Báo chí Trung Quốc và nước ngoài thời gian qua cho rằng những ứng xử thô bạo và ý đồ chiếm toàn bộ Biển Đông đã làm các nước láng giềng xa lánh Bắc Kinh.
Ảnh: AP
Những tuyên bố “nghe lọt tai”
Trung Quốc đã tiến hành điều chỉnh lại chính sách ngoại giao láng giềng với kỳ vọng xoay chuyển tình hình. Nhưng diễn biến thực tế thì sao?
Tháng 10/2013, trong chuyến thăm các nước ASEAN, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra ý tưởng thành lập Ngân hàng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) để trợ giúp các nước, nhất là khu vực Đông Nam Á.
Tiếp đó, Bắc Kinh đưa ra những chương trình như xây dựng Khối cộng đồng ASEAN (RCEP), Khu vực mậu dịch tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và Con đường tơ lụa trên biển, Hợp tác kinh tế vòng cung toàn Vịnh Bắc Bộ (báo Thông tin tài chính ngày 25/5/2014).
Ngày 21/5/2014, phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh Những biện pháp hợp tác và xây dựng lòng tin (CICA) ở Thượng Hải, ông Tập đưa ra khái niệm “An ninh Châu Á mới” gồm các nội dung: Cộng đồng, tổng hợp, hợp tác, bền vững.
Phương châm ông nêu ra là “đối thoại, tin cậy, hợp tác” theo tinh thần 4 chữ “Thân, Thành, Huệ, Dung”, tức thân thiện, chân thành, có lợi, bao dung.
Báo cáo về công tác đối ngoại năm 2015 trước Quốc hội Trung Quốc ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh: “Ngoại giao nước lớn là then chốt, Ngoại giao láng giềng là hàng đầu, Ngoại giao với các nước đang phát triển là cơ sở, Ngoại giao đa phương là vũ đài quan trọng”.
Ông Lý đồng thời khẳng định trách nhiệm nước lớn của Trung Quốc và Ngoại giao “Một vành đai, một con đường”, nhất là “Con đường tơ lụa trên biển” (Trung Quốc cam kết chi 40 tỉ USD), là một chiến lược lâu dài trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.
Thủ tướng Trung Quốc khi thăm các nước ASEAN tháng 10/2013 cũng cam kết: “Mâu thuẫn tranh chấp nổi lên ở Biển Đông không có lợi cho bất kỳ ai. Chúng ta hãy cùng nhau phấn đấu để Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác”.
Ông Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Những biện pháp hợp tác và xây dựng lòng tin (CICA) ngày 21/5/2014. Ảnh: Xinhua
Nói không đi đôi với làm
Với chính sách ngoại giao này, dư luận các nước trong khu vực kể cả ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế đều tỏ ra hy vọng về sự thay đổi của Bắc Kinh đối với láng giềng. Hòa bình, ổn định ở Biển Đông sẽ được duy trì, đẩy lùi được những nguy cơ xảy ra xung đột và mâu thuẫn.
Nhưng thực tế diễn ra không phải như vậy mà Trung Quốc vẫn duy trì chính sách đe dọa, dùng sức mạnh lấn át các nước.
Bài “Ngoại giao láng giềng của Trung Quốc” đăng trên mạng tin Đa Chiều hôm 15/11 viết: “Kể từ ngày Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc tỏ ra rất coi trọng địa vị của các nước láng giềng, nhất là ASEAN.
Nhưng hơn 30 tháng cầm quyền tới nay, ông cùng lãnh đạo Trung Quốc đi thăm tới hàng chục nước trên thế giới, trong khi thăm các nước láng giềng rất thưa thớt, nhất là đối với ASEAN.
Hơn nữa những chuyến thăm này phần lớn chỉ là ‘nhân tiện’ khi tới đó tham dự các hội nghị quốc tế”.
Dư luận báo chí nước ngoài bình luận, một trong những nguyên nhân quan trọng mà lãnh đạo Trung Quốc ít tới thăm các nước ASEAN là khi tới đây những tiếng nói lên án những hành vi thô bạo của Bắc Kinh ở Biển Đông dấy lên làm lãnh đạo nước này khó chịu.
Những diễn đàn quốc tế của ASEAN cũng là nơi để các nước Đông Nam Á và đại biểu các nước trên thế giới tới dự bày tỏ bất bình đối với Trung Quốc.
Đối thoại an ninh Shangri-la ở Singapore là một ví dụ sống động. Hai năm qua, diễn đàn này trở thành bản “đại hợp xướng” lên án hành vi thô bạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước khi tới dự Hội nghị thượng đỉnh không chính thức APEC lần thứ 23 ở Philippines hôm 18-19/11 vừa qua, ông Tập đã tỏ ra lo ngại những tiếng nói lên án Trung Quốc lại đồng loạt dấy lên, nhất là quan hệ Trung Quốc-Philippines những năm gần đây trở nên căng thẳng.
