Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngNếu Mỹ yêu cầu thì Nhật Bản sẽ cùng hành động ở...

Nếu Mỹ yêu cầu thì Nhật Bản sẽ cùng hành động ở Biển Đông

“Nhật Bản luôn tiến hành huấn luyện để hợp tác với Hải quân Mỹ, cho nên, Nhật Bản có năng lực triển khai hành động khi có nhiệm vụ…”

Mỹ yêu cầu thì Nhật sẽ đáp ứng

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 25 tháng 11 có bài viết cho rằng, Nhật Bản hiện thiếu một lý do chính đáng cụ thể để tiến hành tuần tra Biển Đông.

Quan chức cấp cao Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản vừa cho biết, không phải Nhật Bản không tham gia tuần tra, Nhật Bản có năng lực, nhưng cần Mỹ đưa ra “chỉ lệnh hành động cụ thể”.

Tờ “Stars and Stripes” Mỹ ngày 25 tháng 11 cho biết, ngày 24 tháng 11, sau khi Nhật-Mỹ kết thúc diễn tập song phương trên biển, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, Phó đô đốc Yasuhiro Shigeoka cho biết:

Mỹ một khi yêu cầu Nhật Bản tham gia hành động, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có năng lực tiến hành hưởng ứng, cùng Mỹ hành động ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo chung với Phó đô đốc Joseph Aucoin – Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, ông Yasuhiro Shigeoka cho biết: “Nhật Bản còn chưa nhận được chỉ lệnh cụ thể hành động ở Biển Đông, nhưng chúng tôi luôn tiến hành huấn luyện để hợp tác với Hải quân Mỹ, cho nên, Nhật Bản có năng lực triển khai hành động khi có nhiệm vụ”.

Tuần trước, ở bên lề Hội nghị cấp cao APEC, Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cập đến việc làm cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cân nhắc tiến hành tuần tra đa phương ở “vùng biển tranh chấp”.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt CVN-71 Hải quân Mỹ ở vùng biển phía nam Nhật Bản ngày 24 tháng 11 năm 2015.

Theo hãng tin AP Mỹ, tại Hội nghị cấp cao ASEAN tổ chức ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22 tháng 11, ông Shinzo Abe còn nhấn mạnh, ông “quan ngại nghiêm trọng” đối với hành vi xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Shinzo Abe cho biết thêm, Nhật Bản hiện còn chưa có kế hoạch tham gia hành động “tự do đi lại” do Mỹ triển khai ở Biển Đông, nhưng ông hoàn toàn không loại trừ khả năng tham gia trong tương lai.

Tư lệnh Yasuhiro Shigeoka cho biết, Mỹ sẽ định kỳ tổ chức diễn tập quân sự trên biển tổng hợp với Nhật Bản. Từ năm 1982 trở đi, Mỹ bắt đầu tham gia diễn tập quân sự trên biển thường niên với Nhật Bản. Ngày 24 tháng 11, Mỹ đã hoàn thành mấy giai đoạn cuối cùng của cuộc diễn tập này trong năm 2015.

Phó đô đốc Joseph Aucoin ca ngợi quan hệ hàng hải giữa Mỹ-Nhật hiện nay là then chốt của ổn định khu vực, đồng thời cho biết, mối quan hệ này trong tương lai còn có không gian tiếp tục phát triển.

“Trong tương lai, tôi tin rằng, Mỹ-Nhật sẽ có hợp tác chặt chẽ hơn trong các hành động song phương, nhưng tôi sẽ để cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản quyết định họ muốn để sự hợp tác này đạt được mức độ nào” – ông nói.

Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, Phó đô đốc Yasuhiro Shigeoka và Phó đô đốc Joseph Aucoin – Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ trên tàu sân bay USS Theodore Rosevelt Hải quân Mỹ

Trung Quốc: Cần cảnh giác với Nhật Bản

Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 26 tháng 11 đưa tin, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm đã trả lời phỏng vấn báo chí, trong đó có vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Khi được hỏi trong cuộc hội đàm ở Manila với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, Nhật Bản ủng hộ Mỹ điều tàu chiến tự do đi lại ở vùng biển 12 hải lý của đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam).

Đồng thời, Nhật Bản nếu tham gia tuần tra Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Trung-Nhật và 4 đồng thuận đã đạt được giữa Trung-Nhật. Đối với những vấn đề này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết:

Nhật Bản không phải là bên đương sự của vấn đề Biển Đông, chúng tôi nhất quán phản đối các nước ngoài khu vực can thiệp tranh chấp Biển Đông. Nhật Bản có người cổ vũ tuần tra Biển Đông là một vấn đề đáng cảnh giác cao.

Nhìn lại lịch sử, vào thập niên 30, 40 của thế kỷ trước, Nhật Bản cũng từng tuần tra Biển Đông, họ không chỉ đã xâm chiếm quần đảo Nam Sa của Trung Quốc ( thực chất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam), mà còn xâm lược các nước xung quanh Biển Đông như Philippines, gây ra thảm họa nghiêm trọng cho nhân dân các nước trong khu vực.

Ngô Khiêm – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Chúng tôi thúc giục Nhật Bản làm nhiều việc có lợi cho bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông, có lợi cho cải thiện quan hệ Trung-Nhật”.

Như vậy, qua phát biểu của Ngô Khiêm – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc có thể thấy, phát biểu của Ngô Khiêm về việc Nhật Bản xâm chiếm đảo của Trung Quốc ở Biển Đông là một sự bịa đặt trắng trợn.

Trung Quốc không hề có chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam. Cho nên, không có chuyện Nhật Bản xâm chiếm đảo của Trung Quốc.

Do đó, sau khi kết thúc chiến tranh, không có chuyện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chịu sự chi phối của Thông cáo Potsdam như giới bành trướng Bắc Kinh bịa đặt, bốc phét, tìm cách lừa đảo thiên hạ.

Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông

Nhật Bản từng xâm lược các nước trong khu vực – đó là việc của ngày hôm qua. Ngày nay, tình hình cũng đã khác nhiều. Việt Nam, Philippines có quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Nhật Bản, cho nên, Trung Quốc không phải lo lắng làm gì, có lo thì nên lo cho chính họ.

Bởi vì, “tham thì thâm”, gây mâu thuẫn và ra sức bành trướng, bất chấp luật pháp quốc tế và chủ quyền, quyền lợi của các nước ven Biển Đông thì giới bành trướng Bắc Kinh sẽ… tự chuốc lấy tai họa.

Trung Quốc đang bám víu vào một số chứng cứ bịa đặt, nhưng tự chúng đã mâu thuẫn lẫn nhau. Điểm yếu này của Trung Quốc cần phải được khai thác triệt để trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Trung Quốc thực sự đang bị cộng đồng quốc tế cô lập về mặt pháp lý và rõ ràng cộng đồng quốc tế cũng đã yêu cầu “phi quân sự hóa” Biển Đông – đây là một sự kiềm chế mạnh mẽ đối với các hành động bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự của Trung Quốc hiện nay.

Hải quân Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng

 

RELATED ARTICLES

Tin mới