Thursday, January 2, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiEo biển Bosphorus: Mỹ-NATO có nhốt được “Gấu Nga” trong Biển Đen?

Eo biển Bosphorus: Mỹ-NATO có nhốt được “Gấu Nga” trong Biển Đen?

Một vấn đề đang được các chuyên gia quân sự đặc biệt quan tâm là khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus, “trói chân” Hạm đội Biển Đen-Nga.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã chấm dứt quan hệ hợp tác quân sự

Thổ Nhĩ Kỳ gây khó dễ cho tàu Nga ở eo biển Bosphorus

Ngày 30-11, một chiếc tàu vận tải mang tên “Yauza” của Hải quân Nga đã chạm mặt với một tàu ngầm thông thường của Thổ Nhĩ Kỳ, đang được một tàu tuần duyên của cảnh sát biển nước này hộ tống, khi đang di chuyển qua eo biển Dardanelles, kênh InoTV trích dẫn thông báo từ tờ Hurriyet Daily News.

Tàu vận tải “Yauza” có chiều dài 133 mét đã đến Dardanelles từ biển Aegean vào buổi sáng 30 – 11 và di chuyển tiếp về hướng biển Marmara, tờ báo viết. Một khoảnh khắc căng thẳng xảy ra khi tàu này chạm trán một tàu ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ ở gần thị trấn Eceabat.

Theo tờ báo, lẽ ra đây là một chuyện rất bình thường nhưng sự kiện này đáng được chú ý vì nó xảy ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Moscow và Ankara, sau khi tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga, đang tiến hành không kích các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước đang gia tăng, một câu hỏi lớn đã xảy ra là liệu sự cắt đứt liên lạc về hợp tác quân sự và những đòn trừng phạt kinh tế mà Moscow mới áp đặt với Ankara có thể khiến nước này đóng cửa eo biển Bosphorus đối với tàu thuyền của hải quân Nga hay không?

Câu nỏi liệu Ankara có nhắm vào “tử huyệt” của Moscow dấy lên, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đã ép buộc các tàu Nga phải đợi nhiều giờ mới cho phép đi qua eo biển Bosphorus – một trong những eo biển có địa hình phức tạp, khó vượt qua nhất thế giới từ cả hai phía, vào ngày 30-11.

Động thái này cho thấy Ankara đang định bắt chẹt Moscow, bởi Hạm đội Biển Đen của Nga muốn tới Syria chỉ có một con đường độc đạo duy nhất là đi qua eo biển Bosphorus, sau đó vượt qua tiếp eo biển Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ, để ra ngoài Địa Trung Hải.

Bosphorus là một eo biển có chiều dài 31 km, ngăn cách giữa châu Á và châu Âu. Nó có chiều rộng lớn nhất 3,7 km ở lối vào phía bắc (từ Biển Đen ra) và nhỏ nhất là 0,75 km nằm giữa hai pháo đài Anadoluhisari và Rumelihisari; độ sâu dao động trong khoảng 36 – 124m tính theo giữa luồng.

Với vị trí chiến lược quan trọng nối liền biển Đen và biển Marmara (để ra Địa Trung Hải), khiến nơi đây từ lâu trở thành một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Ước tính mỗi năm có trên 50.000 lượt tàu qua lại giữa biển Marmara và biển Đen.

Tàu vận tải Nga chạm mặt tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ ở eo biển Dardanelles

Do hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ, đây chính là yết hầu khống chế toàn bộ cửa ngõ ra vào biển Đen. Không chỉ các tàu chiến và tàu hậu cần thuộc Hạm đội biển Đen của Nga mà các tàu thương mại từ Bulgaria, Romania, Georgia, Ukraine… cũng phải đi qua đây

Nhờ địa thế cực kỳ hiểm yếu và hoàn toàn thuộc về lãnh hải của Thổ Nhĩ Kỳ nên nếu không được sự cho phép của chính quyền nước này, chắc chắn không một loại tàu thuyền nào có thể đi qua khu vực này, bất chấp quốc gia đó sở hữu lực lượng hải quân mạnh đến đâu.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không thể cấm tàu Nga đi qua?

Câu hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đóng cửa eo biển Bosphorus với tàu thuyền Nga hay không, hiện đang được các nhà phân tích chính trị đặt ra và đi tìm câu trả lời. Có khá nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan khiến người ta khẳng định rằng, Ankara không thể cấm tàu thuyền Nga đi qua.

Thứ nhất: Do quy định của Công ước Montreux trong điều kiện thời bình

Năm 1936, Công ước Montreux được ký kết giữa các nước Australia, Anh, Bulgaria, Pháp, Nhật, Rumania, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Xô và Nam Tư, Italia, nhằm xác lập chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ tại các eo biển Bosporus và Dardanelles, đồng thời duy trì nguyên tắc tự do đi lại và giao thông trên biển.

