Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngHiểm họa mang tên... Trung Quốc!

Hiểm họa mang tên… Trung Quốc!

Ngày 11-11, tờ Nikkei Assian Review đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ nhấn mạnh tới sự cần thiết của luật pháp trên Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các diễn đàn liên quan trong khu vực.

Ông Shinzo Abe sẽ gặp Tổng thống Barack Obama trước Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Malaysia để thảo luận về vấn đề này. Thủ tướng Nhật Bản từng tuyên bố, ông có kế hoạch nêu vấn đề Biển Đông tại các hội nghị thượng đỉnh quốc tế sắp tới, trong đó có APEC, G20 và thượng đỉnh Đông Á.

Phản tác dụng

Theo nhận định của học giả Vladimir Kolotov, chuyên gia lịch sử Việt Nam tại Đại học Saint Petersburg, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Nga, tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông đã phản tác dụng bởi tạo điều kiện cho Mỹ tăng cường ảnh hưởng ngày càng sâu ở Đông Nam Á.

Ngày 9-11, nhiều chuyên gia nghiên cứu quốc tế khẳng định, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông hoàn toàn phi lý và không dựa trên bất cứ một cơ sở pháp lý hay lịch sử nào.

Theo nhận định của Tướng 2 sao Daniel Schaeffer, học giả nổi tiếng người Pháp (cùng chuyên gia Bruno Hellendorff và Giáo sư Eric Mottet), Bắc Kinh đã cố tình vi phạm hoặc tìm cách lách luật pháp quốc tế bởi chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng lịch sử cụ thể nào về việc Trung Quốc thực thi quản lý liên tục các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Và trên thực tế, Trung Quốc đã chiếm đóng bằng vũ lực và điều này trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

hiem hoa mang ten trung quoc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và Thượng nghị sĩ John McCain

Theo bản dự thảo về “tuyên bố của Chủ tịch” ASEAN sắp được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh (từ 21 đến 22-11) ở Kuala Lumpur, Malaysia, quan điểm về tranh chấp Biển Đông không có gì thay đổi so với năm ngoái, tái kêu gọi sớm ký Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Và lãnh đạo ASEAN kêu gọi kiềm chế, làm dịu căng thẳng ở Biển Đông. Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược Campuchia Kung Phoak cho rằng, mục tiêu của COC là ngăn ngừa những vụ xung đột vũ trang và không để căng thẳng và bất ổn leo thang.

Nhưng theo ông John Ciorciari, Giáo sư môn chính sách công của Đại học Michigan, đường lối ngoại giao dựa trên đồng thuận của ASEAN khiến tổ chức này khó đạt được lập trường chung về Biển Đông.

Ngày 10-11, USNI News đưa tin, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain đã đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cung cấp thêm chi tiết về hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FON) ở Biển Đông trước đó.

Ông John McCain yêu cầu giải thích, có phải hoạt động của tàu USS Lassen ở bãi đá Xu Bi là nhằm thách thức yêu sách quá đáng của Trung Quốc hay không? Học giả Gregory Poling đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế coi đây là yêu cầu hoàn toàn hợp lý vì không phải ai cũng hiểu rõ bản chất hoạt động của vấn đề này, cũng như mối liên hệ với Luật Hàng hải.

Trước đó (9-11), khi bình luận trên tờ The Strait Times về những khả năng Trung Quốc có thể phản ứng đối với tàu USS Lassen tuần tra tự do hàng hải xung quanh bãi đá Xu Bi, ông Mark Valencia, học giả Mỹ cho rằng, tuy ban đầu Trung Quốc tức giận, nhưng đến nay đã tỏ ra chấp nhận.

Định hướng kiểu Bắc Kinh

Ngày 10-11, tờ The Economic Times cho biết, tại hội nghị quốc tế (từ 9 đến 10-11) tổ chức tại New Delhi trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) diễn ra từ 21 đến 22-11 ở Malaysia đã chứng kiến Trung Quốc đang bị cô lập về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.

Đây là hội nghị quan trọng trước thềm EAS diễn ra ở Kuala Lumpur và theo Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Anil Wadha, cần giải quyết các tranh chấp hàng hải còn tồn đọng ở Châu Á – Thái Bình Dương một cách nhanh chóng, thông qua đối thoại và dựa trên cơ sở các nguyên tắc đã được chấp nhận của luật pháp quốc tế.

Theo tờ The Diplomat, Bắc Kinh đã triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư J-11BH/BHS (có khả năng thuộc Sư đoàn Không quân số 8 đóng tại tỉnh Hải Nam) với số lượng không xác định tới Phú Lâm, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Nhưng số máy bay này sẽ khó ở lại lâu dài do điều kiện khí hậu trên Biển Đông khiến việc bảo dưỡng và duy trì hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Giới quân sự coi việc Bắc Kinh triển khai máy bay J-11BH/BHS là chướng ngại mới đối với máy bay do thám Mỹ đang hoạt động tại Biển Đông.

Ngày 8-11, tờ Defense News bình luận, việc Trung Quốc triển khai bất hợp pháp chiến đấu cơ J-11BH/BHS trên đảo Phú Lâm, ngay trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của việc hải quân Trung Quốc đang theo đuổi yêu sách phi pháp ở Biển Đông.

Tiến sĩ Bonnie Glaser đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, Trung Quốc đang chứng minh với Mỹ và các bên yêu sách ở Biển Đông – Bắc Kinh rõ ràng có ý định bảo vệ cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ” đã tuyên bố tại khu vực này.