Bởi vậy, Trung Quốc cử Ngoại trưởng Vương Nghị đi dọn đường trước. Trong chuyến thăm Philippines hai ngày 10/11-11/11, Ngoại trưởng Vương Nghị nói: “Quan hệ Trung Quốc-Philippines hiện nay thực sự gặp nhiều khó khăn.”
Ông Vương bày tỏ quan ngại và yêu cầu nước chủ nhà “vấn đề Biển Đông không nên thành một trong những nghị trình chính thức của Hội nghị APEC”, đồng thời đe dọa nếu không đạt được thỏa thuận trên thì “việc tham dự APEC của Chủ tịch Tập Cận Bình thực sự tồn tại những yếu tố không xác định”.
Trong cuộc họp báo ngày 10/11 tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông nói Tập Cận Bình “chỉ thuần túy tới Philippines tham dự APEC chứ không thăm Philippines.”
Ông Tập đã phải nhờ đến chuyến công du Philippines “chớp nhoáng” của Ngoại trưởng Vương Nghị để tránh vấn đề biển Đông tại APEC. Ảnh: Reuters
Trung Quốc tự làm xấu quan hệ với láng giềng
Quan hệ Trung Quốc-Philippines những năm gần đây trở nên căng thẳng khi Bắc Kinh bị Manila phản ứng gay gắt vì hành vi xâm chiếm, xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.
Hải quân Trung Quốc cũng bị tố là không ngừng ngăn chặn, tấn công các tàu thuyền của ngư dân Philippines đang tác nghiệp bình thường trong vùng biển của mình, ra sức ngăn chặn và tấn công các tàu hậu cần của Hải quân Philippines.
Hôm 4/2, tàu chiến Trung Quốc đã ngăn chặn 3 tàu cá Philippines, trong đó đâm hỏng một chiếc gần bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham). Sự kiện này làm cho dân chúng Philippines phẫn nộ.
Thậm chí, trong chuyến thăm Nhật Bản 4 ngày từ 2/6/2015, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã lên án những hành động và ứng xử của Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông “giống như phát xít Đức từng làm trong Thế chiến II”.
Trở lại Hội nghị APEC mới đây, mặc dù phía Philippines từ Tổng thống tới Ngoại trưởng và Chủ tịch Ủy ban tổ chức APEC đều cam kết không nêu vấn đề Biển Đông trong nghị trình chính thức, đồng thời bày tỏ hoan nghênh và đón tiếp trọng thị đối với ông Tập, nhưng các nước khác và dân chúng Philippines vẫn dấy lên tiếng nói chỉ trích Trung Quốc.
Tờ “Thương báo” của Philippines ngày 12/11 dẫn phát biểu của Người phát ngôn Bộ ngoại giao nước này Charles Jose nói nhân dịp APEC, Philippines sẽ công bố về những trình tự kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.
Trước dư luận và những tiếng nói lên án những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông tại APEC-23, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngày 17/11 lên tiếng hăm dọa:
“Chính phủ Trung Quốc có quyền và khả năng giành lại những quần đảo, rạn san hô bị các nước ASEAN chiếm đóng (?). Nhưng chúng tôi không làm như vậy. Đây là sự kiềm chế cực lớn để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Ngay sau Philippines, Bộ trưởng an ninh Indonesia Luhut Panjaitan ngày 11/11 cũng tuyên bố sẽ kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế vì đã đưa một phần lãnh thổ thuộc quần đảo Natuna của nước này vào bản đồ Trung Quốc.
Theo ông Luhut, nói cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc nêu ra chẳng những trực tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của Indonesia mà cũng ảnh hưởng tới lợi ích của các nước Malaysia, Brunei, Việt Nam, Philippines và đe dọa hòa bình, an ninh khu vực.
Một tàu tiếp tế của Philippines thoát khỏi sự bao vây và truy đuổi của 2 tàu hải cảnh Trung Quốc ngày 29/3/2014. Ảnh: Reuters
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” và có nhiều điểm tương đồng, nhưng phía Trung Quốc vẫn thường xuyên phá các cam kết mà lãnh đạo cấp cao đã đạt được.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng, ngày 15/10/2011, hai bên đã ra Tuyên bố chung, thỏa thuận 6 điểm về Biển Đông và 9 biện pháp đẩy mạnh quan hệ Việt-Trung.
Tuy nhiên, tới tháng 6/2012, Trung Quốc đã bất chấp thỏa thuận trên, tiến hành thăm dò dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam.
Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền thì tình trạng này vẫn tái diễn.
Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2013 của ông Lý Khắc Cường, hai bên đã thỏa thuận 3 biện pháp tăng cường hợp tác trên biển, nhưng chưa được bao lâu tới đầu tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương 981 và đông đảo tàu chiến tác nghiệp trái phép ngay trong thềm lục địa của Việt Nam.
Gần đây nhất, sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam hai ngày 5-6/11 của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đạt được nhiều thỏa thuận.
Chiều 6/11 tới Singapore, thì ngày 7/11 ông Tập đã lớn tiếng tuyên bố một cách vô căn cứ rằng: “Toàn bộ khu vực Biển Đông từ trước tới nay là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc”.