Theo Công ước này, trong thời bình, các tàu được tự do đi lại qua eo biển không thu phí và thuế. Giả sử trường hợp chiến tranh khu vực và chiến tranh thế giới xảy ra, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tham chiến thì quyền đi lại của các tàu thương mại qua eo biển vẫn được đảm bảo.

Cựu Tư lệnh Hải quân Nga và Tư lệnh Hạm đội biển Đen, Đô đốc Viktor Kravchenko cho biết, theo nội dung Công ước này, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền đóng eo biển, ngăn cản, không cho tàu quân sự của nước ngoài đi qua, chỉ trong trường hợp công bố chiến tranh.

Trong điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp là một bên tham chiến, khi đó tàu bè của kẻ thù và các nước đồng minh với kẻ thù của Ankara sẽ bị cấm đi lại qua các eo biển này.

Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga đã khiến quan hệ giữa 2 bên hết sức căng thẳng

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể tự ý đóng cửa các eo biển trên biển Đen ngăn tàu Nga hướng tới Syria. Nếu làm như vậy sẽ vi phạm luật pháp quốc tế nói chung và Công ước Montreux nói riêng, bởi những văn kiện đã được đa số các quốc gia của thế giới ký kết vào thời kỳ đó.

Hiện nay, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi máy bay Su-24 Nga khiến cả đất nước Nga căm phẫn nhưng Moscow cư xử rất đúng với luật lệ quốc tế, không đáp trả hoặc đe dọa đáp trả bằng hành động quân sự với Ankara, mặc dù các nguyên thủ nước này đang liên tiếp tung ra những ngôn từ thách thức Nga.

Đây là hành động rất khôn ngoan của Moscow, khiến Công ước Montreux vẫn được vận dụng trong điều kiện thời bình và Ankara không có lí do gì để đóng cửa các eo biển này đối với các chiến hạm của Hạm đội biển Đen.

Thứ hai: Do quy định của Công ước Montreux trong điều kiện thời chiến

Còn nếu cố tình chống lại Moscow, Ankara vẫn có thể đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles, ngăn chặn chiến hạm của Nga, nhưng với điều kiện phải ban bố tình trạng chiến tranh và xác định “Nga là đối tượng tác chiến hoặc đồng minh với kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Mà điều này thì tin chắc rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dám tuyên bố và cũng không có lí do gì để tuyên bố điều đó.

Sau vụ Su-24, Ankara có thể đóng cửa các eo biển nếu tuyên bố Nga là kẻ thù

Khi đó, Ankara sẽ phải công bố rằng, Moscow đã gây nguy hại đến độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của nước này đến mức độ nào. Mà chỉ với một vài vụ máy bay xâm phạm không phận, điều đó không đủ yếu tố để xác định Nga hay Syria là kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trừ phi Ankara thừa nhận Nga tấn công vào các nhóm khủng bố ở Syria là hành động xâm hại đến lợi ích quốc gia của nước này. Thế nhưng như vậy chẳng khác nào nước này đã thừa nhận câu kết với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và hậu thuẫn cho các nhóm đối lập, lật đổ chính quyền Syria.

Công ước Montreux 1936 cũng hạn chế sự hiện diện tại biển Đen của tàu chiến ngoài khu vực. Theo đó, tàu chiến từ các quốc gia không nằm trong vùng biển này chỉ có thể ở trong biển Đen tối đa 21 ngày, và tàu được phép đi qua 2 eo biển trên có lượng giãn nước không quá 45.000 tấn.

Do đó, nếu hai bên tuyên bố tình trạng chiến tranh, bất cứ sự vi phạm nào của Mỹ và NATO trong vùng biển này sẽ vấp phải phản ứng gay gắt của Nga. Moscow đã từng tuyên bố nước này có quyền bắn bất cứ tàu chiến nào vi phạm các quy định trong Công ước Montreux.

Hơn nữa, giả sử Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm gây sự với Nga bằng cách vận dụng Công ước Montreux 1936 trong điều kiện thời chiến, các đồng minh NATO cũng không để cho nước này làm như vậy.

Thứ 3: NATO không để cho Thổ Nhĩ Kỳ lôi kéo vào một cuộc chiến tranh với Nga.

Thực lực quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ không bằng một phần của Nga, chắc chắn nước này sẽ không dám đơn độc đối đầu với Moscow mà phải dựa vào sự hậu thuẫn của NATO. Chiến tranh với một đối thủ hùng mạnh như Nga trong một cuộc chiến tranh thông thường cũng là điều mà cả khối này không mong muốn.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tình trạng chiến tranh chỉ để đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles thì sẽ không ai để Ankara làm vậy. Bởi hành động đó sẽ kéo NATO vào một cuộc chiến cực kỳ vô bổ và gây ra hậu quả thảm khốc.

Điều này là hiển nhiên. Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia nằm trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tổ chức này có trách nhiệm phải bảo vệ bất cứ thành viên nào nếu nước đó xảy ra chiến tranh với nước khác, theo quy định trong Điều 5 của Hiệp ước NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ không phải đối thủ của Nga, NATO cũng sẽ không là gì nếu thiếu Mỹ, nhưng Washington sẽ không dại dột đến nỗi đẩy sự việc đi quá xa, dẫn đến đối đầu quân sự với Nga, khiến cả 2 bên lâm vào tình trạng “lưỡng bại câu thương”.

Trong trường hợp bị “đánh hội đồng”, không sử dụng đến vũ khí hạt nhân chiến lược thì Moscow sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Và điều đó cũng đủ để các quốc gia NATO xung quanh, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Romania, Bulgaria hay nằm cạnh Kanilingrad như Đức, Latvia, Litva… táng đởm kinh hồn.

Do đó, NATO sẽ không để Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có thêm những hành động dại dột, khiêu khích Nga đến mức không thể nhịn được.

Bản đồ eo biển Bosphorus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ 4: Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển, buộc Nga phải hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải.

Hiện nay, Nga chỉ có căn cứ bảo đảm hải quân ở cảng Tartus của Syria, các tàu chiến nước này chỉ được phép vào cảng nếu có hoạt động sửa chữa hay tiếp liệu, còn bình thường, các chiến hạm của Hạm đội biển Đen phải “lang thang” trên Địa Trung Hải.

Đó cũng là nguồn cơn của việc Hạm đội biển Đen phải thường xuyên thay quân và buộc phải đi qua 2 eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu nước này tìm cách gây hấn ngăn chặn chiến hạm của Nga ra vào Địa Trung Hải, Moscow sẽ tìm kiếm một giải pháp lâu dài.

Thời gian qua, Nga cũng đã thấu hiểu việc con đường tiếp vận của mình có thể bị Mỹ-NATO gây sức ép, buộc các quốc gia thành viên cắt đứt bất cứ lúc nào. Sự việc hồi đầu tháng 9, Mỹ và NATO ép Bulgaria và Hy Lạp đóng cửa không phận, buộc máy bay vận tải Nga phải đi vòng qua Iran và Iraq, đã khiến Moscow phải có những tính toán xa hơn.

Rất có thể nếu Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus, Moscow sẽ thúc đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các căn cứ tác chiến hải quân ở Tartus và căn cứ không-hải quân hỗn hợp ở đảo Síp, ngay cạnh căn cứ không quân Anh Akrotiri, cũng nằm trên hòn đảo này và có thể là ở cả Ai Cập.

Khi đó, Nga có thể khôi phục tiểu hạm đội Địa Trung Hải như dưới thời Liên Xô, bao gồm đủ lực lượng tàu tác chiến và bảo đảm ở Địa Trung Hải, không phải lo lắng về đường đi lối lại như trước. Đầu năm nay, cả Síp và Syria đều đã đồng ý cho Moscow triển khai căn cứ quân sự ở đây.

Liệu Mỹ-NATO có nhốt được Nga trong Biển Đen?

Lúc này, Hạm đội Địa Trung Hải có thể cạnh tranh vị thế độc bá với Hạm đội 5, Hạm đội 6 của Mỹ; Hạm đội biển Đen có thể chuyên tâm đối phó với tàu chiến Mỹ-NATO trên vùng biển kín, giống như Hạm đội Caspian, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì bị kẹp giữa 2 hạm đội rất mạnh của Nga.

Đây là khả năng mà Mỹ-NATO và cả Thổ Nhĩ Kỳ đều rất không mong muốn. Nếu để mở eo biển này, phương Tây sẽ còn khả năng kìm chế Nga nhưng nếu đóng lại, khi Nga triển khai lực lượng tác chiến thường trực ở Địa Trung Hải, họ sẽ không còn lá bài nào để mặc cả với Nga.

Do đó, Mỹ và NATO sẽ không bao giờ để Ankara đẩy Moscow vào “bước đường cùng”, khiến Nga-NATO tái hiện tình trạng đối đầu vô cùng căng thẳng trên Địa Trung Hải như dưới thời Chiến tranh lạnh. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể đóng cửa các eo biển của mình đối với các chiến hạm Nga.

Tuy nhiên, trước sau gì Nga cũng sẽ mở căn cứ quân sự ở Địa Trung Hải để tránh tình trạng bị bao vây, cô lập trong biển Đen. Tuy nhiên, đây là việc không phải một sớm một chiều có thể làm được ngay, nên trong điều kiện khó khăn hiện nay, Moscow buộc phải ẩn nhẫn, chờ thời.

RELATED ARTICLES

Tin mới