Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngVụ kiện biển Đông: Philippines tính giỏi, TQ ngắc ngứ

Vụ kiện biển Đông: Philippines tính giỏi, TQ ngắc ngứ

Là nước lớn, nếu TQ bất tuân thủ phán quyết họ sẽ chịu điểm trừ trầm trọng về hình ảnh quốc gia và sẽ bị công luận quốc tế lên án.

PV: – Thưa ông, phiên điều trần thứ 2 của Tòa án thường trực The Hague xét xử vụ Philippines kiên Trung Quốc về việc đã giải thích và áp dụng sai Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 đã kết thúc. Philippines khẳng định, họ tin tưởng sẽ thắng kiện. Họ cũng “hy vọng sẽ đảm bảo được một quyết định của tòa án trong khoảng 6 tháng tới đây”.

Ông đánh giá như thế nào về niềm tin của Phillipines? Ông dự báo, PCA sẽ đưa ra phán quyết thế nào và ông lạc quan đến đâu về một phán quyết có lợi cho Philippines? 

TS. Trần Công Trục: Từ ngày 24 đến 30/11, Tòa án trọng tài thường trực The Hague (PCA) đã mở phiên điều trần thứ 2 để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc tuyên bố độc chiếm Biển Đông, cho dù Trung Quốc không công nhận thẩm quyền của PCA bằng tuyên bố đầy thách thức : Trung Quốc “sẽ không bao giờ chấp nhận hoặc tham gia một vụ phân xử đơn phương do Philippines phát động”.

Phiên điều trần này đã kết thúc và đã diễn ra theo đúng thủ tục pháp lý và hoàn toàn thuộc thẩm quyền của PCA như đã được khẳng định trong Thông cáo báo chí của PCA đêm 29/10/2015, rằng: 

Cả Philippines và TQ đều đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nên “phải giải quyết các tranh chấp theo công ước này”.

Việc TQ không tham gia quá trình tố tụng không ảnh hưởng đến quyền xét xử của tòa, và quyết định đơn phương khởi kiện của Philippines không vi phạm thủ tục giải quyết tranh chấp theo UNCLOS.

PCA “có quyền phân xử” vụ kiện TQ của Philipppines, quốc gia đã gởi đơn kiện  lên PCA vào tháng 1.2013và đến tháng 3.2014, Philippines đã đệ trình hồ sơ pháp lý dày 4.000 trang để củng cố đơn kiện TQ, trong đó có các bằng chứng và bản đồ.

Theo đó, PCA sẽ xem xét 7 điểm trong vụ kiện TQ của Philippines:

1. Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham không có quyền hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

2. Các bãi Vành Khăn, Cỏ Mây và Xu Bi chỉ là những kết cấu nửa nổi nửa chìm, không có quyền hưởng quy chế về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

3. Bãi Ga Ven và Ken Nan (gồm Bãi  Hughes) là những thực thể nửa nổi nửa chìm, không được hưởng quy chế lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, song ranh giới của chúng khi mực nước ở mức thấp có thể được sử dụng để quyết định đường cơ sở.

4. Các bãi Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

5. Với hành vi can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá truyền thống quanh bãi cạn Scarborough, TQ đã ngăn cản trái phép ngư dân Philippines kiếm sống.

6. TQ vi phạm nghĩa vụ mà UNCLOS quy định về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại bãi và bãi Cỏ Mây.

7. Bằng việc cho phép tàu của lực lượng hành pháp thực hiện các hành vi nguy hiểm, gây nguy cơ đụng độ để cản trở các phương tiện của Philippines gần bãi cạn Scarborough,TQ vi phạm nghĩa vụ của họ theo quy định của UNCLOS.

Vì TQ không tham gia vụ kiện, dù đã được gửi thông báo nên, theo thủ tục tố tụng, Philippines sẽ trình bày luận điểm, tiếp đó biên bản trình bày này sẽ được PCA gửi đến TQ với đề nghị TQ đưa ra lập luận phản hồi trong một quãng thời gian nhất định.

Sau cuộc điều trần này, Philippines và TQ có thêm 4-5 tháng để nộp phần trả lời. Nhưng vì TQ tuyên bố không tham gia vụ kiện, PCA sẽ chủ yếu chỉ xem xét hồ sơ mà Philippines đã nộp hồi cuối tháng 3/2014.  

Quá trình xét xử của Tòa trọng tài theo thủ tục của UNCLOS thường mất 3-5 năm nếu cả hai bên đều tham gia. Tiến trình sẽ được rút ngằn đáng kể , vì TQ không tham gia. 

Với những diễn tiến nói trên cho thấy sự lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng của Philippines trong vụ kiện này là có căn cứ. Tôi hoàn toàn chia sẻ với niềm tin, lạc quan chính đáng này của các bạn Philippines. Hơn thế nữa, tôi cũng đặc biệt đặt niềm tin vào những trọng tài viên, những quan tòa đã được bình chọn tham gia xét xử vụ kiện lịch sử này đã và đang làm việc một cách công tâm, quả cảm và đầy tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng nhân loại, vì công lý và thượng tôn pháp luật. 

RELATED ARTICLES

Tin mới