Ngày 27/10/2015, Tân Hoa Xã (Xinhua) đăng bài chỉ trích việc Mỹ điều khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Lassen thực hiện tự do hàng hải vào khu vực 12 hải lý quanh bãi Subi và Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa. Lập luận của bài báo có nhiều điểm phi lý.
Trước hết, bài báo cho rằng hành động của Mỹ là khiêu khích và là trò chơi bên miệng hố chiến tranh nhằm thể hiện sức mạnh và tăng cường hiện diện vượt trội gây bất ổn ở khu vực.
Sự vô lý trong luận điệu này nằm ở chỗ chính Trung Quốc đang ỷ mạnh hiếp yếu, mưu đồ thay đổi nguyên trạng và độc chiếm Biển Đông trong những năm qua, trong khi Mỹ đang nỗ lực duy trì một trật tự ổn định ở khu vực. Những ví dụ điển hình gần đây nhất có thể kể đến là việc Trung Quốc phong tỏa Scarborough năm 2012, hạ đặt giàn khoan HD981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam giữa năm 2014, ngăn chặn hoạt động tiếp tế của Philippines ở bãi Second Thomas tháng 3/2014, tàu chấp pháp Trung Quốc xâm nhập bãi Nam Luconia gây căng thẳng với Malaysia và đặc biệt là việc cải tạo quy mô lớn trên 7 thực thể mà nước này sử dụng vũ lực chiếm đóng ở Trường Sa (cộng với việc thiết lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông gây lo ngại rằng một ngày nào đó Trung Quốc có thể thiết lập ở ADIZ tương tự ở Biển Đông). Từ tháng 12/2013 – 6/2015, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 2.900 mẫu Anh trên các thực thể kể trên, chiếm 95% diện tích đất đai ở Trường Sa, lớn hơn gấp 17 lần tổng diện tích các bên yêu sách khác cải tạo trong vòng 40 năm qua.
Các hành động khiêu khích và ỷ mạnh hiếp yếu của Trung Quốc đã gây quan ngại khắp thế giới, rung động đến cả Liên hợp quốc, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Mỹ và các nước lớn khác. Tất cả đều lo ngại trước các hành động đơn phương và bá quyền của Trung Quốc. Chưa bao giờ cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại về các hoạt động nêu trên, đặc biệt là việc cải tạo đá nhiều như thời gian vừa qua.
Thứ hai, bài báo cho rằng Trung Quốc không có “yêu sách quá mức” (excessive claim) về chủ quyền ở Biển Đông và cho rằng chủ quyền của Trung Quốc được minh chứng trong lịch sử.
“Yêu sách quá mức” mà bài báo đề cập liên quan đến Chiến lược an ninh biển Châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tháng 8/2015. Trong đó, Bộ Quốc phòng Mỹ coi yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là “yêu sách quá mức” vì từ khi công bố năm 2009 đến nay, Bắc Kinh chưa làm rõ là yêu sách đối với toàn bộ vùng biển hay các thực thể bên trong đường này.
Theo các quy chuẩn và luật pháp quốc tế đương đại, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông nói chung và “đường lưỡi bò” nói riêng là vô giá trị và là “yêu sách quá mức” vì một số lý do. Thứ nhất, vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” không phải là nội thủy như được quy định tại Điều 8 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Ngoài ra, các chính quyền Trung Hoa (cả Cộng hòa Trung Hoa – Đài Loan hiện nay và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – Trung Quốc) chưa bao giờ yêu sách vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” như là vùng nội thủy. Các tàu nước ngoài, bao gồm cả tàu chiến vẫn thực hiện quyền đi lại trên vùng nước nằm trong “đường lưỡi bò” từ khi nó xuất hiện trên bản đồ do Cộng Hòa Trung Hoa xuất bản năm 1948 mà Trung Quốc chẳng có phản đối gì. Thứ hai, đường này cũng không phải là lãnh hải theo Điều 3 và 4 của UNCLOS. Chiều rộng của lãnh hải là 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng UNCLOS, nhưng ranh giới ngoài của “đường lưỡi bò” không phải là một đường trong đó mỗi điểm trên đường đó cách điểm gần nhất của đường cơ sở của Trung Quốc một khoảng cách là 12 hải lý mà cách xa hàng ngàn dặm và không chạy dọc theo bờ biển của Trung Quốc. Thứ ba, “đường lưỡi bò” cũng không phải là thể hiện yêu sách với các vùng nước quần đảo theo Điều 46 – 49 của UNCLOS. “Đường lưỡi bò” bao phủ cả Hoàng Sa, Trường Sa, Scarborough, bãi Macclesfield và bãi Pratas nhưng đây là những quần đảo và bãi đá nằm riêng rẽ, cách nhau rất xa, không tụ hợp thành một quần đảo. Thứ tư, yếu tố lịch sử trong yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với yêu sách lịch sử được công nhận trong Điều 10 và 15 của UNCLOS. Trung Quốc đã không thực thi quyền ở khu vực này một cách hiệu quả, liên tục và không bị thách thức bởi các bên khác liên quan. Trong khi đó, hệ thống văn bản chính thống của Trung Quốc chứng minh chủ quyền ở Biển Đông là không rõ ràng.
