Tướng Trường Long đi thăm Ấn Độ, Pakistan, tướng Tôn Kiến Quốc theo Tập Cận Bình đến Việt Nam, Singapore, còn tướng Lợi thăm Malaysia, Indonesia và Maldives.
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 12 tháng 11 đưa tin, theo lời mời của Quân đội Pakistan và Ấn Độ thì Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long vào ngày 11 tháng 11 vừa qua đã dẫn đoàn rời Bắc Kinh, lên đường tiến hành chuyến thăm chính thức tới hai nước này.
Báo chí Ấn Độ cho biết, ông Phạm Trường Long là quan chức cấp cao nhất của Quân đội Trung Quốc thăm Ấn Độ kể từ năm 2004 đến nay.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cũng cho biết, chuyến thăm lần này nhằm thực hiện “đồng thuận” của các nhà lãnh đạo hai bên, tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị với quân đội hai nước này, “cùng bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực”.
Thông tin trên trang mạng Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì cho biết, những quan chức tháp tùng chủ yếu trong chuyến thăm này của Phạm Trường Long gồm có Phó Tổng tham mưu trưởng Tôn Kiến Quốc và Chính ủy Đại quân khu Thành Đô Chu Phúc Hi.
Có chuyên gia phân tích cho rằng, Đại quân khu Thành Đô chủ quản vấn đề quân sự của các khu vực như Tứ Xuyên, Tây Tạng, thường có quan hệ qua lại nhiều với Pakistan và Ấn Độ.
Chính ủy Đại quân khu Thành Đô tháp tùng chuyến thăm có lợi cho hai bên tiến hành trao đổi tốt hơn về một số vấn đề trên tuyến đầu.
Ngày 10 tháng 8 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hội kiến với Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc (ảnh tư liệu minh họa) |
Đầu tháng 11 năm nay, ông Tập Cận Bình, người đứng đầu cả về đảng và chính quyền của phía Trung Quốc đã đến thăm Việt Nam, tháp tùng ông đi thăm có Phó Tổng tham mưu trưởng, Đô đốc Tôn Kiến Quốc. Theo báo chí thì đây là điều “hiếm có”.
Đáng chú ý, Tôn Kiến Quốc từng nhiều lần đưa ra các “lập trường” của phía Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Một nguồn tin quân đội giấu tên cho biết, Tôn Kiến Quốc hiện nay phụ trách công tác đối ngoại của quân đội, do đó, sẽ nhiều lần cùng quan chức cấp cao đi nước ngoài. Đồng thời, là quan chức xuất thân từ lực lượng hải quân, khi liên quan đến vấn đề biển, ông ta có “ưu thế” của mình.
Những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ hộ tống ở Ấn Độ Dương, có liên hệ trên biển gia tăng với Pakistan và Ấn Độ.
Bài báo cho rằng, Quân đội Trung Quốc gần đây triển khai ngoại giao quân sự xung quanh (láng giềng) một cách dày đặc. Từ khi bước vào tháng 11 đến nay, có tới 3 ủy viên Quân ủy Trung ương trong đó có ông Phạm Trường Long đi thăm 6 nước xung quanh.
Ngô Thắng Lợi – Tư lệnh Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu minh họa) |
Bài báo đặt vấn đề: Việc các quan chức cấp cao Quân đội Trung Quốc tập trung đi thăm các nước xung quanh phải chăng có liên quan đến tình hình xung quanh, nhất là tình hình Biển Đông hay không?
Đối với vấn đề này, nhà nghiên cứu Trương Quân Xã, một học giả quen dùng của Bắc Kinh làm việc cho Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng:
Những chuyến thăm nước ngoài của các quan chức cấp cao này đều được tiến hành theo kế hoạch giao lưu thường niên, hai bên tiến hành bàn bạc nghiêm túc về hợp tác giữa quân đội hai nước. Điều này có lợi cho tăng cường hiểu biết và sự tin cậy giữa quân đội hai nước.
Bài báo còn cho biết, ngày 10 tháng 11, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi cũng rời Bắc Kinh, đến thăm chính thức 3 nước gồm Malaysia, Indonesia và Maldives. Theo bài báo thì chuyến thăm lần này có thể bàn tới “vấn đề Biển Đông”.
“Trong chuyến thăm sẽ tiến hành thảo luận với các nước liên quan về vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh ‘xử lý thỏa đáng’ và ‘quản lý, kiểm soát tốt’ bất đồng trên biển, không nên ảnh hưởng đến hợp tác hữu nghị giữa các nước” – Trương Quân Xã thay lời Bắc Kinh nói.
