Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngTrung Quốc không thể coi thường luật pháp quốc tế

Trung Quốc không thể coi thường luật pháp quốc tế

Ngày 29/10/2015, sau hơn hai năm kể từ ngày Philippine chính thức khởi kiện Trung Quốc bằng thủ tục trọng tài theo các quy định có liên quan trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (Công ước 1982)[1], với 5/5 phiếu thuận, Tòa Trọng tài[2] đã ra phán quyết đầu tiên của mình, khẳng định cơ quan này được thành lập một cách hợp thức và có thẩm quyền xét xử vụ việc giữa Philippine và Trung Quốc[3].

 

Phán quyết của Tòa trọng tài được coi là chiến thắng pháp lý bước đầu của Philippine[4], tạo hiệu ứng tích cực đến các quốc gia tranh chấp ở khu vực Biển Đông[5]; xóa tan các quan ngại về việc Tòa trọng tài và các Trọng tài viên, có thể chịu tác động và ảnh hưởng về mặt chính trị, kinh tế từ Trung Quốc, trì hoãn tiến trình giải quyết vụ việc, thậm chí xấu hơn cả là Tòa trọng tài ra tuyên bố là không có thẩm quyền xét xử vụ việc. Phán quyết này cũng khẳng định lại giá trị và tính ưu việt của luật pháp quốc tế với tư cách một công cụ hữu hiệu trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các quốc gia, trong đó có các tranh chấp liên quan đến Công ước 1982.

Phán quyết khẳng định thẩm quyền xét xử vụ việc của Tòa trọng tài đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của chính giới và giới luật gia quốc tế do tính hợp lý và chuẩn xác của nó. Nhiều nước bày tỏ hy vọng bước đi này sẽ dẫn tới những kết quả tích cực cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông[6]. Phía Philippine không chỉ “hoan nghênh quyết định của Tòa trọng tại về việc Tòa có quyền tài phán đối với vụ việc”, Tổng Công tố, kiêm Trưởng nhóm chuyên gia pháp lý của Philippine về vụ kiện, ông Florin Hilbay còn nhấn mạnh phán quyết thể hiện “bước đi có ý nghĩa đối với công cuộc tìm kiếm một giải pháp công bằng và hòa bình của Philippine đối với các các tranh chấp giữa các bên cũng như việc làm rõ quyền của họ theo Công ước 1982”[7].

Diễn biến của vụ kiện Philippine chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.

Lợi dụng bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực vào cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 khi chiến tranh lạnh kết thúc, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương xuất hiện khoảng trống quyền lực do việc Nga rút khỏi căn cứ Cam Ranh của Việt Nam, Mỹ rút quân đồn trú khỏi các căn cứ Clark và Subic của Philippine, Trung Quốc đã nhanh chóng và tích cực triển khai chủ trương lâu nay của mình về việc thôn tính Biển Đông thông qua hàng loạt các hành động gây hấn, sử dụng vũ lực, chiếm đóng trên thực địa[8]. Trong số các nước có tranh chấp ở khu vực Biển Đông thì các nạn nhân trực tiếp nhất của chính sách này của Trung Quốc là Philippine và Việt Nam.

Mặc dù các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế đã có nhiều tiếng nói lên án, phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, song Trung Quốc không những không dừng lại mà ngày càng lấn tới. Một mặt, Trung Quốc tìm cách củng cố lập luận, cơ sở pháp lý để biện minh cho các hành động của mình, mặt khác tích cực triển khai các hành động trên thực tế nhằm hỗ trợ các lập luận của mình. Điều đặc biệt nguy hiểm là tháng 5/2009, Trung Quốc đã chính thức hóa yêu sách theo đường lưỡi bò và tiến hành các biện pháp thực thi trên thực địa nhằm hiện thực hóa yêu sách này[9].

“Con giun xéo lắm cũng oằn”, đứng trước các việc làm ngày càng hung hăng, trắng trợn của Trung Quốc, năm 2013, Philippine đã tiến hành bước đi pháp lý nhằm đối lại các yêu sách của Trung Quốc, đặc biệt là yêu sách về đường lưỡi bò ở khu vực Biển Đông thông qua việc vận dụng các quy định của Công ước 1982 cho phép các quốc gia thành viên Công ước có quyền đơn phương khởi kiện quốc gia thành viên khác của Công ước 1982 đối với các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước 1982.[10]

