Friday, December 27, 2024
Trang chủThâm cung bí sử“Tài, sắc, công phu: ma chướng trước mặt CEO Thiếu Lâm Tự”

“Tài, sắc, công phu: ma chướng trước mặt CEO Thiếu Lâm Tự”

“Dưới bậc thềm điện thờ ngôi chùa, các võ tăng Thiếu Lâm đứng trật tự luyện võ, hai bên bậc thềm là hai con sư tử đá ngồi sừng sững để trấn áp tà ma và mang lại may mắn, ba chữ to ‘Thiếu Lâm Tự’ ở cổng do đích thân Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh viết, bầu không khí trang nghiêm phủ khắp cảnh Phật để người người cảm nhận tâm hồn mình như được thanh cao hơn.”

Thế nhưng cùng với sự “quản lý” thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Thiếu Lâm Tự không còn là thánh địa trang nghiêm của nhà Phật như trước đây. Đằng sau cái công trình kiến trúc đầy uy nghi kia là tràn ngập sự đấu đá quyền lực, tranh giành vật dục.

1.“Tài, sắc, công phu: ma chướng trước mặt CEO Thiếu Lâm”

Đầu tháng Tám năm nay, một bài viết trên Weibo ký tên “Thích Chính Nghĩa” đã tố cáo phương trượng Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín đam mê hưởng lạc thanh sắc, tham ô hủ bại, thế là trò chơi kim tiền phía sau “cổng chùa đệ nhất thiên hạ” trong chớp mắt bị báo chí quốc tế chú ý. Thời báo New York Times đã có bài “Tài, sắc, công phu: ma chướng trước mặt CEO Thiếu Lâm” (tạm dịch), vạch ra thảm cảnh của ngôi chùa Thiếu Lâm đệ nhất thiên hạ.

Ngoài các cộng đồng mạng trong Trung Quốc Đại Lục, các báo lớn của nước ngoài đều có đưa tin về những vụ bê bối của phương trượng Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín. Chỉ cần tìm kiếm trên Google với từ khóa “CEO Shaolin” hoặc “Shi Yongxin” thì sẽ thấy rất nhiều bài viết về việc này.

Báo chí Trung Quốc cũng sôi nổi đăng lại, người ta bàn luận về việc Thiếu Lâm Tự có cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh của một doanh nghiệp, trong đó ông Thích Vĩnh Tín nắm 80% cổ phần, Thiếu Lâm Tự Tung Sơn Trung Quốc chỉ giữ 10%, công ty Thiếu Lâm tự quản lý 7 đơn vị sự nghiệp to lớn, vậy là Thiếu Lâm Tự đã trở thành tài sản tư nhân của ông “hòa thượng” Thích Vĩnh Tín. Mọi người không ai không hiếu kỳ, tại sao Thiếu Lâm Tự lại trở thành thế này? Kim tiền và quyền lực vốn là vật ngoài thân đối với người xuất gia, tại sao chùa Thiếu Lâm lại xen vào chuyện thế tục?

2. CEO Thiếu Lâm Thích Vĩnh Tín là ai?

“Hòa thượng” Thích Vĩnh Tín không chỉ là phương trượng của Thiếu Lâm Tự mà còn có chức tước trong bộ máy nhà nước, tham gia trong Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và hoạt động chính trị. Tư liệu công khai cho thấy, ông ta được giao làm Phó Hội trưởng Giáo hội Phật giáo Trung Quốc, Hội trưởng Hội Phật giáo tỉnh Hà Nam, từng là Đại biểu tại các kỳ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc các khóa 9, 10 và 11, Ủy viên Hội liên hiệp Thanh niên toàn Trung Quốc.

