Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐiểm tinTập Cận Bình và “bài học” cho Việt Nam

Tập Cận Bình và “bài học” cho Việt Nam

Có lẽ chưa bao giờ dư luận, nhân dân Việt Nam lại phẫn nộ trước những lời lẽ xảo ngôn, hay nói một cách sòng phẳng là “trở mặt như trở bàn tay” của Tập Cận Bình sau chuyến thăm Việt Nam.

Ông Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam

Gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, phát biểu trước thanh niên Việt Nam – Trung Quốc, ông Tập đã dùng những lời lẽ rất “có cánh” khi nói về mối quan hệ “núi liền núi, sông liền sông”. Những lời hết sức hoa mỹ cũng chỉ lừa được đám con trẻ không am hiểu về chính trị, còn những người có chút nhận thức thì hiểu ngay rằng những lời đó không có giá trị gì bởi điều Việt Nam cần là thái độ thật sự của Trung Quốc về Biển Đông ra sao.

Cũng vẫn những ngôn từ cũ rích, nào là phải “kiềm chế”, rồi là “vì đại cục”… nhưng không có một cái gì cụ thể cả. Còn một số các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam xem ra có vẻ rất hoan hỉ trước thành công chuyến đi của ông Tập.

Toàn văn tuyên bố chung của chuyến đi thì rặt những lời kêu như mõ. Nhưng cũng đúng như chúng tôi – bd.net đã từng viết trước chuyến thăm, là chuyến đi này của Tập sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì xung quanh việc Trung Quốc lấn chiếm trái phép một số bãi đá ở Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và cũng là cái cớ không gì tốt hơn để cho Mỹ đưa tàu chiến vào Biển Đông. Và bây giờ sự thật đã phơi bày.

Ở Việt Nam, ông Tập nói những lời tạm gọi là tử tế như vậy, nhưng đến khi sang Singapore thì ông ta quay ngoắt 1800 và tuyên bố các đảo ở Biển Đông là do tổ tiên để lại và Trung Quốc chiếm giữ là chuyện đương nhiên không có gì bàn cãi.

Thế là đã rõ. Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông. Và cái mặt nạ tử tế của ông Tập đã rơi ra để lộ cái mặt thật của kẻ bành trướng bá quyền, pha chút lưu manh chính trị và cách hành xử côn đồ, cậy nước mạnh bắt nạt nước yếu.

Đây cũng là một bài học cho các nhà lãnh đạo Việt Nam bởi họ đã cố gắng tìm cách “giảm nhiệt” trong quan hệ với Trung Quốc, đã tổ chức đón ông Tập với nghi lễ hết sức trọng thể (mà cái chuyện nghi thức này cũng là một thứ ảo mà thôi): đại bác chào mừng nổ đấy, cờ hoa tung bay phấp phới đấy nhưng cái cần giải quyết thì không được bàn đến hoặc bàn đến với những ngôn từ “hiểu thế nào cũng được”.

Trung Quốc muốn cùng Hoa Kỳ chia đôi thế giới; nhưng với cách hành xử không biết thủ tín của người cầm đầu như thế này thì thử hỏi ai còn có thể tin Trung Quốc được nữa.

Ngày xưa nhà báo Julius Fuxich trong một tác phẩm của mình đã kêu gọi: “Hỡi nhân loại hãy cảnh giác với chủ nghĩa đế quốc” thì có lẽ bây giờ cũng phải nói lại “Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác trước Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới