Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóng4 lý do Nhật Bản tăng cường hợp tác với Việt Nam,...

4 lý do Nhật Bản tăng cường hợp tác với Việt Nam, Philippines trên Biển Đông

Nhà nghiên cứu Mina Erika Pollmann ngày 2/12 bình luận trên The Diplomat, giữa lúc căng thẳng leo thang trên Biển Đông, Nhật Bản tăng cường quan hệ hợp tác với Philippines và Việt Nam. Biển Đông chiếm phần lớn trong các tính toán của Tokyo, nhưng viện trợ cho Philippines và Việt Nam đã có một lịch sử dài hàng thập kỷ.

Viện trợ của Nhật cho Philippines

Khi các dự án bồi lấp, xây dựng (và quân sự hóa) đảo nhân tạo (bất hợp pháp) mà Trung Quốc tiến hành cùng với hoạt động tuần tra tự do hàng không hàng hải của Hoa Kỳ trên Biển Đông, căng thẳng đã leo thang. Nhật Bản đang tăng cường hợp tác với cả hai nước có yêu sách là Philippines và Việt Nam. Hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản (ODA) đang đóng một vai trò quan trọng.

Nhật Bản và Philippines đã trở thành “đối tác chiến lược” từ năm 2011, hợp tác an ninh đã được tăng cường từ đó. Gần đây Cảnh sát biển Nhật Bản trúng thầu cung cấp cho Philippines tàu tuần tra đa năng tổng trị giá khoảng 200 triệu USD, chủ yếu đến từ ODA của Nhật Bản, chính phủ Philippines chỉ có khoảng 30 triệu USD để mua 10 tàu tuần tra. Việc giao hàng dự kiến sẽ diễn ra từ năm 2016 đến 2018.

Tháng Năm năm nay, hải quân Nhật Bản và Philippines lần đầu tiên tập trận chung ở Biển Đông. Tháng Sáu, Tổng thống Benigno Aquino đã thăm Tokyo và ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược tăng cường với Thủ tướng Shinzo Abe. Trong chuyến thăm này, hai bên nhất trí nghiên cứu việc chuyển giao vũ khí quân sự cũng như công nghệ của Nhật Bản cho Philippines và bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận liên quan đến hoạt động thăm viếng quân sự lẫn nhau.

Trong hội nghị APEC tại Manila tháng trước, Thủ tướng Shinzo Abe nói với báo chí: “Chúng tôi hoan nghênh về nguyên tắc chuyển giao các thiết bị quốc phòng, và đồng ý làm việc cùng nhau để sớm ký kết thỏa thuận và thực hiện hợp tác trong lĩnh vực thiết bị quốc phòng”. Ông cho biết thêm, Tổng thống Aquino đã đề nghị Nhật cung cấp cho Cảnh sát biển Philippines một tàu tuần tra cỡ lớn và Tokyo đang xem xét.

Những năm 1980, viện trợ của Nhật Bản cho Philippines là để rải đường cho doanh nghiệp Nhật thâm nhập thị trường này. Khi Hoa Kỳ bắt đầu yêu cầu Nhật Bản làm nhiều hơn để bảo vệ an ninh khu vực thay vì chi tiêu quốc phòng cho riêng mình, Nhật Bản phản ứng bằng cách tăng mức độ trách nhiệm của nhà tài trợ để giúp Philippines phục hồi kinh tế.

Hỗ trợ của Nhật Bản đối với Việt Nam

Nhật Bản đã có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sớm hơn, từ năm 2006 khi ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng lần đầu tiên. Gần đây, hợp tác Việt – Nhật tiếp tục được tăng cường. Năm ngoái, Nhật Bản cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra, việc chuyển giao dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. 6 tàu này bao gồm 2 tàu cũ của lực lượng Kiểm ngư Nhật Bản và 4 tàu cá thương mại đã được đại tu lại cho mục đích tuần tra.