Theo giới thiệu của Wikipedia tiếng Trung: Thích Vĩnh Tín, tên tục Lưu Ưng Thành, người An Huy, sinh năm 1965, năm 1981 (17 tuổi) được ĐCSTQ phái đến làm việc tại Thiếu Lâm Tự, khi đó là thời điểm mà chùa chiền bị tàn phá, chỉ giữ lại hơn chục hòa thượng, quá nửa là người già, có 28 mẫu ruộng. Phương trượng khi đó là đại sư Hành Chính, Thích Vĩnh Tín ở không lâu thì ra khỏi nhà chùa. Năm 1984 lại được ĐCSTQ phái đến Thiếu Lâm Tự nhậm chức Ủy viên “Ủy ban quản lý dân chủ”. Năm 1987 thành lập Đội Võ thuật Thiếu Lâm Tự và được nhậm chức Đội trưởng. Tháng 8 cùng năm, trưởng lão Hành Chính viên tịch, ĐCSTQ bổ nhiệm Thích Vĩnh Tín giữ chức Chủ nhiệm Ban quản lý Thiếu Lâm Tự, chính thức chủ trì công việc của Thiếu Lâm Tự. Tháng 8/1999, Thích Vĩnh Tín trở thành Phương trượng trẻ nhất trong lịch sử Thiếu Lâm Tự (34 tuổi).

Như vậy ngay từ ban đầu Thích Vĩnh Tín đã là hòa thượng chính trị do ĐCSTQ đào tạo và đưa vào hệ thống nhà chùa. Vì thế ông ta luôn bám sát các hoạt động chính trị của ĐCSTQ. Kể từ năm 1990 đến nay, ông ta đã đi thăm hơn 60 quốc gia, lợi dụng thân phận là phương trượng Thiếu Lâm Tự để thay mặt ĐCSTQ làm công tác Mặt trận thống nhất.

ĐCSTQ không ngừng tuyên truyền vô thần luận, nhưng lại “biểu dương Phật giáo”, để rồi biến Thiếu Lâm Tự thành loại hình doanh nghiệp. Ông Đồng Lập Văn nói, ĐCSTQ quản lý toàn diện tôn giáo, việc xuất gia hoặc trở thành người có quyền trong giáo hội đều cần được Đảng phê chuẩn, “vì Trụ trì của Thiếu Lâm Tự cũng là một cán bộ của Đảng, có quan hệ thân thiết với giới chức cao cấp, việc thương nghiệp hóa Thiếu Lâm Tự là hiện tượng đặc biệt của sự phối kết hợp giữa chủ nghĩa tư bản và tôn giáo chỉ có ở Trung Quốc.”

Phó Giáo sư Đồng Lập Văn (Dong Liwen), Khoa An ninh Công cộng Đại học Cảnh sát Trung ương nhận định: “Sự kiện Thiếu Lâm Tự này là một mắt xích trong hệ thống hủ bại của cán bộ (ĐCSTQ), sự hủ bại này bị phanh phui ra là vì ông Thích Vĩnh Tín là bạn thân của ông Quách Bá Hùng, quan hệ riêng tư của họ mọi người đều biết”. Ông Quách Bá Hùng là Phó Chủ tịch Quân ủy ĐCSTQ khóa 17, cùng với ông Từ Tài Hậu đều là những thân tín của Giang Trạch Dân, cả 2 ông này đều bị “ngã ngựa” trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Năm 2004, ông Giang Trạch Dân bị ép trả lại quân quyền, nhưng thực tế ông ta vẫn tiếp tục nắm quân quyền thông qua trung gian là ông Từ Tài Hậu và ông Quách Bá Hùng.

“Sư” Thích Vĩnh Tín do cựu Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc là ông Triệu Phác Sơ đề bạt, bắt đầu Trụ trì Thiếu Lâm Tự từ năm 1997, năm 1999 lên làm phương trượng. Còn ông Triệu Phác Sơ có quan hệ mật thiết với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Ngày 30/1/1991 khi ông Giang làm Tổng Bí thư đã đặc biệt cho mời ông Triệu Phác Sơ đến làm khách ở Trung Nam Hải. Sau khi ông Triệu qua đời, ông Giang đã dẫn đầu một đoàn quan to đến dự tang lễ.

Ông Triệu Phác Sơ cũng đồng hành cùng ông Giang Trạch Dân trên mọi nẻo đường. Nhà bình luận chính sự Dương Ninh từng nhận định, ông Triệu là nhân vật được ông Giang rất xem trọng trong kế hoạch đàn áp Pháp Luân Công. Vào năm 1996 khi La Cán ra lệnh bôi nhọ Pháp Luân Công, Triệu Phác Sơ cũng lao vào “nhóm lửa quạt gió”, đồng thời còn mở hội nghị trong giới Phật giáo giúp ông Giang Trạch Dân tìm cơ sở đả kích Pháp Luân Công. Sau khi ông Giang phát động trấn áp, ông Triệu luôn đồng hành bên ông ta trong việc bôi nhọ vu khống Pháp Luân Công, hỗ trợ và tổ chức hoạt động phê bình lên án Pháp Luân Công trong giới Phật giáo.