Phát biểu này của ông làm dư luận các nước ngạc nhiên và phản cảm vì nó mâu thuẫn với những phát biểu ở Việt Nam.
Trong khi đó liên tiếp trong các ngày từ 14/11-16/11 mới đây, các tàu cá của Việt Nam đã bị hàng trăm tàu cá Trung Quốc vô cớ tấn công, đâm hỏng và phá hỏng hơn 40 tấm lưới của ngư dân đang tác nghiệp ngay trong vùng biển của Việt Nam.
Ông Lý Khắc Cường phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 hôm 21/11 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AP
Truyền thông Trung Quốc lên tiếng
Những hành vi ứng xử trên của Trung Quốc khiến các nước ASEAN lo ngại, cảnh giác và bất bình. Thậm chí, chính truyền thông Trung Quốc cũng tỏ ra lo ngại.
Trong bài “Chúng ta ngôn hành bất nhất, làm các nước ASEAN cảnh giác” đăng trên tờ Văn Trích của Trung Quốc ngày 6/6/2014, tác giả Hàn Lỗi viết: “Hậu quả của ngôn hành bất nhất sẽ không thể lường hết được, các nước ASEAN không tin và nêu cao cảnh giác đối với Trung Quốc, liệu các mặt hợp tác khác còn thuận lợi hay không?
Môi trường an ninh còn đảm bảo hay không khi một nước đều bị các nước láng giềng hoài nghi và cảnh giác, thậm chí tẩy chay.
Dư luận thế giới dù rất ngưỡng mộ những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong 30 năm qua, nhưng giờ đây sự ngưỡng mộ này bị mất đi thay vào đó là sự hoài nghi và cảnh giác.
Liệu vai trò nước lớn và hình tượng quốc tế của Trung Quốc trên trường quốc tế còn giữ được không?
Trung Quốc phải dùng bao nhiêu thời gian mới lấy lại được uy tín của mình? Rõ ràng việc ngôn hành bất nhất đã phải trả giá đắt.”
Trang web “China on-line” của Trung Quốc đầu tháng 1/2013 cũng viết: “Nhìn lại quan hệ đối ngoại những năm qua cho thấy rất nhiều nước đều lạnh nhạt và xa lánh Trung Quốc.
Châu Á là láng giềng của Trung Quốc, nhưng có mấy nước gắn bó với Trung Quốc, trái lại càng xa lánh, ngay Triều Tiên là nước anh em chung một chiến hào nay cũng đồng sàng dị mộng.
Myanmar từng gắn bó khăng khít, vừa qua đã dấy lên làn sóng chống Trung Quốc và dùng vũ lực xua đuổi người Hoa…
Chúng ta vẫn tuyên truyền Trung Quốc có bạn bè khắp năm châu, nhưng giờ đây nhìn lại có mấy nước là bạn bè?”
Trong bài “Nước cờ chiến lược Trung-Mỹ”, đăng trên tờ Văn Trích ngày 17/6/2014, tác giả Ngưu Bạch Vũ cũng cho rằng Trung Quốc vẫn chưa tự hoàn thiện mình về cả ba mặt, trong đó có hai chiến lược quan trọng nhất về đối ngoại hiện nay là Ngoại giao nước lớn và Ngoại giao láng giềng đều bộc lộ yếu kém.
Trang Đa Chiều hôm 28/10 viết: “Thời gian qua, phái quân sự cứng rắn ở Trung Quốc muốn sử dụng vũ lực, nhưng hậu quả đã đi ngược lại mong muốn của Trung Quốc.
Một số nhân vật cấp tiến khác ở Trung Quốc hiện đang kêu gọi lãnh đạo cần chuyển từ giấu mình chờ thời sang cái gọi là ‘can dự tích cực trong khu vực’.”
Đa Chiều cho rằng mọi hành động gọi là “can dự tích cực” kể cả quân sự ở Biển Đông đều bất lợi đối với Trung Quốc và càng làm cho các nước Đông Nam Á phản cảm hơn. Hành động này lợi bất cập hại.
Trong khi đó, tờ Washington Post (Mỹ) ngày 18/11 đưa tin, ông Tập Cận Bình “bị cô lập và khó chịu khi tham dự APEC ở Philippines”.
Ông Lý Khắc Cường có lẽ cũng sẽ có cảm giác như trên khi tham dự Hội nghị ASEAN +1 (ASEAN-Trung Quốc), ASEAN+3 (ASEAN-Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 18 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 10 tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia từ 20-23/11/2015.
Dư luận các nước cho rằng “An ninh Châu Á mới” do ông Tập Cận Bình đưa ra theo tinh thần 4 chữ “Thân, Thành, Huệ, Dung” cũng như “Ngoại giao láng giềng là hàng đầu” chỉ là bề ngoài, còn đe dọa, lấn ất.
Thậm chí, dùng vũ lực và tiếp tục xây dựng trái phép đảo nhân tạo để từng bước thực hiện ý đồ chiếm toàn bộ mà Trung Quốc gọi là “đường 9 đoạn” mới là nội dung thực chất của Ngoại giao láng giềng Trung Quốc đối với Khu vực Đông Nam Á./.