9g sáng 26-11, UBND tỉnh An Giang tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí về việc rút quyết định xử phạt 3 cán bộ chê chủ tịch tỉnh trên facebook.
Cuộc họp báo do ông Hồ Việt Hiệp – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang chủ trì. Có khoảng 20 phóng viên các báo đài tham dự buổi họp báo này.
Trước sự quan tâm của dư luận về việc cơ quan có thẩm quyền ở An Giang ra quyết xử phạt 3 cán bộ chê chủ tịch tỉnh trên facebook, sau đó tỉnh phải chỉ đạo rút lại quyết định này, chiều 24-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã họp khẩn để đưa ra kết luận cuối cùng nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc.
Sau khi phân tích, đánh giá toàn bộ lại quy trình xử lý, nhận thấy có những sai sót, sai luật, sai trình tự thủ tục nên tỉnh ủy đã thống nhất đề xuất phải thu hồi ngay các quyết định xử phạt, kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền, thay vào đó chỉ phê bình, nhắc nhở, giao UBND tỉnh tổ chức họp báo công khai cung cấp thông tin cho báo chí trong ngày 26-11.
Ngày 16-6, cô Lê Thị Thùy Trang, giáo viên Trường THPT Long Xuyên, An Giang tải bài viết Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch UBND tỉnh An Giang lên Facebook cá nhân rồi bình luận “Hồi nào vậy tèn. Mà vậy đi cho đẹp lòng dân”.
Câu này thu hút 8 comment, trong đó có một câu “Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang” xuất phát từ Facebook cá nhân của chị Phan Thị Kim Nga (phó văn phòng Sở Công thương), do chồng chị là anh Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Điện lực An Giang) đưa lên.
Sau khi công an tỉnh báo cáo với Tỉnh ủy An Giang thì Đảng ủy Khối dân chính Đảng tiến hành kiểm tra rồi ra văn bản chỉ đạo các đơn vị chủ quản kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật và xử phạt ba người này.
Từ đó ban giám hiệu Trường THPT Long Xuyên kỷ luật khiển trách cô Trang, Sở Công thương kỷ luật cảnh cáo về Đảng và chính quyền đối với chị Nga, anh Phúc bị phê bình trong toàn đơn vị.
Sở Thông tin truyền thông tỉnh xử phạt cô Trang, anh Phúc mỗi người 5 triệu đồng.
Mở đầu cuộc họp, bản thông cáo báo chí về vụ việc đã được đại diện UBND tỉnh gửi đến cho các phóng viên. Ông Võ Nguyên Nam – chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang cũng thông tin tóm tắt về vụ việc xử phạt và lý do rút lại quyết định xử phạt 3 cán bộ trên.
Theo ông Nam, UBND tỉnh phải họp báo là để thông tin chính thức về việc xử lý sai phạm đối với việc lợi dụng mạng xã hội bình luận quan điểm cá nhân mà trong những ngày qua báo chí, dư luận, đặc biệt là cộng đồng mạng có nhiều thông tin trái chiều.
Điều này gây áp lực lớn đối với không chỉ cá nhân chủ tịch UBND tỉnh An Giang, những người liên quan và gia đình họ mà còn ảnh hưởng chung đến sự điều hành, lãnh đạo chung cũng như uy tín của tỉnh.
Theo ông Nam, ngày 20-3-2015 Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai gắn với thanh tra trách nhiệm của chủ tịch UBND tỉnh An Giang về thực hiện pháp luật về khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng (giai đoạn 2001-2010).
Qua công tác nắm tình hình để bảo vệ đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X ngày 16-6-2015, Công an tỉnh phát hiện trên facebook của bà Lê Thị Thùy Trang (tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Long Xuyên) kèm theo bình luận: “Hồi nào vậy tèn! Mà vậy đi cho đẹp lòng dân”
Bài viết đã được 48 lượt like, 8 bình luận có nội dung bày tỏ thái độ hoài nghi, nói xấu, châm biếm chủ tịch UBND tỉnh. Trong đó có bình luận “Ông chủ tịch này là kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các đời chủ tịch An Giang”.