Trên tờ The Diplomat, bà Bonnie Glaser và học giả John Chen đến từ CSIS đều  cho rằng, Trung Quốc có nhiều lựa chọn để quân sự hóa các cơ sở xây dựng trái phép trên Biển Đông nhằm gia tăng khả năng phô diễn sức mạnh trước các nước hữu quan.

Và bất kỳ nỗ lực quân sự nào để vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ của Trung Quốc sẽ tốn kém hơn cả về tài chính và con người. Học giả Ian Storey, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore cho rằng, một khi Trung Quốc hoàn tất các phương tiện trên đảo nhân tạo bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa, chúng có thể trở thành căn cứ cho chiến đấu cơ Trung Quốc ở Biển Đông.

“Sẽ là hiểm họa nếu Trung Quốc đưa tên lửa và thiết bị tình báo đến đảo nhân tạo”, là cảnh báo của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Mỹ, Đô đốc Harry Harris. Bởi khi đó, các bên tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông có nguy cơ bị đặt trong tầm giám sát và tấn công của Trung Quốc.

Thiếu minh bạch

Theo báo cáo công bố hôm 4-11 của tổ chức Minh bạch quốc tế, Trung Quốc chi mạnh cho quân sự, nhưng lại “để ngoài sổ sách”. Và khoản này chiếm tới 1/3 con số được công bố chính thức. Báo cáo này dựa trên số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), theo đó chi phí quân sự của Trung Quốc trong năm 2014 là 216 tỉ USD, trong khi Bắc Kinh chỉ thông báo có 132 tỉ USD.

Và con số của năm 2015 là 145 tỉ USD, tăng 10% so với năm trước. Theo trang Defensenews.com, trong ngày khai trương cuộc triển lãm hàng không quốc tế Dubai Air Show ở Ấn Độ, Trung Quốc đã trình làng (lần đầu tiên) máy bay tiêm kích tàng hình J-31 (còn gọi là FC-31).

Giám đốc dự án Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc Lâm Bình coi FC-31 được thiết kế nhằm đáp ứng các điều kiện trên chiến trường trong tương lai và sự kiến đi vào hoạt động trước năm 2022.

Theo đánh giá, FC-31 có thể là mẫu máy bay tàng hình đầu tiên dành cho khách hàng ở những quốc gia không thể tiếp cận tới loại công nghệ hiện đại này do các quy định xuất khẩu của Mỹ hoặc chi phí đắt đỏ của mẫu F-35 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất.

Ngày 3-11, tờ Washington Times cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phát triển một loại máy bay ném bom chiến lược mới có thể lắp vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường. Bởi cả Trung Quốc và Nga đều đang triển khai chương trình máy bay ném bom tàng hình tương tự.

Do đó, Mỹ cần loại máy bay ném bom mới (đang nghiên cứu phát triển máy bay ném bom LRS-B) để thay thế máy bay ném bom B-52 và B-2. Công ty Northrop – Grumman từng nghiên cứu, phát triển máy bay ném bom tàng hình RQ-180, đã nhận được hợp đồng nghiên cứu phát triển máy bay ném bom mới với tổng trị giá trên 21,4 tỉ USD.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, tướng Mark Wales cho biết, loại máy bay ném bom mới có thể chọc thủng hệ thống phòng không ngày càng tiên tiến và tiến hành răn đe hạt nhân đối với đối thủ.

Cựu Trung tướng không quân Mỹ David Deptula ủng hộ chương trình này bởi lực lượng tấn công tầm xa của Không quân Mỹ cần có năng lực có thể tấn công bất cứ mục tiêu, địa điểm nào trong bất cứ thời gian nào trên phạm vi thế giới. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ.

Cũng trong ngày 3-11, Lầu Năm Góc tuyên bố đã ký với nhà thầu Lockheed Martin hợp đồng trị giá 5,37 tỉ USD cho 55 chiếc chiến đấu cơ F-35.

Theo đó, 41 chiếc F-35A hạ cánh kiểu thông thường đã được đặt hàng, 12 chiếc F-35B cất cánh ở đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng sẽ dành cho lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ và Anh, trong khi 2 tiêm kích F-35C hoạt động trên tàu sân bay sẽ chuyển cho hải quân Mỹ.

Nhưng ngày 5-11, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về chính sách quốc phòng, trong đó cắt giảm chi tiêu tới 5 tỉ USD và đây là một cản trở đối với kế hoạch hiện đại hóa vũ khí của quân đội Mỹ.

Giới truyền thông Phillipines cho rằng, Tòa án tối cao Phillipines có thể đưa ra phán quyết công nhận tính hợp pháp của Hiệp ước quân sự Mỹ – Phillipines được 2 bên ký hồi tháng 4-2014. Theo đó, Manila cho phép quân đội Mỹ tiếp cận trên diện rộng các căn cứ quân sự của Phillipines.

Và phán quyết này dự kiến được đưa ra trước thềm chuyến thăm Manila của Tổng thống Barack Obama. Theo tờ Manila Times, bản dự thảo của phán quyết dài 82 trang của Thẩm phán Maria Lourdes Sereno sẽ tuyên bố Hiệp ước quân sự Mỹ – Phillipines “nằm trong khuôn khổ Hiến pháp”.

Và nếu thành hiện thực, đây sẽ là bước tiến lớn đối với liên minh Mỹ – Phillipines. Ngày 10-11, tờ The Diplomat cũng có nhận định tương tự, đồng thời coi đây là việc củng cố liên minh Mỹ – Philippines, giảm bớt lo lắng của Washington về sự đảm bảo trước những thay đổi quyền lực ở Mỹ

RELATED ARTICLES

Tin mới