Thứ ba, bài báo cho rằng tự do hàng hải và hàng không chưa từng bị phương hại mặc dù tranh chấp lãnh thổ phức tạp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, một phần vì quyết tâm chung của các bên liên quan giữ vùng biển hòa bình và phần khác vì sự kiềm chế của Trung Quốc.
Có hai điểm bất hợp lý cần phải làm rõ trong lập luận này. Thứ nhất, bài báo cho rằng tự do hàng hải và hàng không chưa từng bị phương hại là cách diễn giải sai. Thống kê và quan sát của các nước trong và ngoài khu vực trong những năm qua đều cho thấy Trung Quốc là nước tích cực ngăn cản các hoạt động tự do hàng hải và hàng không của các nước khác. Những vụ việc điển hình xảy ra với Mỹ như vụ máy bay do thám EP – 3 của Mỹ va chạm với máy bay J – 8II của Trung Quốc vào đầu tháng 4/2011 khi đó máy bay EP – 3 của hải quân Mỹ thực hiện nhiệm vụ ở vùng trời cách đảo Hải Nam khoảng 80 km. Mỹ khẳng định họ hoàn toàn đang hoạt động trong không phận quốc tế. Tuy nhiên máy bay tiêm kích J – 8II của Trung Quốc xuất hiện để ngăn chặn và buộc máy bay Mỹ hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Tiếp theo là vụ tàu USS Impeccable và vụ tàu USSCowpens. Tháng 3/2009, khi tàu khảo sát hải dương của hải quân Mỹ USS Impeccable đang hoạt động khảo sát ở Biển Đông bị năm tàu của Trung Quốc quấy nhiễu (bao gồm 1 tàu do thám hải quân, 2 tàu tuần tra và 2 tàu cá nhỏ). Hai tàu của Trung Quốc còn tiến sát, chặn ngay trước mũi tàu của Mỹ một khoảng cách chưa đầy 20m. Tháng 12/2013, tuần dương hạm tên lửa dẫn đường của Mỹ USS Cowpens đang đi trên Biển Đông thì bị một tàu đổ bộ của Trung Quốc chạy chắn ngang mũi tàu (khoảng 450 mét), buộc phải chuyển hướng để tránh đâm vào tàu Trung Quốc.
Ngoài ra, tháng 8/2014, máy bay chiến đấu J – 11 của Trung Quốc áp sát, lộn nhào và phô bày vũ khí trước máy bay trinh sát P – 8 Poseidon của hải quân Mỹ tại địa điểm cách đảo Hải Nam 220 km về phía đông. Thậm chí, ngay trước chuyến thăm Mỹ của Tập Cận Bình, ngày 15/9/2015, Trung Quốc còn cho máy bay ra chặn máy bay trinh sát RC – 135 của Mỹ trên biển Hoàng Hải, v.v.
Thứ hai, bài báo đã nói ngược khi đề cập đến việc giữ kiềm chế. Bên kiềm chế là các nước yêu sách trong ASEAN chứ không phải là Trung Quốc. Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu cá và tàu chấp pháp bán quân sự thâm nhập vào vùng biển tranh chấp để mở rộng kiểm soát và khiêu khích các nước yêu sách nhỏ hơn. Nếu các nước không kiềm chế được mà điều tàu ra cản phá thì Trung Quốc điều cả tàu chiến đến tham gia. Ví dụ điển hình là vụ Scarborough năm 2012 làm cho Philippines bị mất quyền kiểm soát đối với bãi cạn này. HD981 cũng là một ví dụ rõ ràng về hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc khi nước này điều tới hơn 130 tàu các loại bao gồm cả tàu hải quân, chấp pháp công suất lớn các tàu cá nhưng Việt Nam đặc biệt kiềm chế, kiên trì bám biển và sử dụng các biện pháp hòa bình.