Theo ông Xã: “Tranh chấp không phải là toàn bộ của quan hệ quân sự giữa hai bên, không nên vì vậy mà ảnh hưởng đến (cái gọi là) đại cục”.
Bài viết lại dẫn một nguồn tin quân đội giấu tên cho rằng, hoạt động ngoại giao quân sự nhằm “tạo ra môi trường xung quanh tốt đẹp”. Trong hoạt động thăm nhau, nhà lãnh đạo hai bên không chỉ sẽ bàn đến “hợp tác quân sự” hai nước, mà sẽ còn trao đổi ý kiến về một số vấn đề “hợp tác quan trọng” của quan hệ hai nước.
Thân Tiến Khoa – người phát ngôn Không quân Trung Quốc |
Bài viết cho rằng, là một phần của ngoại giao xung quanh của nhà nước (Trung Quốc), ngoại giao quân sự xung quanh có hình thức đa dạng, ngoài thăm cấp cao, còn có cử tàu chiến đến thăm, tổ chức diễn tập liên hợp song phương, diễn tập đa phương.
Ngày 11 tháng 11, người phát ngôn Không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa cho biết, lực lượng đường không của Không quân hai nước Trung Quốc và Thái Lan sẽ tổ chức huấn luyện liên hợp “Ưng Kích-2015” ở căn cứ Korat của Không quân Thái Lan từ ngày 12 đến ngày 30 tháng 11.
Huấn luyện liên hợp lần này nhằm tăng cường học tập và hiểu biết lẫn nhau giữa các đơn vị lực lượng đường không của không quân hai nước, đi sâu hợp tác thiết thực giữa quân đội hai nước Trung Quốc và Thái Lan, tăng cường lòng tin và tình hữu nghị.
Trương Quân Xã cho rằng, Trung Quốc đặt khu vực xung quanh (láng giềng) vào vị trí quan trọng hàng đầu của toàn cục ngoại giao, lấy thúc đẩy phát triển hòa bình, ổn định của khu vực xung quanh “làm nhiệm vụ của mình”, triển khai giao lưu, hợp tác với quân đội các nước xung quanh, có lợi cho “sự phát triển hòa bình, ổn định khu vực, cùng thúc đẩy tình hữu nghị láng giềng”.
Từ chuyến thăm các nước của các tướng lĩnh Trung Quốc trên đây, nhất là của Tư lệnh Hải quân Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc coi trọng thúc đẩy ảnh hưởng quân sự ở khu vực bằng ngoại giao, trong đó, ông Ngô Thắng Lợi thực sự có thể đi các nước để bàn đến vấn đề Biển Đông và có thể rao giảng lý thuyết như lời bình luận của Trương Quân Xã.
Nhìn bề ngoài, việc “xử lý thỏa đáng và quản lý, kiểm soát tốt bất đồng” và “không để ảnh hưởng đến tình hữu nghị” giữa hai bên mà ông Xã nói tới thì nghe rất hay.
Nhưng, điều quan trọng là Trung Quốc có đang hành động để thực hiện những lời nói ngon ngọt như vậy không, hay là họ đang có những hành động khiêu khích trên Biển Đông?
Khi các nước xung quanh không có hành động xấu, mà Trung Quốc lại có hành động xấu đối với mình (phá vỡ nguyên trạng và quân sự hóa Biển Đông, đưa ra yêu sách và có các hành động xâm phạm chủ quyền của mình), mà mình lại không có phản ứng gì thì chắc đó là “không ảnh hưởng đến tình hữu nghị hai bên và đại cục”, là đã “xử lý thỏa đáng, quản lý và kiểm soát tốt bất đồng” như ông Xã nói?
Không thể nào như vậy được, nếu Trung Quốc đã, đang và sẽ tiến hành bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” mà không nhượng bộ, không từ bỏ thì không thể không phản ứng, không thể không có hành động ngăn chặn.
Trái lại, đối với bất cứ hành động bành trướng nào của Trung Quốc ở Biển Đông mà đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và lợi ích quốc gia của Việt Nam, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực thì Việt Nam và các nước cần đồng thanh liêng tiếng, đồng tâm hiệp lực, phối hợp chặt chẽ và hợp tác triển khai các hành động ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và kiên quyết đẩy lùi các tham vọng và hành động bành trướng đó.