Phương trượng Thích Vĩnh Tín cũng theo chỉ lệnh của ông Triệu Phác Sơ, mượn danh là người nghiên cứu văn hóa Thiếu Lâm Tự sâu rộng, thành lập Viện Thư họa Thiếu Lâm và Công ty Điện ảnh và Truyền hình Thiếu Lâm Tự. Sau khi ông Giang Trạch Dân phát động trấn áp Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, ông Thích Vĩnh Tín đã nhiều lần có những phát ngôn vu khống bôi nhọ Pháp Luân Công và lợi dụng Thiếu Lâm Tự để phối hợp với Cộng sản Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công.

3. Đảng có thể bảo vệ mãi cho ông Thích Vĩnh Tín không?

Nhiều năm qua ông Thích Vĩnh Tín bị phanh phui nhiều vụ bê bối về đời sống riêng tư, sản nghiệp, nhưng lần nào cũng an toàn vượt qua cửa ải, cuối cùng vẫn tiến vào thể chế chính trị thuận lợi. Điều này nhờ ông ta có quan hệ mật thiết với ông Triệu Phác Sơ, cựu Hội trưởng Giáo hội Phật giáo Trung Quốc, người tâm phúc của ông Giang Trạch Dân.

Vào ngày 6/7/2004, ông Giang dùng thân phận là Chủ tịch Quân ủy Trung ương thị sát Thiếu Lâm Tự và được ông Thích Vĩnh Tín cùng các tăng chúng quây quần đón tiếp, ông Giang cũng đã chụp tấm hình viết chữ lưu niệm tại trường võ thuật Thiếu Lâm Tự, hiện hình ảnh này vẫn còn trên trang mạng của nhà trường.

Rất nhiều bằng chứng chứng minh phía sau “con đường thăng tiến cửa Phật” của ông Thích Vĩnh Tín có sự nâng đỡ của tập đoàn Giang Trạch Dân.

Ông Thích Vĩnh Tín còn nghe lệnh của Ban Công tác Mặt trận thống nhất Trung ương Trung Quốc mạo danh “văn hóa truyền thống” để làm cái gọi là “xuất khẩu văn hóa”. Những năm gần đây lại dẫn đầu đoàn biểu diễn công phu Thiếu Lâm Tự nhiều lần quấy rối hoạt động biểu diễn “Thần Vận” trên thế giới.

Trong quá trình tập đoàn Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công, ông Thích Vĩnh Tín là tay sai dẫn đầu trong thế lực văn hóa tôn giáo.

Hiện nay tập đoàn Giang Trạch Dân nhiều người bị hạ trong chương trình đả hổ chống tham nhũng, ông Giang cũng bị kiện lên tòa án quốc tế, gần 200 ngàn người kiện Giang cho thấy ngày tàn của bang đàn áp Pháp Luân Công không còn xa. Liệu Đảng có thể bảo vệ ông Thích Vĩnh Tín được bao lâu nữa?

Có phân tích cho rằng, khi thế nước suy kiệt tất sinh yêu quái. Ngày nay, người Trung Quốc được xem toàn cảnh vở kịch ông Thích Vĩnh Tín theo gót ông Giang Trạch Dân làm hại Phật Pháp, bôi nhọ cửa Phật, đã bị báo ứng khi hàng loạt vụ bê bối bị phanh phui ra làm trò cười cho công chúng. Cây dù của Đảng cũng không thể che chắn nổi cho ông ta.Nhất là trong giai đoạn Trung Quốc đang tiến gần điểm nút với những thay đổi lớn!