Đơn kiện của Philippine tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính. Đó là: i) quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển đối với các vùng biển cần được xác định bằng Công ước 1982 và theo đó, yêu sách về chủ quyền, quyền tài phán và quyền lịch sử đối với vùng biển trong phạm vi đường lưỡi bò là không phù hợp với Công ước 1982; ii) những thực thể nào mà Philippine và Trung Quốc đang tranh chấp được xác định là đảo (có vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế); đá (chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý) và là bãi cạn nửa chìm nửa nổi hoặc bãi ngầm (không có quyền tạo ra vùng biển); và iii) Trung Quốc, thông qua hành vi xây dựng trái phép và đánh bắt cá, đã làm tổn hại môi trường và cản trở Philippine thực hiện quyền chủ quyền và quyền tự do của mình, do đó, vi phạm Công ước 1982. Các nhóm vấn đề này được Philippine cụ thể hóa trong 15 nội dung yêu cầu gửi Tòa trọng tài ngày 30/3/2014.[11]

Ngay từ khi Philippine tiến hành vụ kiện, Trung Quốc đã tìm mọi cách bác bỏ vụ kiện, không thừa nhận thẩm quyền của Tòa trọng tài thông qua các tuyên bố công khai cũng như các công hàm, công thư gửi cả Philippine lẫn Tòa trọng tài. Không chỉ phản đối việc Philippine sử dụng thủ tục trọng tài để kiện, Trung Quốc còn không xuất hiện trước Tòa trọng tài theo yêu cầu của cơ quan này. Khi quá trình xét xử của Tòa trọng tài diễn ra theo chiều hướng Tòa có thẩm quyền đối với tranh chấp, ngày 07/12/2014, Chính phủ Trung Quốc đưa ra “Tài liệu lập trường của Chính phủ nhân dân Trung Hoa về vấn đề quyền tài phán vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng”[12] (Tài liệu lập trường).

Tài liệu lập trường của Trung Quốc tập trung vào 4 điểm chính: i) nội dung vụ kiện về bản chất là vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, do đó, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Công ước 1982; ii) Trung Quốc và Philippine đã nhất trí trong nhiều văn kiện là giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, theo đó, việc Philippine đơn phương khởi kiện là vi phạm nghĩa vụ quốc tế của mình; iii) giả sử cứ cho là nội dung tranh chấp thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước 1982 thì Trung Quốc cũng đã có tuyên bố bảo lưu năm 2006, vì vậy, không thuộc thẩm quyền của Tòa trọng tài; và iv) Tòa trọng tài không có thẩm quyền xử lý vụ việc[13].

Lập luận và phán quyết của Tòa trọng tài.

Thứ nhất, Tòa trọng tài khẳng định Tòa đã được thành lập một cách hợp pháp và hợp thức theo đúng Công ước 1982, điều này thể hiện ở những điểm sau: i) cả Philippine và Trung Quốc đều là các quốc gia thành viên Công ước 1982, trong đó quy định giải quyết tranh chấp, kể cả bằng thủ tục trọng tài là một bộ phận không tách rời của Công ước; ii) Công ước 1982 cho phép các quốc gia thành viên quyền tuyên bố không chấp nhận việc áp dụng hình thức giải quyết tranh chấp bắt buộc (tương tự như việc Philippine kiện Trung Quốc) đối với một số tranh chấp nhất định, song điều này không có nghĩa là các quốc gia có quyền ngoại trừ đối với cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước 1982; iii) việc Trung Quốc không tham gia quá trình thành lập và dự phiên tòa không làm Tòa trọng tài mất quyền xét xử vụ việc; iv) cho dù Trung Quốc không tham gia phiên xử, song trong quá trình xem xét vụ việc, Tòa trọng tài đã luôn quan tâm đến quyền của Trung Quốc trong vụ việc; và iv) không có việc lạm dụng thủ tục.

Thứ hai, Tòa trọng tài khẳng định có tồn tại tranh chấp giữa Philippine và Trung Quốc liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước 1982. Tòa trọng tài đã bác bỏ hai lập luận của Trung Quốc nêu trong Tài liệu lập trường là bản chất vụ việc là tranh chấp chủ quyền các đảo và tranh chấp phân định vùng biển ở khu vực Biển Đông. Tòa trọng tài cho rằng, trên thực tế có tranh chấp giữa các bên liên quan đến chủ quyền đối các đảo ở Biển Đông, song nội dung khởi kiện của Philippine không liên quan đến vấn đề chủ quyền và Philippine không đề nghị Tòa xử lý vấn đề chủ quyền. Còn đối với lập luận thứ hai, Tòa trọng tài nêu quan điểm tranh chấp liên quan đến quyền của quốc gia đối với việc có vùng biển khác với tranh chấp liên quan đến việc phân định vùng biển chồng lấn với quốc gia khác[14]. Đồng thời, Tòa cũng khẳng định nội dung yêu cầu của Philippine không liên quan đến việc phân định vùng biển và do đó, không nằm trong phạm vi tuyên bố về việc không chấp nhận thủ tục giải quyết bắt buộc mà Trung Quốc đưa ra năm 2006. Trên cơ sở đó, Tòa trọng tài khẳng định mỗi nội dung mà phía Philippine đề nghị Tòa trọng tài giải quyết đều thể hiện tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước 1982, đồng thời nhấn mạnh “tranh chấp liên quan đến mối tương tác giữa Công ước và các quyền khác (bao gồm cả các quyền lịch sử của Trung Quốc) là tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước 1982”[15].

