Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngHọc giả TQ bị phản bác vì luận điệu Biển Đông

Học giả TQ bị phản bác vì luận điệu Biển Đông

Chuyên gia đến từ Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh không theo đuổi chủ nghĩa bá quyền và đang rất kiềm chế không dùng vũ lực nhưng quan điểm này bị các chuyên gia quốc tế phản bác.

Tại phiên thảo luận hội thảo quốc tế về biển Đông ngày 23/11, Giáo sư – Tiến sĩ Thẩm Đinh Lập, Phó giám đốc, Viện Nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc cho rằng nước này đang rất kiềm chế, cố gắng không dùng vũ lực vì muốn sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp.

“Trung Quốc bắt đầu xây dựng tiền đồn muộn hơn một số bên tranh chấp, nhưng tốc độ có nhanh hơn. Nếu nói Trung Quốc sai và yêu cầu chúng tôi dừng lại thì các bên liên quan khác cũng phải chấm dứt”, ông Lập nói. Vị này cũng cho rằng Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp bằng cách đối thoại với từng bên một, phải “song phương để thấu hiểu nhau” trước, sau đó nếu có cùng cách nhìn nhận vấn đề thì mới đa phương.

Dẫn lại lời phát biểu của ông Đặng Tiểu Bình trước Liên hợp quốc năm 1974 “Trung Quốc hứa không theo đuổi bá quyền”, ông Lập cho rằng nước ông đã và sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền.

“Tôi thấy chiến lược hải quân của Mỹ có mục đích bá quyền trên biển rồi cả trên không, nhưng Trung Quốc sẽ không như vậy. Hiện chúng tôi không bá quyền, nếu tương lai có như vậy, mọi người hãy đoàn kết chống lại Trung Quốc”, ông Lập nói và cho rằng các bên hãy cùng tôn trọng cam kết không quân sự hoá. Tuy nhiên, mỗi bên đều có những nhu cầu nhất định về mặt quốc phòng để đem lại hòa bình, vì vậy các quốc gia cần đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.

Bài phát biểu của học giả Trung Quốc không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia quốc tế. Giáo sư Liselotte Odgaard, Học viện Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch, cho rằng Trung Quốc có hành động răn đe trong chiến lược chính sách đối ngoại nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển. 

“Qua việc mở rộng đội tàu chấp pháp, tăng cường năng lực hải quân và không quân, Bắc Kinh ám chỉ rằng họ sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần. Sự mập mờ về pháp lý cho thấy mục tiêu của Bắc Kinh hướng tới là hợp pháp hóa các yêu sách bằng cách diễn giải khác”, bà Liselotte Odgaard nói.

Một học giả khác cũng đề nghị ông Lập đưa ra bằng chứng pháp lý cho đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố. Tuy nhiên, ông Lập không trả lời thẳng vào các vấn đề. “Cái gì cũng phải có đi có lại hai bên, việc mình không muốn thì đừng làm đối với người khác. Chúng ta phải nhân nhượng lẫn nhau nhưng phải là song phương, các nước đều có những hành động đơn phương”, ông Lập nói.

Trước đó, trong phần phát biểu của mình, Giáo sư Brahma Chellaney thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách New Delhi, Ấn Độ nhận định rằng không nơi nào đối mặt với nhiều thách thức như Biển Đông. Dù vùng biển tương đối nông nhưng có tầm quan trọng chiến lược với khối lượng hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ USD qua đây hàng năm.

“Các cường quốc trong và ngoài khu vực đang cạnh tranh quyền tiếp cận, kiểm soát, tầm ảnh hưởng và lợi thế. Do vậy, một cuộc chơi lớn đang diễn ra trên Biển Đông. Các yêu sách chủ quyền, sự cạnh tranh nguồn tài nguyên, nỗ lực tăng cường hải quân cùng chủ nghĩa dân tộc nổi lên ở một số nước đang đe dọa tự do hàng hải, khiến khu vực này có nguy cơ xảy ra xung đột”, ông Brahma Chellaney nói.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Nam Dương – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện ngoại giao Việt Nam – cho rằng tranh chấp Biển Đông không ngừng leo thang trong những năm gần đây trong khi DOC/COC tiến bộ khá chậm chạp. Thậm chí, trong tương lai nếu các bên có hoàn tất được COC thì chưa chắc bộ quy tắc có thể giúp đạt được mục tiêu và đảm bảo an ninh biển khu vực. “Ngoài DOC/COC, các bên liên quan cũng cần kết hợp các quá trình khác để đảm bảo tính khả thi và sự hiệu quả”, ông Dương nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới