Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang cân nhắc đề nghị cung cấp các tàu cỡ tuần duyên cỡ lớn để tuần tra ở Biển Đông của Philippines.
Thủ tướng Shinzo Abe (thứ 2 từ trái sang) và phu nhân (ngoài cùng bên trái) bắt cùng Tổng thống Aquino và em gái ông, bà Maria Elena Aquino-Cruz tại tiệc chiêu đãi nguyên thủ các nước tham dự Diễn đàn APEC do Philippines tổ chức tại Philippines. Ảnh AP.
Theo Reuters, yêu cầu này được Philippines đưa ra sau khi hai nước đạt được một thỏa thuận về cung cấp trang thiết bị và công nghệ quốc phòng.
Philippines là quốc gia Đông Nam Á có phản ứng mạnh mẽ nhất trước những tuyên bố và hành động phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, dù không phải là quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc tại đây, Nhật Bản lo ngại rằng tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc có thể cản trở việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy từ Nhật Bản ra thế giới và ngược lại, qua tuyến đường này.
Thỏa thuận này cũng đánh dấu lần đầu tiên Nhật Bản đồng ý cung cấp viện trợ quân sự cho một nước khác và là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính sách an ninh tích cực và chủ động hơn của Thủ tướng Shinzo Abe.
“Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã yêu cầu Nhật Bản cung cấp các tàu cỡ lớn cho lực lượng tuần duyên Philippines và Nhật Bản sẽ xem xét cụ thể yêu cầu này”, ông Abe tuyên bố.
Thủ tướng Abe nhấn mạnh, ông hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được với Philippines và Nhật Bản “sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Philippines để thực thi thỏa thuận vừa được ký và tăng cường hợp tác về quốc phòng trong tương lai”.
Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, Tokyo có thể sẽ cung cấp cho Manila 3 chiếc máy bay Beechcraft TC-90 King Air đã qua sử dụng để phục vụ mục đích tuần tra ở Biển Đông. Ngoài ra, Philippines cũng muốn Nhật Bản cung cấp các máy bay trinh sát săn ngầm P3-C Orion.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang đóng 10 tàu có chiều dài 40m/chiếc cho Philippines. Ngoài ra, Philipines cũng muốn có thêm các tàu tuần tra dài 100m.
Như vậy, thay vì thách thức trực tiếp Trung Quốc bằng việc gửi tàu chiến và máy bay quân sự bay tuần tra ở Biển Đông, Nhật Bản đang tìm cách hỗ trợ các đồng minh thông qua việc cải thiện năng lực quân sự của họ.
Nhật Bản đã bắt đầu thay đổi chính sách quốc phòng của mình từ năm nay nhằm cho phép binh sĩ quân đội nước này được tham gia chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ năm 1945. Động thái này của Nhật Bản được Mỹ hoan nghênh nhưng lại vấp phải lo ngại từ phía Trung Quốc.