Thứ ba, Tòa khẳng định các tiền đề (precondition) đối với quyền tài phán của Tòa trọng tài đã được đáp ứng đầy đủ. Cụ thể, Tòa cho rằng Philippine đã tiến hành đầy đủ các quy định của Công ước 1982 liên quan đến nghĩa vụ về việc trao đổi với phía Trung Quốc về việc hai bên tự lựa chọn các biện pháp giải quyết tranh chấp cũng như trao đổi quan điểm về biện pháp giải quyết tranh chấp trước khi khởi kiện theo thủ tục trọng tài.

Thứ tư, liên quan đến tuyên bố về việc không chấp nhận thủ tục giải quyết bắt buộc mà Trung Quốc đưa ra năm 2006, Tòa trọng tài khẳng định cơ quan này có thẩm quyền ngay đối với một số yêu cầu của Philippine (7/15 yêu cầu) và thẩm quyền đối với những yêu cầu còn lại sẽ được Tòa trọng tài xem xét trong mối quan hệ với nội dung vụ kiện. Điều này có nghĩa là Tòa trọng tài đã bác bỏ giá trị của tuyên bố của Trung Quốc hay nói một cách chính xác hơn, Trung Quốc không thể vận dụng tuyên bố của mình để bác bỏ quyền tài phán của Tòa trọng tài.

Phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết

Ngược lại với cộng đồng quốc tế, ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết khẳng định thẩm quyền xử lý vụ kiện, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã lớn tiếng cho rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận cũng như không tham gia vụ kiện và quyết định của Tòa trọng tài sẽ không ảnh hưởng tới chủ quyền, quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế cũng như thực tế. Ông Lưu Chấn Dân còn cáo buộc mục đích của Philippine đưa vụ việc này ra Tòa trọng tài không phải “để giải quyết tranh chấp. Mục tiêu của Philippine là bác bỏ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định quyền của mình ở khu vực này”[16].

Tiếp đó, ngày 30/10/2015, trong cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã thể hiện quan điểm “3 không” của Trung Quốc đối với vụ kiện cũng như phán quyết này, gồm” i) không chấp nhận và tham gia vụ kiện; ii) không coi phán quyết có giá trị; và iii) đe dọa không chịu ràng buộc bởi phán quyết trong tương lai của Tòa trọng tài.

Lập luận mà Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra để bào chữa cho quan điểm 3 không là: i) Trung Quốc có quyền tự lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp theo Công ước 1982 và Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và thương lượng song phương; Trung Quốc và Philippine đã ghi nhận điều này trong các thỏa thuận song phương; ii) Tòa Trọng tài và Philippine đã lạm dụng thủ tục, xâm hại đến quyền của Trung Quốc; và iii) Trung Quốc phản đối việc lạm dụng thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc và đề nghị các bên liên quan ngồi lại với nhau để giải quyết tranh chấp song phương với Trung Quốc[17].

Thực ra, quan điểm mà chính phủ Trung Quốc đưa ra không khác gì so với lập luận nêu trong Tài liệu lập trường. Việc Trung Quốc nhắc lại lập trường mà đã bị Tòa trọng tài bác bỏ trong phán quyết đầu tiên của mình cho thấy Trung Quốc tiếp tục quan điểm cố hữu của mình, cố đấm ăn xôi, đi ngược lại các cam kết của chính mình khi đặt bút ký Công ước 1982 cũng như các tiêu chuẩn chung của luật pháp quốc tế. Đồng thời, điều này cũng cho thấy sự lúng túng của Trung Quốc trong việc tìm ra các lập luận pháp lý để bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài.

Tòa trọng tài được thành lập hoàn toàn phù hợp với các quy định của Công ước 1982, được cộng đồng quốc tế và các quốc gia thành viên Công ước 1982 thừa nhận. Các Trọng tài viên đều là những thẩm phán quốc tế có uy tín và trình độ cao, được lựa chọn một cách khách quan, đúng thể thức. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật quốc tế nói chung và Công ước 1982 nói riêng, phán quyết của Trọng tài là chung thẩm và các bên liên quan có nghĩa vụ thi hành.

Thi hành các quyết định, phán quyết của các cơ quan tài phán quốc gia là một trong những nghĩa vụ quốc tế của các quốc gia phải tuân thủ. Việc thi hành nghĩa vụ này không chỉ thể hiện sự coi trọng, niềm tin vào công lý quốc tế mà nó còn thể hiện chính uy tín và thanh danh của chính quốc gia. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, khi đã tham gia cuộc chơi, đều phải tuân thủ nghiêm túc luật chơi. Chính vì lẽ đó, việc Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận Tòa trọng tài và phán quyết của Tòa xét xử vụ tranh chấp với Philippine không chỉ ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của một cường quốc trên thế giới mà còn thể hiện thái độ coi thường, ngồi xổm lên luật pháp quốc tế, điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn rêu rao là cần tôn trọng. Chính một trong những giáo sư công pháp quốc tế, người luôn có xu hướng bảo vệ bằng luật pháp quốc tế các quan điểm của chính phủ Trung Quốc, ông Julia Ku cũng phải thốt nên là cách hành xử của Trung Quốc đối với phán quyết vừa qua là hoàn toàn không phù hợp và “dường như Trung Quốc đang gắn với chính sách thuốc súng hơn là sẵn sàng tham gia vào tiến trình pháp lý[18].

 


[1] Ngày 23/01/2013, Philippine chính thức khởi kiện Trung Quốc

[2] Tên đầy đủ là Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước 1982 về vụ việc giữa Cộng hòa Philippine và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

[3] Toàn văn phán quyết của Tòa trọng tài được đăng tại : http://www.pcacases.com/web/sendAttach/1506

[4] http://www.nytimes.com/2015/10/31/world/asia/south-china-sea-philippines-hague.html?_r=0

[5] Ngày 11/11/2015, Bộ trưởng điều phối an ninh Indonesia Luhut Panjaitan tuyên bố nước này cũng có thế kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế

[6] http://www.reuters.com/article/2015/10/30/us-philippines-china-arbitration-idUSKCN0SN26320151030#8le2tIToFHAZcj8g.97

[7] http://globalnation.inquirer.net/130174/ph-hails-hague-court-ruling-to-take-up-arbitration-case-vs-china

[8] Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm một số vị trí trên quần đảo của Việt Nam năm 1988; tiếp đó năm 1992, ký hợp đồng dầu khí với công ty Crestone trong khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam (Trung Quốc gọi là khu vực Vạn An Bắc); năm 2011 tiến hành cắt cáp tàu thăm dò Bình Mình và Viking II khi các tàu này đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam; năm 2012 tiến hành phân lô và gọi thầu 09 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; năm 2014, hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981. Với Philippine, năm 1995, Trung Quốc gây ra sự kiện Vành Khăn (Mischief), kế đó năm 2012, thông qua việc đẩy cao căng thẳng trên thực địa với Philippine, Trung Quốc đã chiếm đóng bãi cạn Scarborough vốn nằm dưới sự quản lý của Philippin, cản trở ngư dân Philippine đánh bắt hải sản….

[9] Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa để quản lý vùng biển theo yêu sách đường lưỡi bò; hàng năm ra lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực Biển Đông; cho tàu chiến tiến hành các hoạt động tuần tra đến cả các vùng biển cách các đảo của Malaysia khoảng vài chục hải lý..

[10] Theo quy định của Công ước 1982, các quốc gia thành viên Công ước có thể lựa chọn các cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp bao gồm: i) Tòa án Công lý quốc tế; ii) Tòa án quốc tế về Luật Biển; iii) Tòa trọng tài; và iv) Tòa trọng tài đặc biệt. Trong trường hợp các bên tranh chấp không lựa chọn cơ quan tài phán hoặc không nhất trí về cơ quan giải quyết tranh chấp thì Trọng tài được coi là là hình thức mặc nhiên được sử dụng. Chính Philippine đã vận dụng quy định để đơn phương khởi kiện Trung Quốc

[11] http://www.pcacases.com/web/sendAttach/1503.

[12] http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1217147.shtml

[13] Như 11.

[14] Như 11

[15] Như 11

[16] Như 5

[17] http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/t1310709.shtml

[18] http://opiniojuris.org/2015/10/30/so-how-is-china-taking-its-loss-at-the-unclos-arbitral-tribunal-not-well/

RELATED ARTICLES

Tin mới