Thỏa thuận này được tài trợ thông qua gói ODA trị giá khoảng 4 triệu USD. Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tháng 11, hai nước đã đồng ý để các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được phép truy cập sử dụng dịch vụ hậu cần, cung cấp tại cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, Việt Nam.

Hoạt động tập trận chung giữa hải quân Nhật Bản và Việt Nam cũng đã được thảo luận. Trong tất cả các khía cạnh khác nhau của sự hợp tác, Nhật Bản có thể làm rất nhiều vì tình trạng siêu cường kinh tế của mình. Mặc dù viện trợ của Nhật Bản thường được biết đến như thuần túy kinh tế và thực tế đó cũng là cách mà Nhật Bản đã bắt đầu, nhưng dần dần viện trợ đã trở thành một yếu tố chiến lược trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam bị đình trệ vào cuối thập niên 1970, trong những năm đầu thập niên 1990 Nhật Bản đã phải thận trọng để nối lại viện trợ cho Việt Nam vì mối quan hệ Việt – Mỹ mới manh nha được cải thiện.

Nhật Bản không muốn đi trước Hoa Kỳ, nhưng cũng thừa nhận rằng viện trợ cho Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế thuần túy của Nhật, mà Tokyo muốn “tích hợp” Việt Nam vào khu vực. Mina Erika Pollmann cho rằng có những động cơ chính trị điều chỉnh mong muốn của Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam.

Điều lệ ODA Nhật Bản sửa đổi tháng Hai 2015 tuyên bố: Mục tiêu của ODA Nhật Bản là để đóng góp cho hòa bình và phát triển của cộng đồng quốc tế, và nhờ đó giúp đảm bảo an ninh và sự thịnh vượng của Nhật Bản. Điều này cho thấy ODA không chỉ là một công cụ kinh tế, mà còn là một công cụ chính sách đối ngoại phát triển.

4 lý do Nhật Bản tăng cường hợp tác với Philippines và Việt Nam ở Biển Đông

Theo điều lệ mới, Nhật Bản được phép gửi viện trợ cho quân đội nước ngoài để họ sử dụng vào mục đích phi chiến đấu, mặc dù viện trợ quân sự vẫn phải tránh. Tùy thuộc vào cách hiểu điều lệ, Nhật Bản vẫn có thể giải thích cho việc cung cấp các công cụ phi quân sự như hệ thống ra đa giám sát, máy bay giám sát hàng hải và các phần cứng thông minh khác. Điều này đặc biệt hữu ích với Philippines và Việt Nam.

Hợp tác với Philippines có lẽ đến một cách tự nhiên vì Nhật Bản và Philippines là đồng minh hiệp ước. Từ quan điểm đó, quan hệ hợp tác Nhật – Việt có liên quan nhiều hơn với lo ngại của Nhật về các hành động đơn phương của Trung Quốc trong các vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp.

Nhật Bản quan tâm đến những gì Trung Quốc tuyên bố và theo đuổi ở Biển Đông và cách thức giải quyết tranh chấp với nhiều lý do. Đầu tiên, Nhật lo ngại về tác động của căng thẳng trên Biển Đông đối với hoạt động hàng hải của tàu Nhật cũng như nền kinh tế của mình; Thứ hai, Nhật Bản muốn giảm thiểu những tác động của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ven biển trong trường hợp cán cân lực lượng mất cân bằng.

Thứ ba, Nhật Bản đang bị ám ảnh bởi những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, ngăn chặn Trung Quốc thiết lập một tiền lệ tiêu cực, dùng sức mạnh để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Tiền lệ này có thể ảnh hưởng, có hậu quả đối với tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Thứ tư, Nhật Bản muốn Mỹ cam kết lớn hơn đối với việc đảm bảo an ninh cho Nhật Bản bằng cách chứng minh rằng, Nhật sẵn sàng và có khả năng chia sẻ gánh nặng với Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với những lý do này, có thể mong đợi hợp tác giữa Nhật Bản với Việt Nam và Philippines thông qua ODA, chuyển giao thiết bị quốc phòng và các phương tiện đó sẽ vẫn tiếp tục.

RELATED ARTICLES

Tin mới