Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngCác rủi ro và giải pháp cho Châu Á trong xung...

Các rủi ro và giải pháp cho Châu Á trong xung đột với TQ (kỳ 1)

Diễn đàn Toàn cầu Boston là tập hợp một nhóm các học giả và chính khách Hoa Kỳ danh tiếng như GS Đại học Harvard (nguyên Thứ trưởng Quốc phòng) Joseph Nye, Nguyên Thống đốc bang Massachussetts Michael Dukakis (nguyên ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa)…

Vào tháng 10 năm 2015, Diễn đàn này công bố một báo cáo về các nguy cơ và giải pháp cho cuộc xung đột trên Biển Đông. Báo cáo này là kết quả của hàng loạt những cuộc hội thảo quốc tế về chủ đề này do nhóm này tổ chức, kêu gọi ý kiến đóng góp của nhiều học giả, nhà làm chính sách và nhà báo.

Dưới đây là toàn văn báo cáo.

Sự hiện diện của tàu Trung Quốc tên Biển đông. Ảnh minh họa.

Các nguy cơ

Tại Vườn Hồng ngày 25/9/2015, Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã cố gắng tìm ra bước tiến tích cực hơn trong quan hệ Mỹ – Trung. Nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bàn về khả năng hợp tác nhằm cải thiện quan hệ thương mại, tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm. Hai ông nhấn mạnh các lĩnh vực mà hai nước đã nhất trí hợp tác, bao gồm chống khủng bố, cải thiện môi trường, hỗ trợ nhân đạo và các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Những trao đổi như vậy có thể gọi là thành công, nhưng chúng không che giấu được sự căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ cùng đồng minh.

Tác động đến các đồng minh và đối tác của Mỹ

Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa các đồng minh và bạn bè của Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình đang chỉ đạo một cuộc quân sự hóa chưa từng có ở Biển Đông mà chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan cũng như các ASEAN có tuyên bố chủ quyền, bao gồm Philipines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Brunei.

Dựa trên đường vẽ của một nhà địa lý năm 1936, rồi bản đồ của chính quyền Quốc dân đảng năm 1947, Trung Quốc ngang nhiên dám tuyên bố chủ quyền đối với 90% Biển Đông, hay giới hạn đường chữ U. Bản đồ này bao trọn một số chuỗi đảo đang tranh chấp, trogn đó có quần đảo Hoàng Sa (thuộc tuyên bố chủ quyền Việt Nam), quần đảo Trường Sa (cũng thuộc tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, Phillippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan), Bãi Scarborough (thuộc tuyên bố chủ quyền của Philippines và Đài Loan), và quần đảo Natuna (thuộc tuyên bố chủ quyền của Indonesia).

Tuyên bố của Trung Quốc mâu thuẫn với luật pháp quốc tế hiện hành. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ban hành năm 1982 và được Trung Quốc phê chuẩn vào năm 1996, quy định các quốc gia ven biển được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ đường bờ biển của mình. Tiếp đến là 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), nghĩa là nước đó được độc quyền sử dụng EEZ cho các mục đích kinh tế, bao gồm cả đánh bắt và khai thác tài nguyên dưới biển. Nhưng người nước khác vẫn được tự do đi qua, và được ghi nhận là nguyên tắc tự do hàng hải (FON). Đường chữ U của Trung Quốc không chỉ vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Brunei mà còn đe dọa tự do hàng hải của tất cả các nước.

Các nỗ lực quân sự hòng khẳng định chủ quyền biển đảo của Trung Quốc trên Biển Đông đã kéo dài hơn 40 năm. Philippines và Việt Nam từ đó phải chịu đựng biết bao áp lực căng thẳng từ các hoạt động quân sự và thương mại đó trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Năm 1974, Trung Quốc tấn công các lực lượng Nam Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và đánh chìm một tàu Việt Nam, khiến 74 thủy thủ Việt Nam hy sinh, rồi tiến đến khẳng định quyền kiểm soát đối với phần phía Tây của quần đảo này. Năm 1987 Trung Quốc đánh đến Bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa và sau đó là Bãi Gạc Malaysia vào năm 1988, làm chết 64 thủy thủ Việt Nam. Trong trận chiến hải quân Việt – Trung xảy ra sau đó, Trung Quốc tiếp tục cướp đi sinh mạng của 70 thủy thủ Việt Nam. Mùa hè năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu khí trị giá cả tỷ đô la Mỹ – HD 981, vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dẫn đến sự phản đối quyết liệt của các tàu thuyền dân sự Việt Nam và nhiều sự cố va chạm tàu thuyền giữa Trung Quốc với Việt Nam. Năm 2015, Trung Quốc đã hoàn thành một đường băng có khả năng phục vụ các mục đích quân sự trên hòn đảo nhân tạo trên bãi Đá ngầm Chữ Thập. Các nhà phân tích quân sự Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) cho rằng khả năng đối đầu quân sự Việt Nam – Trung Quốc cần phải được xem xét và tính đến kế hoạch đề phòng bất ổn và có chiến lược giảm nhẹ.

Xung đột giữa Trung Quốc và Philippines bùng lên vào năm 1995, khi quân đội Trung Quốc chiếm Bãi Vành Khăn và bắt giữ thủy thủ đoàn đánh cá, Analita, làm con tin trong vòng một tuần. Năm 1996, tàu hải quân của hai bên tham gia vào một cuộc chiến kéo dài 90 phút, không có thương vong. Trung Quốc và Philippines đụng độ nhau một lần nữa vào năm 2012 trong sự kiện Scarborough, bế tắc kéo dài hai tháng ở Trường Sa Bắc, khu vực chỉ cách Manila 123 hải lý, và cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Năm 2014 tiếp tục diễn ra hai sự kiện khác, trong đó Philippines bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa, chĩa họng pháo nước bắn vào ngư dân Philippines ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Năm 2012, Trung Quốc bắt đầu sử dụng các tàu tuần tra dân sự để đi cùng với tàu thuyền đánh cá trong vùng biển của các nước khác. Kể từ đó, Cảnh sát biển của Trung Quốc liên tục tuần tra Biển Đông, quấy rối ngư dân Việt Nam và Philippines và can thiệp hoạt động thăm dò dầu khí của các nước khác, kể cả bằng việc cắt cáp thăm dò địa chất và sử dụng vòi rồng. Những nhiệm vụ tuần tra thường xuyên diễn ra tại khu vực tranh chấp. Tàu tuần tra Trung Quốc đã quấy rối ngư dân địa phương trong Cụm bãi cạn Luconia, nằm trong EEZ của Malaysia, và Bãi Cỏ Mây, trong EEZ của Philippines. Năm 2015, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm vào ba tàu đánh cá Philippines gần Scarborough.

Năm 2013, chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch tái cơ cấu và tập trung các cơ quan liên quan đến thực thi pháp luật hàng hải. Cục Quản lý Đại dương Nhà nước trực thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên, ra đời với việc hợp nhất các cơ quan Hải giảm, Biên hòng, Cơ quan Quản lý nghề cá, và Tổng cục Hải quan. Sự thay đổi này phản ánh vai trò ngày càng tăng của Cảnh sát biển như một thực thể riêng biệt với Hải quân PLA.

Trong khi đối với bên ngoài, việc sử dụng lực lượng cảnh sát biển do dân sự kiểm soát có vẻ để làm mờ đi ranh giới giữa việc thực thi pháp luật dân sự và quân sự, nhưng đối với Trung Quốc, sự phân biệt này là rõ ràng. Cảnh sát biển chỉ được triển khai trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, có nghĩa là lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, trong khi Hải quân chỉ hoạt động trong phạm vi mà Trung Quốc coi là vùng biển quốc tế.

Việc triển khai Cảnh sát biển ở Biển Đông là do Trung Quốc cho rằng khu vực này nằm trong phạm vi quyền tài phán quốc gia của mình. Hơn nữa, Trung Quốc có thể tin rằng bằng cách sử dụng một lực lượng mang tính dân sự hơn, thay vì quân sự, ở Biển Đông sẽ giúp ích cho trường hợp của mình và làm giảm sự chú ý bất lợi của quốc tế.

Tuy vậy, các quốc gia khác xem việc tuần tra của Trung Quốc là leo thang, chứ không phải là giảm nhẹ, các mối đe dọa trong khu vực Biển Đông. Phản ứng của họ không mang tính tích cực, và Philippines đã sử dụng ngoại giao nhân dân để tạo chú ý đối với hành vi của Trung Quốc. Ví dụ, sau khi Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công ngư dân Philippines gần Scarborough vào tháng 1/2014, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, Emmanuel Bautista, đã thảo luận vụ việc với báo chí quốc tế. Ông nói rằng: “Quân đội Philippines cố gắng tránh đối đầu với Trung Quốc nhưng sẽ phản ứng nếu Trung Quốc sử dụng bạo lực đối với ngư dân Philippines”.

( Còn tiếp )

RELATED ARTICLES

Tin mới