“Vương Bình Thạnh đây sao? Nào giờ mới biết mặt. Ông vua thành bịnh”.
“Hứa rồi không thấy thực hành thực hiện. Hứa sẽ dời nhà máy xi măng An Giang trên truyền hình dân có thấy gì gục git. Bụi vào nhà dân”.
Sau đó bà Phan Thị Kim Nga, phó chánh VP Sở Công thương bình luận “Ông chủ tịch này là kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”.
Những lời lẽ trên là vu khống, ảnh hưởng uy tín chủ tịch UBND tỉnh, vi phạm nghị định 72/2013 của Chính phủ về quản lý, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, là “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.
Hành vi này được quy định tại nghị định 159/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Qua vụ việc này, UBND tỉnh An Giang thấy trách nhiệm của mình trong việc ra quyết định xử phạt bị coi là vội vàng? Nếu quyết định này là vi hiến, thì lãnh đạo tỉnh có đưa ra lời xin lỗi người bị xử phạt hay không? Qua vụ việc này, bài học rút ra theo lãnh đạo là gì?
Phóng viên của VietNamnet: Vừa qua thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông có trả lời nhiều cơ quan vào cuộc xử lý việc này là tùy tiện, lạm quyền, An Giang cần rút kinh nghiệm. Vậy lãnh đạo tỉnh nghĩ gì về nhận định trên của Bộ?
Đại diện của VietNamnet cũng đặt tiếp: Vì sao lại thu hồi các quyết định? Lãnh đạo tỉnh nghĩ sao khi dư luận cho rằng nhận xét của cô giáo là nhận xét cảm tính, chưa cần thiết phải có sự can thiệp của pháp luật?
Đại diện báo Pháp luật TP.HCM đưa câu hỏi: Theo thông tin mà UBND tỉnh cung cấp cho báo chí có ba lý do rút lại quyết định xử phạt hành chính đối với 3 cán bộ, trong đó có nêu quy trình xử lý, nội dung xử phạt của cơ quan chức năng chưa đảm bảo theo quy định pháp luật.
Vậy cụ thể chưa đảm bảo là như thế nào? Mức độ xúc phạm ông chủ tịch tỉnh thế nào, đủ căn cứ xử lý hành chính hay chưa? Sở Thông tin và truyền thông tỉnh có chứng minh được ảnh hưởng tới uy tín, gây ra tác hại thế nào cho bị hại hay chưa?
Có lỗi, nhưng chưa có vi phạm?
Ông Nguyễn Hạnh – Phó ban nội chính tỉnh ủy An Giang trả lời:
Lý do thu hồi các quyết định xử phạt trên là do cơ quan chức năng xem xét lại một cách toàn diện vụ việc. Khi thẩm tra hồ sơ vụ việc thấy có mấy vấn đề. Trước hết, hồ sơ được lập chưa đảm bảo đầy đủ quy trình pháp luật, có sai sót.
Về cô giáo Trang, qua trao đổi lại với Sở Thông tin và truyền thông thì thấy cô Trang không có vi phạm nhưng mà có lỗi. Lỗi đó ở điều 26 của nghị định 72 về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng mạng xã hội. Nhưng lỗi này đã dẫn đến vi phạm nghiêm trọng hay chưa? Là chưa. Nhưng cái này cũng là lời cảnh tỉnh tới người sử dụng facebook.
Vấn đề thứ hai là của cô Nga, vợ ông Phúc. Lỗi của cô Nga là để cho chồng sử dụng mạng facebook để bình luận. Trong khi pháp luật quy định người sử dụng mạng phải thực hiện bảo mật, bảo vệ. Nhưng lỗi này chưa tới mức phải xử lý hành chính, nên không có lý do để xử phạt. Do đó, tỉnh chỉ đạo hủy bỏ các quyết định xử phạt trên.
