Sunday, January 5, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThị trường chứng khoán TQ: Ai điều tiết, ai bị điều tiết?

Thị trường chứng khoán TQ: Ai điều tiết, ai bị điều tiết?

Những nỗ lực gần đây của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm cứu vãn thị trường chứng khoán đã thất bại sau cuộc khủng hoảng bất thường vào mùa hè năm nay. Trong khi các quan chức chủ chốt của thị trường chứng khoán Trung Quốc đang bị điều tra, thì câu hỏi lớn là liệu tham nhũng và các giao dịch nội gián trên thị trường sẽ thực sự biến mất hay không.

Một bức ảnh chụp biểu đồ chứng khoán vào tháng 6/2015 tại Trung Quốc. Những nỗ lực của CSRC nhằm tránh xa tham nhũng đã bị chính trị cản trở, bà Hà Thanh Liên cho hay. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Đầu tư chứng khoán Trung Quốc, và nguồn vốn trên thị trường này phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ với những người ở vị trí có quyền lực. Liệu chiến dịch chống tham những do lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và cấp phó Vương Kỳ Sơn phát động sẽ phá vỡ mối quan hệ giữa quyền lực và tiền tệ?

Các nhà điều tiết và những bên bị điều tiết

Các nhóm lợi ích – cá nhân, gia đình, và các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau – được hình thành xung quanh thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ngoại trừ các nhà đầu tư cổ phiếu, thì Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), các nhà môi giới, các công ty niêm yết, các phương tiện truyền thông khác nhau, và các nhà phân tích thị trường, tất cả đều đang móc ngoặc với nhau. Điều này dẫn đến các mối quan hệ cộng sinh và sự xung đột sâu sắc về lợi ích.

Ví dụ, từ năm 1996 đến tháng 3/2011, tổng cộng 58 cựu quan chức CSRC đã tham gia vào hoạt động quản lý quỹ và môi giới chứng khoán tại các vị trí cấp cao, ở cả cấp phó chủ tịch và các vị trí khác trong đội ngũ quản lý cấp cao, theo Tin tức Tài chính Quốc gia (National Financial News) cho hay.

Bài báo ngày 16/5 cho biết có một bí mật mở trong ngành này, rằng việc có mối quan hệ tốt với CSRC và các bộ phận liên quan gần như đồng nghĩa với sự thành công của một dự án. Khi các công ty niêm yết chọn một hãng môi giới, thì tiêu chí lựa chọn chủ yếu của họ là sức mạnh của mối quan hệ với CSRC. Hầu hết 10 công ty môi giới hàng đầu trong năm 2010 đều có cựu quản lý vừa rời khỏi CSRC.

Những vùng tranh tối tranh sáng

Các quan chức CSRC đang làm việc cho các công ty chứng khoán thường dễ tham gia vào các giao dịch nội gián. Do việc cố ý tạo ra những vùng tranh tối tranh sáng trong luật, các quan chức trong hệ thống CSRC thường tham gia vào các công ty môi giới, các công ty quản lý quỹ, và các quỹ đầu tư ủy thác sau khi làm việc cho CSRC một vài năm.

Vào năm 2000, CSRC đã ban hành một số hướng dẫn về nhân sự đối với các vị trí cấp cao, nhưng vẫn chưa đặt ra giới hạn xác định rõ mối quan hệ giữa các nhà điều tiết và những bên bị điều tiết. Thiếu sót này không phải do sự yếu kém của pháp luật; các quy định đều có các điều khoản chi tiết như các yêu cầu về trình độ của các giám đốc điều hành độc lập của các công ty niêm yết. Các nhà bình luận tại thời điểm này lưu ý rằng sự tương phản lớn giữa 2 điều này là khá thú vị.

Bộ quy tắc ứng xử về nhân sự (CSRC Staff Code of Conduct) được ban hành vào năm 2009 vẫn chưa có quy định đầy đủ về thời gian chờ trước khi một quan chức thuộc cơ quan điều tiết có thể gia nhập một công ty bị điều tiết.

Mối quan hệ “mèo vờn chuột” kiểu này đã khiến các giao dịch nội gián trở nên phổ biến trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, và hành vi này hiếm khi bị xử phạt.

Khó khăn trong việc giám sát

Gần đây, các cơ quan của ĐCSTQ đã bắt đầu dỡ bỏ hạn chế này đối với các quan chức của CSRC khi tham gia vào các công ty bị điều tiết.

Vào năm 2014, CSRC đã ban hành một quy định rằng bắt đầu từ năm 2015, các cán bộ rời khỏi CSRC phải tuân thủ quy định là ba năm sau họ mới được phép tham gia vào các công ty chứng khoán. Quy định mới này đã khiến cho nhiều cán bộ rời khỏi CSRC và tham gia vào các công ty chứng khoán sớm hơn dự kiến.

Quy định thời gian chờ đợi này là “học từ Mỹ.” Tuy nhiên, rất khó cho Trung Quốc để giải quyết tham nhũng ngay cả khi họ sao chép luật của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện việc phân chia quyền lực, nhưng ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc thống trị tất cả mọi thứ. Giao dịch nội gián và các giao dịch độc quyền theo kiểu “gia đình trị” là không thể tránh khỏi. Nếu Trung Quốc vẫn duy trì độc quyền độc đảng, thì mảnh đất nuôi dưỡng tham nhũng vẫn giữ nguyên, và như người Trung Quốc thường nói, nồi nào vung nấy..

Đây là bản dịch tóm tắt bài viết của tác giả Hà Thanh Liên đăng ngày 19/11, xuất bản trên Voice of America tiếng Trung. Bà Hà Thanh Liên là một nhà kinh tế và là tác giả nổi tiếng người Trung Quốc. Hiện nay  bà đang sinh sống tại Hoa Kỳ.  Bà là tác giả của cuốn sách “China’s Pitfalls” (Tạm dịch: “ Những cạm bẫy của Trung Quốc”), đề cập đến nạn tham nhũng trong cải cách kinh tế của Trung Quốc trong những năm 1990, và cuốn “The Fog of Censorship: Media Control in China” (Tạm dịch: “Bóng đen kiểm duyệt: Kiểm soát thông tin ở Trung Quốc”) , đề cập đến sự thao túng và hạn chế báo chí. Bà là tác giả của nhiều bài viết về các vấn đề kinh tế và xã hội hiện thời của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới