những người đã có bằng cấp, kinh nghiệm công tác và thực tâm muốn gắn bó để góp sức cho sự phát triển của thành phố sẽ tránh được rủi ro hơn so với chỉ tập trung cho Đề án 922. Thêm vào đó, những ngành nghề lâu nay cử đi học nhưng học viên về khó phát huy hết năng lực thì chúng tôi sẽ giảm đào tạo”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nêu giải pháp về chính sách đào tạo nhân tài cho thành phố trong thời gian tới.