Theo ông Hạnh, đối với trường hợp ông Phúc thì tương đối rõ. “Theo tôi được biết trong quyết định hủy bỏ của Sở Thông tin và truyền thông có rõ hành vi của ông Phúc có dấu hiệu vi phạm, lưu ý ở đây là dấu hiệu thôi, nhưng trong trường hợp đó không cần thiết phải xử phạt hành chính”, ông Hạnh nói.
Ông Hồ Việt Hiệp – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng giải đáp các thắc mắc của báo chí.
Theo ông Hiệp, các cán bộ có lỗi, tuy nhiên, lỗi này chưa đến mức phải xử phạt hành chính cũng như kỷ luật. Nội dung các bình luận thấy có dấu hiệu vi phạm nhưng còn trong giới hạn.
Theo ông Hiệp, vì quy định của pháp luật hiện không nói rõ thế nào là xúc phạm người khác cho nên trong trường hợp các cán bộ bình luận về chủ tịch tỉnh như trên, nếu gọi là xúc phạm cũng được mà người khác lại cho rằng đó chỉ là lời bình xét lãnh đạo cũng được.
Vì vậy theo ông Hiệp: “Cái gì không rõ thì tốt nhất là không xử lý”.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc cơ quan chức năng có xin lỗi những cán bộ bị xử phạt đó hay không? Ông Hiệp đáp: “Theo cá nhân tôi, không xin lỗi đối với ba cá nhân này”.
Vì qua phân tích, nhận định là họ có lỗi, có dấu hiệu vi phạm nhưng xét chưa đến mức xử phạt hành chính cũng như kỷ luật nên không cần xử lý.
Ông Hiệp cũng chia sẻ thêm trước câu hỏi của báo chí: “Bài học rút ra trong vụ này là gì?”. Theo ông Hiệp, đây là vấn đề không lớn, rất nhỏ. Trong bối cảnh hiện nay quản lý về mặt pháp luật của mình với mạng xã hội chưa tốt, việc vi phạm ngày càng tăng.
Thứ hai là sự việc diễn ra trong thời điểm Đại hội đảng các cấp, nhiều người lợi dụng có ý đồ cá nhân rất lớn. Ủy ban cũng đã rút kinh nghiệm trong thường trực, ban đầu tưởng chuyện này bình thường, nhưng sau đó diễn biến phức tạp. Đáng lẽ tỉnh phải xử lý nhanh hơn, thì dư luận sẽ ổn.
Theo ông Hiệp, vụ việc này từ đầu đến cuối chủ tịch tỉnh không có chỉ đạo gì.
Sao chủ tịch tỉnh không dự họp báo?
Về lý do thu hồi quyết định xử phạt 3 cán bộ chê chủ tịch tỉnh trên faceboook, phó chủ tịch UBND tỉnh An Gianh Hồ Việt Hiệp nói thêm: Việc thu hồi quyết định xử phạt đã được phân tích rất kỹ, không phải do sức ép dư luận, báo chí mà phải thu hồi.
Thứ nhất là do tỉnh đã nghiên cứu lại kỹ lưỡng từng hồ sơ một thì thấy không đúng quy trình xử phạt. Thứ hai là những bình luận đó có bị xem là xúc phạm hay không xúc phạm người khác vẫn còn tranh luận, chưa rõ nên khi chưa rõ thì không xử phạt, không kỷ luật, chỉ phê bình kiểm điểm.
Theo ông Hiệp, ba cán bộ trong vụ này khi được yêu cầu giải trình cũng đã thành khẩn nhận khuyết điểm.
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Vì sao ông chủ tịch tỉnh không đến dự họp báo? Phó chủ tịch Hồ Việt Hiệp đáp: “Tôi nghĩ đồng chí chủ tịch không tham dự thì không có vấn đề gì”
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Đáng lẽ ra trong trường hợp này, Sở Thông tin và truyền thông phải xác định hành vi của ba người này thế nào để xen xét xử lý. Đằng này thì Đảng ủy khối Dân chính đảng xác định hành vi vi phạm rồi chỉ đạo Sở Thông tin và truyền thông xử lý. Đây là quy trình ngược?
Ông Nguyễn Hạnh – phó ban Nội chính trả lời: “Tôi nhất trí với phóng viên báo Tuổi Trẻ đặt vấn đề về quy tình ngược. Nhưng cũng do sự nôn nóng thôi”.
Còn vấn đề khắc phục hậu quả của việc rút quyết định xử phạt này, ông Hạnh nói: “Theo tôi thì Sở Thông tin và truyền thông mời hai nhân vật đến khắc phục. Quyết định mình sai thì công bố công khai, xin lỗi”.
“Có người hỏi tôi sao không thu hồi quyết định xử phạt mà hủy bỏ? Văn bản đó có sai về hình thức, nội dung, nên không thu hồi mà phải hủy bỏ, chấm dứt mọi hành vi mà nhà nước đặt lên công dân, hủy bỏ để giải quyết một cách triệt để”, ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, trong công bố quyết định hủy bỏ hôm qua thì đoàn thành tra có xin lỗi cô Trang. Đoàn thanh tra cũng thay mặt cơ quan liên quan có xin lỗi cô Trang vì sự việc không đáng có này.
Tuy nhiên, còn anh Phúc thừa nhận hành vi và thấy có lỗi, nên có trao đổi để anh Phúc rút kinh nghiệm thôi.
“Tôi đề nghị báo chí gửi lời xin lỗi của tôi, thay mặt những ngườ chỉ đạo của sở Thông tin và truyền thông xin lỗi cô Trang”, ông Hạnh nói tại họp báo.
Theo ông Hạnh: “Đây là câu chuyện buồn nhưng kết thúc có hậu”.
Tại buổi họp báo, có báo đặt vấn đề: “Vì sao một vụ nhỏ nhưng hơn 10 cơ quan vào cuộc, có lãng phí ngân sách nhà nước hay không?”.
Ông Hồ Việt Hiệp – phó chủ tịch An Giang đáp: “Làm gì có mười mấy ngành tham gia. Dính tới cơ quan nào thì cơ quan đó làm thôi”.
Đại diện Đảng ủy khối dân chinh Đảng cũng trả lời thêm về câu hỏi của Tuổi Trẻ: “Theo quy trình thì ai phát hiện trước thì xử lý trước. Đảng ủy khối phát hiện thì phối hợp với đảng ủy sở để xử lý, sau đó đề nghị chính quyền xử lý sau. Trong quá trình phối hợp xử lý chúng tôi làm đúng quy trình, không phải quy trình ngược”
Đại diện các báo chất vấn tiếp: Đảng ủy khối có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo cho rằng xử lý vi phạm cô Trang như vậy là nhẹ, cái này có lấn sân hay không? Nói kỷ luật vậy còn nhẹ mà giờ rút lại, chỉ còn rút kinh nghiệm thì sao? Đảng ủy khối có phải xin lỗi hay không?
Ông Nguyễn Văn Xe, bí thư Đảng ủy khối trả lời: “Vụ việc vừa qua chúng tôi có phối hợp đảng ủy cơ sở, ủy ban kiểm tra của Đảng ủy khối có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các chi bộ, đảng bộ xử lý đảng viên của mình có vi phạm. Quyết định kỷ luật cô Nga là từ chi bộ, Đảng ủy sở Công thương. Ban thường vụ Đảng ủy khối chưa có quyết định kỉ luật nào”.
Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối đã xem xét quyết định kỉ luật cô Nga về Đảng chưa ổn nên đã xóa bỏ hình thức kỉ luật Đảng đối với cô Nga.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng nói: “Đảng ủy khối không xin lỗi vì đâu có sai mà xin lỗi, giống như Ủy ban vậy”. Theo ông Xe, Đảng ủy khối đã đề nghị Sở Công thương rút kinh nghiệm.