Kuala Lumpur đã thấy rõ, họ càng nhân nhượng Trung Quốc càng lấn tới, vì tham vọng độc chiếm Biển Đông, hiện thực hóa đường lưỡi bò cho đến giờ vẫn là…
Lính Trung Quốc, hình minh họa: Defense News.
Reuters ngày 14/11 đưa tin, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi đã kêu gọi đất nước này cần phải bảo vệ “chủ quyền” của mình ở Biển Đông trước sự xâm lấn, dù không nói rõ nhưng ám chỉ các hành vi leo thang của Trung Quốc. Căng thẳng trên Biển Đông sẽ trở thành nội dung chính trong các cuộc họp của khu vực, quốc tế sắp tới mà Bắc Kinh sẽ tham dự.
Bằng cách đặt câu hỏi tại sao lại có nước khác bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo trên các rặng san hô gần bờ biển Malaysia, Phó Thủ tướng Hamidi muốn ám chỉ Trung Quốc. “Nếu đất nước chúng ta đang bị đe dọa hoặc bị lấn chiếm, chúng tôi những người Malaysia sẽ đứng lên bảo vệ đất nước của mình”, ông Hamidi phát biểu tại Kota Kinabalu, thủ phủ bang Sbah trên đảo Borneo.
Bắc Kinh đang thúc đẩy yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp và bành trướng) trong đó đòi gần 90% diện tích Biển Đông và đã tăng cường các hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp (mà Trung Quốc nhảy vào tranh chấp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Tuy nhiên Mỹ đã thách thức các yêu sách lãnh hải 12 hải lý xung quanh các bãi cạn lúc nổi lúc chìm mà Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo.
Malaysia đang là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, khu vực sẽ nhóm họp cuối tháng này với sự tham gia của cả lãnh đạo Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước khác trên thế giới. Philippines đã khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong khi Indonesia tuyên bố cũng đang xem xét khả năng tương tự.
“Cộng đồng quốc tế phải nhìn thấy điều này, đây không chỉ là vấn đề của nền kinh tế mà là chủ quyền. Biển Đông chỉ là một cái tên, nhưng 200 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế là thuộc biên giới của chúng tôi”, Phó Thủ tướng Malaysia tuyên bố.
Lâu nay Kuala Lumpur thường chủ trương “nhẹ nhàng” với Trung Quốc và xử lý tranh chấp Biển Đông thông qua thương lượng, đàm phán trực tiếp hơn là thông qua các tổ chức đa phương, cơ quan tài phán quốc tế. Tuy nhiên không vì thiện chí của Kuala Lumpur mà tham vọng bành trướng của Bắc Kinh dừng lại (PV).
Kuala Lumpur đã thấy rõ, họ càng nhân nhượng Trung Quốc càng lấn tới, vì tham vọng độc chiếm Biển Đông, hiện thực hóa đường lưỡi bò cho đến giờ vẫn là mục tiêu bất biến. Không thể đánh đổi việc hợp tác kinh tế – thương mại lấy sự nhượng bộ về quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia ở Biển Đông, gần đây một số quan chức cấp cao nước này đã bắt đầu lên tiếng phản ứng, thay vì thái độ im lặng như trước (PV).
Tuy nhiên công khai phản đối còn chưa ngăn chặn được sự bành trướng của Bắc Kinh, việc “bóng gió xa xôi” như một số quan chức Malaysia có lẽ Trung Quốc sẽ bỏ ngoài tai. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như quyền lợi chung của khu vực và quốc tế ở Biển Đông, thiết nghĩ Malaysia nên bắt đầu từ hành động. Ít nhất là đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự, dự thảo tuyên bố chung các cuộc họp sắp tới. Nói xuông với Trung Quốc chỉ như nước đổ lá khoai mà thôi (PV).