Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐiểm tinLẽ ra TQ đã 'thu hồi” hết các đảo ở Biển Đông?!

Lẽ ra TQ đã ‘thu hồi” hết các đảo ở Biển Đông?!

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho rằng, Trung Quốc đã chứng tỏ sự “kiềm chế tuyệt vời” khi không “thu hồi” các đảo đang bị các nước khác “chiếm đóng” ở Biển Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân

Phát biểu này được ông Lưu Chấn Dân đưa ra trong cuộc họp báo hôm nay (17/11) tại Bắc Kinh, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á – 2 sự kiện lớn của khu vực mà vấn đề Biển Đông cùng các hành vi của Trung Quốc dự kiến sẽ là một đề tài “nóng”.

Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên cả những vùng biển mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan tuyên bố chủ quyền.

Việc Trung Quốc chiếm đóng, đảo hóa phi pháp 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa và xây dựng trên một số đảo nhân tạo này 3 sân bay và các cơ sở hạ tầng khác đã được báo động trong khu vực và làm gia tăng mối lo ngại cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Washington đã cảnh báo về ý đồ mở rộng quân sự của Trung Quốc, hay nói cách khác là âm mưu của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa Biển Đông, để từng bước tiếp cận sâu, giành quyền khống chế vùng biển mang ý nghĩa chiến lược với cả khu vực và quốc tế này.

Ấy vậy mà, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân lại tự nhận rằng Bắc Kinh là “nạn nhân thực sự” khi mà nước này có “hàng tá” các hòn đảo và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa bị 3 trong số các bên tranh chấp “chiếm đóng bất hợp pháp”.

Theo Reuters, mặc dù ông Lưu không nêu tên quốc gia nào đã khiến Trung Quốc thành “nạn nhân”, nhưng tất cả các bên tranh chấp hiện nay ở Biển Đông, trừ Brunei, đều đang có công sự quân sự tại quần đảo Trường Sa.

“Chính phủ Trung Quốc có quyền và có khả năng thu hồi hết các đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông bị các nước láng giềng chiếm đóng bất hợp pháp. Nhưng chúng tôi đã không làm điều này. Chúng tôi đã duy trì sự kiềm chế rất lớn để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông ” – ông Lưu Chấn Dân “phân trần”.

Trước ông Lưu Chấn Dân, các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, từ Ngoại trưởng Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì, cho đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đã từng có những phát ngôn từ hùng hồn, cho đến rất thống thiết khi tự nhận “những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa”, rồi thì mặc dù “một số đảo nhỏ mà Trung Quốc có chủ quyền” đã bị các nước láng giềng “chiếm đóng”, nhưng Trung Quốc luôn luôn cam kết giải quyết các vấn đề bằng đàm phán hòa bình.

Đương nhiên, với những gì mà Trung Quốc thể hiện, từ việc trốn tránh ra tòa đối chất với Philippines trong vụ kiện “đường lưỡi bò” ở Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA); hay phản đối, né tránh quốc tế hóa vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực và quốc tế… dư luận quốc tế cũng đã quá hiểu về cái gọi là Trung Quốc nói khác với Trung Quốc làm và không lấy gì làm ngạc nhiên quá về sở trường “nói một đằng, làm một nẻo” của các lãnh đạo Bắc Kinh.

Chính vì vấn đề Biển Đông đã không còn là vấn đề của khu vực, chính vì những hành vi hung hăng, hiếu chiến của Bắc Kinh hòng củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông đang đe dọa đến sự tôn nghiêm của hệ thống luật pháp quốc tế, đe dọa đến an ninh, hòa bình của khu vực, cho nên câu chuyện Biển Đông mới là đề tài được nhắc đến thường xuyên tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, cho dù là bên lề, bất chấp sự cản trở của Bắc Kinh.

Đối với Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á diễn ra tại Kuala Lumpur vào cuối tuần này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cũng đã “rào trước” là Bắc Kinh không mong muốn Biển Đông là trọng tâm của hội nghị này, và rằng “trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á nên là phát triển”, rồi “thổi phồng vấn đề Biển Đông là không có lợi cho hợp tác”.

Ông Lưu cũng “phân trần” rằng, việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo (phi pháp) ở Trường Sa không phải là quân sự hóa. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng “trách” các nước khác đã quá chú ý vào độ dài đường băng Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo này, mà không “biết” rằng, mục đích xây dựng đảo nhân tạo, hay cơ sở hạ tầng trên đó là để phòng thủ, phục vụ cho các mục đích dân sự, bảo vệ môi trường.

Mặc dù không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ ngày 18-19/11 tại Manila, vấn đề Biển Đông dự kiến cũng sẽ được thảo luận bên lề. Trong khi đó, căng thẳng trên Biển Đông có khả năng thống trị chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Kuala Lumpur vào cuối tuần này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, người vừa đặt chân tới Manila vào hôm nay (17/11), sẽ tham dự cả hai sự kiện trên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, trong khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ đại diện cho Bắc Kinh tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

RELATED ARTICLES

Tin mới