Thứ tư, việc bài báo cho rằng Trung Quốc không quân sự hóa Trường Sa và các hoạt động xây dựng của nước này không nhắm vào nước nào là không đúng. Trong chuyến thăm Mỹ, Tập Cận Bình nói sẽ không quân sự hóa các đảo đang xây dựng ở Trường Sa nhưng đó là lời hứa suông. Trên thực tế, trên cả bảy thực thể chiếm đóng, Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm phục vụ mục đích quân sự như đường băng 3.000 mét ở Chữ Thập và đường băng thứ hai ở Subi, cầu cảng cho tàu chiến và tàu chấp pháp neo đậu phục vụ các hoạt động dài ngày ở phía nam Biển Đông.
Trong khi đó, Trung Quốc đang hiện đại hóa mọi khía cạnh quân sự biển, từ hải quân trên mặt nước đến tàu ngầm, máy bay, tên lửa, ra – đa và lực lượng hải cảnh. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện có 303 tàu hải quân các loại và 205 tàu chấp pháp, lớn hơn rất nhiều so với các nước ở khu vực cộng lại. Tính đến tháng 6/2014, hải quân Trung Quốc có 5 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa, 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn; 51 tàu ngầm điện – diesel, 12 trong số đó trang bị động cơ không cần không khí (AIP), 1 tàu sân bay, 24 tàu khu trục và tàu khu trục tên lửa, 63 tàu hộ vệ loại nhỏ và tên lửa, 85 tàu/xuồng tên lửa, 57 tàu đổ bộ hạng trung và cỡ lớn, v.v.
Trung Quốc cũng đang phát triển hệ thống vũ khí tiên tiến và công nghệ cao nhằm ngăn cản sự can thiệp của bên ngoài vào xung đột và để chống lại công nghệ quân sự của Mỹ. Với việc biên chế tên lửa hành trình chống hạm tầm xa (ASCM), tên lửa đạn đạo chống hạm DF – 21D (ASBM), hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính và trinh sát tình báo (C4ISR), Trung Quốc có khả năng chiến đấu tới Philippines và phía nam Biển Đông, thậm chí có thể mở rộng tác chiến ngoài chuỗi đảo thứ nhất.
Mục tiêu của hiện đại hóa quân sự và lực lượng chấp pháp của Trung Quốc không ai hết chính là các nước yêu sách nhỏ hơn trong khu vực và Mỹ. Các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo một mặt tạo điều kiện để Trung Quốc thách thức yêu sách của các nước nhỏ hơn thông qua sử dụng các tàu bán quân sự và khi thời cơ đến có thể xâm chiếm, mặt khác làm tiền đồn để vô hiệu hóa các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực, và trong tương lai có khả năng tấn công Hawaii và có thể bắn tên lửa lửa đến lãnh thổ đất liền của Mỹ.
Thứ năm, bài báo chỉ trích Mỹ đứng cùng phe với Philippines và Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng cũng đề cập ý là Việt Nam và Philippines đã chiếm hữu phi pháp các đảo của Trung Quốc. Điều này thật nực cười vì kẻ xâm lược là Trung Quốc chứ không phải Việt Nam hay Philippines. Thế giới đều biết Trung Quốc chiếm đóng trái phép bằng vũ lực Hoàng Sa từ Việt Nam năm 1974, Gạc Ma và 6 thực thể khác ở Trường Sa năm 1988 và năm 2012 phong tỏa Scarborough ngăn chặn không cho Philippines tiếp cận với bãi cạn. Sự chiếm đóng của Trung Quốc trên các quần đảo, đảo đá ở Biển Đông có được là do sử dụng vũ lực và sức mạnh.
Tóm lại, bài báo của Tân Hoa Xã nhằm chỉ trích việc Mỹ điều khu trục hạm USS Lassen thực thi quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế xung quanh bãi Subi và Vành Khăn nhưng đưa ra những lập luận phi lý. Đây chỉ là chiêu trò của Trung Quốc nhằm gây nhiễu, đánh lạc hướng dư luận nhưng không thể che lấp được một thực tế rằng Trung Quốc mới chính là kẻ luôn khiêu khích, ỷ mạnh hiếp yếu và gây bất ổn ở khu vực.