Các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam phải kiên quyết bác bỏ và phá tan yêu sách “đường lưỡi bò”, không cho nó ngự trị trong đời sống chính trị khu vực và quốc tế, không để nó trở thành mầm mống của tai họa, xung đột và chiến tranh tương lai, gây ra đau thương cho nhân dân các nước và khu vực. Đó thực sự là sứ mệnh của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trong khu vực.
Chúng ta chỉ có đứng dậy đoàn kết đấu tranh kiên quyết và có hiệu quả, chỉ có đấu tranh cho lẽ phải, công bằng, cho quyền lợi chính đáng, cho luật pháp quốc tế và cho hòa bình, an ninh, ổn định khu vực thì mới có thể tăng thêm lợi ích chung, tăng cường an ninh và tăng cường đoàn kết ở khu vực, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN và tăng cường đoàn kết với nhân dân Trung Quốc, nhân dân thế giới.
Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu J-11B ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam?! |
Mỗi quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, kể cả Campuchia, Lào, Myanmar v.v… đều có những lợi ích riêng của mình, nhưng cũng có lợi ích chung, an ninh chung mà mình không thể tách rời.
Do đó, không chỉ Việt Nam, các nước liên quan trong khu vực, các nước thành viên ASEAN, các nước ngoài khu vực, kể cả các nước không liên quan trực tiếp đến chủ quyền ở Biển Đông thì họ cũng cần có những lợi ích gián tiếp, cần đến môi trường an ninh, hòa bình ở khu vực để phát triển.
Do đó, họ đều không thể làm ngơ trước các hành động bành trướng, cường quyền của một nước nào đó đang thúc đẩy ở khu vực và đang gây ra điểm nóng và dễ bùng phát xung đột hiện nay.
Không có gì khác, chúng ta phải yêu cầu Trung Quốc với tư cách là một thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc phải tuân thủ nghiêm túc và chặt chẽ luật pháp quốc tế cùng các quy tắc quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
Yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành vi bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông, hoàn toàn từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, nhanh chóng ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), thực sự làm một nước có trách nhiệm, đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực.
Các nước cần cùng nhau yêu cầu Trung Quốc phải vĩnh viễn không xưng bá, không bành trướng, không cường quyền, không o ép các nước nhỏ, không can thiệp công việc nội bộ của ASEAN, không dùng vũ lực hoặc răn đe vũ lực ở Biển Đông và bất cứ khu vực nào khác, không dùng sức ép kinh tế, chính trị, quân sự… để áp đặt ý chí và những đòi hỏi quá đáng và hết sức lố bịch của mình…
Quân đội Trung Quốc đẩy mạnh các cuộc tập trận quy mô lớn có nhiều khoa mục tấn công ở Biển Đông như đổ bộ tấn công đánh chiếm đảo đá, bờ biển. |
Chúng ta hoan nghênh các hoạt động ngoại giao quân sự để tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực của phía Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng ghi nhớ sâu sắc các bài học lịch sử trong quan hệ hai bên, yêu cầu những hoạt động ngoại giao quân sự đó không nên có một thứ gì mờ ám.
Bởi vì, bất cứ nước nào dụ dỗ và bị dụ dỗ bởi các lợi ích bất chính thì chính điều đó đã trở thành nhân tố phá hoại ghê gớm nhất uy tín, hình ảnh và lợi ích của chính mình. Mất lòng tin sẽ mất rất nhiều thứ.
Nhìn vào mọi hành động của Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông trong thời gian vừa qua, chúng ta nên và cần yêu cầu đối với Trung Quốc như vậy, để vấn đề Biển Đông thực sự được giải quyết trên cơ sở pháp lý đúng đắn, để Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác, luôn đảm bảo tự do hàng hải và tự do bay. Không để bất cứ một kẻ nào có quyền kiểm soát, chiếm đoạt Biển Đông cho riêng mình, bất kể kẻ đó lớn hay nhỏ, bất kể kẻ đó mạnh hay yếu.
Cộng đồng quốc tế văn minh không cho phép những loại hành động dã man tồn tại trong thế giới ngày nay. Đó là một nguyên tắc và tất cả các nước cần cùng nỗ lực xây dựng và vận hành các cơ chế cả song phương và đa phương để thúc đẩy giải quyết các vấn đề khu vực, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chung đã đặt ra.
Một đàn tàu chiến Trung Quốc ra Biển Đông phô trương vũ lực (ảnh tư liệu, tháng 8 năm 2014 |