4. Tôn giáo chân chính để bảo vệ đạo đức

Từ xưa đến nay, tôn giáo luôn là một bộ phận vô cùng quan trọng trong nền văn hóa Trung Hoa. Giáo sư Trương Cẩm Hoa nói: “Các nền văn minh lớn với văn hóa rực rỡ đều sùng bái thần linh, điều này đương nhiên liên quan chặt chẽ với tôn giáo tín ngưỡng, đây là thể hiện sự tôn trọng với sinh mệnh ở tầng cao nhất, là sự nối dài của cái thiện. Trung Quốc trước đây cũng như vậy, nhưng dưới sự thống trị trong bạo lực của ĐCSTQ, tôn giáo tín ngưỡng chỉ còn bộ mặt trá hình, đạo đức bị bẻ cong.”

Thiếu Lâm Tự vốn là nơi của nhà Phật, thế nhưng dưới sự cai trị của ĐCSTQ nó đã không còn linh hồn, biến thành nơi tranh đấu vật dục, là công cụ kiếm tiền của cán bộ, quan to, nhưng thực ra đây chỉ là một góc của núi băng chìm tôn giáo Trung Quốc. “Dưới hệ thống của ĐCSTQ, không một lĩnh vực nào được quyền tự chủ”, Giáo sư Trương Cẩm Hoa của Viện Nghiên cứu thông tin Đại học Quốc lập Đài Loan đã hình dung như thế, mọi tôn giáo ở Trung Quốc đều bị can nhiễu, thậm chí còn có vấn đề bị sửa đổi kinh văn, có vô số “hòa thượng chuyên nghiệp” hưởng lương nhà nước. “Chùa chiền không còn là trung tâm tín ngưỡng thuần túy mà đã biến thành đơn vị sinh lợi dưới sự thống trị của ĐCSTQ, vì thế dĩ nhiên không còn chuẩn mực giữ gìn đạo đức, tôn kính tín ngưỡng.”

Giáo sư Trương Cẩm Hoa phân tích, các quốc gia khác dùng quyền lực chính trị để đảm bảo cho nhân dân được quyền tự chủ chọn lựa, “ĐCSTQ lại sử dụng mọi thứ dựa trên tiền đề bảo vệ tính hợp pháp cho sự thống trị của Đảng, kế đó mới có thể làm những việc riêng tư khác.” Chính vì như thế, bàn tay đen của ĐCSTQ đã nhúng vào mọi tổ chức dân sự, bao gồm cả Cơ đốc giáo, Phật giáo, Phật giáo Tây Tạng, tín ngưỡng của người Duy Ngô Nhĩ, những người phụ trách tôn giáo cũng do Đảng bổ nhiệm là chuyện thường.

Ông Wu’erkaixi, một trong những thủ lĩnh của Phong trào Thiên An Môn năm 1989 cũng nói: “Hiếp pháp Trung Quốc cho phép nhân dân Trung Quốc có quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, nhưng đối với ĐCSTQ, tôn giáo là một đoàn thể tín ngưỡng có tổ chức, vì thế là mối đe dọa chính trị với họ, cho nên dù ngoài mặt nói được tự do tín ngưỡng nhưng thực tế lại dùng thủ đoạn nô dịch để khống chế tôn giáo.”

“Mất đi Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, xã hội Trung Quốc rơi vào kiếp nạn lớn!” Giáo sư Trương Cẩm Hoa nhận định, “một tín ngưỡng thuần khiết để mọi người qua đó tuân thủ quy phạm đạo đức, để nội tâm giữ được sự mạnh mẽ,” ĐCSTQ lại bẻ cong tín ngưỡng, phá hủy nội hàm của Thiện hành, Thiện tín, Thiện niệm, khiến xã hội Trung Quốc chỉ còn biết đến đấu đá quyền lực, nhân dân chỉ còn biết hướng về đồng tiền, nhân tâm trở thành lạnh nhạt, việc theo đuổi quyền lực và danh lợi trở thành xu thế thịnh hành chủ yếu của xã hội Trung Quốc hiện nay.

Ông Wu’erkaixi nhận định: “Vì Cộng sản Trung Quốc là tà ác, họ lo ngại tôn giáo làm con người hướng về sức mạnh chân chính, vì thế họ bức hại tôn giáo, làm hủy hoại đạo đức xã hội.” Trung Quốc phải đảm bảo môi trường tự do cho nhân dân và phải cải cách, chỉ có như thế mới hy vọng khôi phục lại ý nghĩa vốn có của đạo đức và văn hóa Trung Hoa.

RELATED ARTICLES

Tin mới