Giới chuyên gia quân sự của Nga cho rằng, với tuyến đường sắt, quân đội TQ có thể đến các nước Trung Á chỉ trong chưa đầy ba giờ đồng hồ.
Khu vực trung tâm của dự án “con đường tơ lụa trên bộ” của TQ nằm ở Trung Á. Nhìn từ góc độ phát triển kinh tế giữa hai khu vực Á – Âu, chúng ta có thể nhìn ra kiểu “cao ở hai bên và thấp dần ở giữa”. Cả TQ và châu Âu đều có nền kinh tế phát triển, trong khi Trung Á lại là “vùng trũng”. Trung Á sở hữu lượng tài nguyên vô cùng phong phú, đa dạng, nhưng hạ tầng giao thông thì ngược lại, cùng với khí hậu rất khắc nghiệt.
Vì vậy, Bắc Kinh chọn Trung Á làm khu vực trung tâm để xây dựng các “nhánh vành đai kinh tế”, từ đó sớm hình thành bộ khung của “con đường tơ lụa trên bộ”. TQ hy vọng, thông qua việc hoàn thiện hệ thống giao thông tại đây có thể xây dựng mạng lưới kinh tế nối liền Bắc Kinh với khu vực xung quanh. Tuy nhiên, nước này sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Thứ nhất, các tập đoàn kinh tế của TQ ào ạt rót vốn đầu tư vào khu vực vốn dĩ có ảnh hưởng truyền thống của Nga, điều này khiến Moscow lo lắng, các nước nhỏ trong khu vực cảm thấy bất an.
Kế hoạch đường sắt kết nối TQ–Kyrgyzstan-Uzbekistan là một ví dụ. Tháng 4/2012, bản ghi nhớ về hợp tác giữa ba quốc gia được ký. Tháng 8 cùng năm, truyền thông Nga đăng tải loạt bài đánh giá việc hợp tác này là một thách thức và uy hiếp đối với an ninh của Nga.
Các nhà phân tích Nga cho rằng, việc chính phủ Kyrgyzstan thỏa thuận với TQ nhằm xây dựng tuyến đường sắt đã làm tổn hại nghiêm trọng đến vị thế chính trị của Nga tại khu vực. Điều khiến họ bất an là toàn bộ hệ thống đường sắt mới được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu chứ không phải Liên Xô cũ. Khi đó, dự án sẽ phá bỏ toàn bộ hệ thống giao thông của Liên Xô cũ đã tồn tại bao năm tại khu vực.
Các chuyên gia quân sự của Nga thì cho rằng, với tuyến đường sắt, quân đội TQ có thể đến các nước Trung Á này chỉ trong vòng chưa đầy ba giờ đồng hồ. Nhằm cô lập và hạn chế ảnh hưởng của TQ, cũng là nâng cao vị thế của Nga tại khu vực này, tháng 5/2013, Nga đề xuất xây dựng “Tuyến đường sắt nối Nga với Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan”.
Theo tính toán, tuyến đường sẽ đi qua bốn quốc gia này sau đó đến Afghanistan và xuyên qua Iran để đi đến các nước vùng vịnh Ba Tư. Dự án này được kỳ vọng sẽ thay đổi toàn bộ diện mạo kinh tế, giao thông và kết nối an ninh khu vực.
Thứ hai, thách thức an ninh khu vực. Việc Mỹ chính thức rút quân khỏi Afghanistan khiến tình hình xung đột của nước này liên tục leo thang. Vấn đề tỵ nạn, xung đột tôn giáo, chủ nghĩa hồi giao cực đoan và chủ nghĩa khủng bố đã ảnh hưởng rất nhiều đến an ninh tại đây. Mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc ở khu vực Trung Á chưa bao giờ hết nóng. Ngoài ra, Trung Á còn là nơi giao thoa và thường xuyên xung đột giữa nhiều tôn giáo, văn hóa và luồng tư tưởng khác nhau.
Thứ ba, Trung Á là hạt nhân của các “nhánh vành đai kinh tế” và “con đường tơ lụa” đi qua, nơi đan xen nhiều lợi ích, đồng thời là địa bàn tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường. Hiện nay cùng các “nhánh vành đai kinh tế” và “con đường tơ lụa” của TQ, Trung Á vẫn tồn tại hàng loạt các mô hình hợp tác kinh tế khác nhau. Mỹ đề xuất “kế hoạch con đường tơ lụa mới”; Nga đề xuất hình thành cộng đồng kinh tế Á – Âu; châu Âu thì đưa ra “chiến lược Trung Á mới”, v.v…
Từ những năm 1990, Mỹ đã ấp ủ xây dựng đường dẫn khí đốt từ Turkmenistan qua Afghanistan đến Pakistan và Ấn Độ, xong không thành. Năm 2011, Mỹ lại đề xuất “kế hoạch con đường tơ lụa mới” nối thế giới với Afghanistan. Mục tiêu là tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia láng giềng của Afghanistan, từ đó xúc tiến đầu tư thương mại, xuất khẩu năng lượng, và quan trọng nhất là khẳng định vị thế của Washington tại đây.
Tháng 6/2007, Liên minh EU thông qua “Chiến lược quan hệ đối tác mới với Trung Á”. Từ đó đến nay, EU đã tích cực đầu tư vào hạ tầng, kỹ thuật và thu được kết quả đáng kể tại khu vực này.
Có thể thấy, việc Bắc Kinh tiến hành mở rộng ảnh hưởng, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư thông qua xây dựng ồ ạt các “nhánh vành đai kinh tế” và “con đường tơ lụa trên bộ” đang gặp phải không ít vấn đề. Ngoài thách thức của sự phức tạp về sắc tộc, tôn giáo cũng như mâu thuẫn chính trị tại khu vực, “siêu dự án” sẽ còn đối mặt với hàng loạt thách thức từ các cường quốc như Nga, EU và Mỹ.
Thật khó để Nga chia sẻ ảnh hưởng với Bắc Kinh tại khu vực vốn dĩ được xem là sân sau của mình. Mỹ càng không thể nào khoanh tay đứng nhìn TQ “Tây tiến” một cách dễ dàng, EU cũng không ngoại lệ. Liệu Bắc Kinh làm cách nào hóa giải những thách thức trên, đồng thời lựa chọn những bước đi để “siêu dự án” thành hiện thực?