Wednesday, October 30, 2024
Trang chủBiển nóngCái neo pháp lý

Cái neo pháp lý

Phán quyết của Tòa trọng tài dù có thế nào đi nữa, vấn đề chủ quyền tại Biển Đông cũng không được giải quyết. Đó là cách các học giả Trung Quốc thường biện luận liên tục.

Trung Quốc nhất quyết không tham gia phiên tòa và nhiều lần nhấn mạnh là tòa không có quyền phán quyết với những đệ trình mà trình bày, và các kết quả của tòa sẽ không dẫn đến một giải pháp thực tế nào cho tranh chấp tại Biển Đông.

Đi xa hơn, có lập luận cho rằng Tòa án PCA mang ý nghĩa chính trị hơn là pháp lý và vụ kiện này nhuốm màu sắc cạnh tranh chiến lược vì Philippines đang được các nước bên ngoài giật dây và thúc đẩy.

Tuy vậy, phán quyết của Tòa PCA trong cuối tháng 10 vừa qua đã cho thấy nhận định trên là không chính xác.

Kiểu lập luận xem các phán quyết của tòa sẽ làm phức tạp thêm tình hình lại càng tiếp tục không chính xác. Ý nghĩa pháp lý của tòa rõ hơn bao giờ hết khi khẳng định về sự đa dạng trong các tranh chấp ở Biển Đông, mà các yếu tố gây bất ổn xuất phát từ việc thiếu vắng một sự thống nhất cách diễn dịch và áp dụng UNCLOS.

Việc chưa thể xác định các thực thể địa lý mang quy chế pháp lý nào (giữa đảo, đá hay nửa chìm nửa nổi) làm cho việc phân định các vùng biển lân cận đi vào bế tắc và tranh cãi. Hay như quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong các vùng biển xung quanh.

Nhiều lần và tại nhiều diễn đàn, Trung Quốc đã “tấn công” Mỹ về các ý định mà họ gọi là Mỹ “can thiệp” vào Biển Đông.

Ngay cả ở các hội thảo quốc tế tổ chức cuối tháng 11 vừa qua (tại Vũng Tàu hay Hà Nội), các học giả Trung Quốc nhiều lần nói rằng việc nói các thực thể địa lý mà họ xây dựng đảo nhân tạo là “nửa chìm, nửa nổi” là không hoàn toàn chính xác, vì vẫn đang tồn tại các đánh giá khác nhau.

Có thể họ đúng khi nói rằng còn nhiều vùng xám cả trong luật lẫn trong cách tiếp cận chính trị quốc tế mà qua đó các quốc gia có thể tìm cách lợi dụng, hay tạo sự lờ mờ phục vụ cho lợi ích cao nhất về phía mình.

Nhưng điều đó càng chứng tỏ hơn rằng thể chế và tòa án quốc tế là con đường phù hợp để hạn chế bớt các lờ mờ đó. Phán quyết là một quan điểm có thẩm quyền, tạo nên một nền tảng cả về pháp lý lẫn kim chỉ nam cho hành động cụ thể cho các quốc gia.

Vì thế sẽ dễ hiểu tại sao Trung Quốc muốn duy trì “vùng xám” khi từ chối tham gia giải quyết tranh chấp bằng tòa án và một mặt vẫn lớn tiếng nói về sự phức tạp của các vấn đề pháp lý nhưng không chịu nhờ tòa xử.

Và cũng sẽ không có một lý giải nào hợp lý cho những quan điểm mà Bắc Kinh tự kiến tạo thêm như “quyền lịch sử” hay “vùng nước của đảo nhân tạo”, cái đang làm “rối”, hơn là giúp giải quyết tình hình.

Từ phiên điều trần ở The Hague với những phán quyết đang có lợi cho Philippines, mọi chuyện đã rõ hơn: từ việc thiếu vắng một nền tảng pháp lý cho Biển Đông thì đã có những chỉ dấu cũng như cách tiếp cận cho thấy nền tảng đó từ từ định hình.

Đó là cái neo trong mùa bão, mà ngay cả một quốc gia như Mỹ khi chọn hành động đơn phương tại khu vực qua sự kiện tàu USS Lassen đi tuần tra cũng không thể đứng ngoài.

Các thảo luận của cả giới học giả lẫn chính giới từ Washington cho thấy một bài học quan trọng đã được rút ra: đó là cần nhất quán trong cả hành động, lời nói và cách áp dụng luật quốc tế ngay cả trong việc thực hiện mục đích địa chiến lược và chính trị.

Và đó chính là cách thức tuần tra tiếp theo xung quanh đá Vành Khăn mà Mỹ tuyên bố sẽ thực hiện trong khoảng đầu tháng 12 này.

Như mọi tranh luận học giả, lẫn pháp lý, lẫn trên các diễn đàn ngoại giao từ năm 2009 đến giờ, quả banh lại đang nằm trong chân lãnh đạo Trung Quốc.

Tình hình nội trị về kinh tế lẫn chính trị đang có xu hướng thúc đẩy những chính sách phiêu lưu. Nhưng cũng chính nó sẽ làm điểm bùng phát của những bất ổn cả về an ninh lẫn địa chính trị mà Bắc Kinh không thể nào tính toán trước.

RELATED ARTICLES

Tin mới