Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngCăn cứ tuần tra Biển Đông và quan hệ chiến lược Mỹ-Singapore

Căn cứ tuần tra Biển Đông và quan hệ chiến lược Mỹ-Singapore

Việc Singapore chấp thuận cho Mỹ sử dụng căn cứ để đưa máy bay tuần thám, săn ngầm P-8 Poseidon tuần tra Biển Đông là bước tiến lớn trong quan hệ quốc phòng 2 nước.

Ngày 7/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen thông báo việc Singapore chấp thuận cho Mỹ sử dụng căn cứ để đưa máy bay P-8 Poseidon tuần thám Biển Đông.

Thông báo về vụ việc nằm trong loạt thông tin về tăng cường quan hệ cũng như đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, an ninh mạng và an toàn sinh học giữa quân đội hai nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nhận định, vụ việc cho thấy Singapore nghiêng về phía Mỹ trong bối cảnh Washington đang nỗ lực để tăng cường hiện diện an ninh tại châu Á cũng như những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông.

Theo Straits Times, một số quan điểm cho rằng, việc triển khai P-8 Poseidon từ Singapore không làm thay đổi cục diện Biển Đông nhưng nó là sự phát triển vượt bậc trong mối quan hệ quốc phòng vững mạnh giữa Singapore và Mỹ.


Phi cơ tuần thám, săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Phi cơ tuần thám, săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Đầu tiên, việc Singapore cho Mỹ mượn căn cứ để triển khai P-8 Poseidon không phải một phần của thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường mà hai bên ký kết hôm 7/12.

Nó nằm trong phạm vi của Biên bản ghi nhớ năm 1990 và Hiệp định khung Chiến lược năm 2005 giữa hai quốc gia. Dưới khuôn khổ của các thỏa thuận, Mỹ đã triển khai tàu tác chiến ven bờ (LCS) ở Singapore từ năm 2013.

Chuyên gia nghiên cứu cấp cao William Choong của Viện nghiên cứu chiến lược Quốc tế nhận định, việc P-8 Poseidon tuần thám Biển Đông từ Singapore không phải động thái nhằm vào Trung Quốc mà chỉ thể hiện những tiến triển trong mối quan hệ Mỹ-Singapore.

Với việc triển khai các tàu chiến hạm gần bờ ở Singapore, Mỹ sẽ luôn có chỗ để triển khai các loại tàu chiến khác.

Tiếp theo, Singapore luôn khẳng định họ không phải một bên trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Tuy nhiên, quốc gia này có quyền đảm bảo tự do hàng hải và hàng không qua khu vực, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Biển Đông là nơi trung chuyển 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.

Giới chức Singapore luôn lặp đi lặp lại quan điểm trên. Tháng trước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đưa vấn đề này ra Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Ông Lý yêu cầu các bên phải tuân thủ nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, việc triển khai P-8 Poseidon phù hợp với kế hoạch dành 425 triệu USD của Mỹ để giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á tăng cường khả năng tuần tra hàng hải thông qua các cuộc tập trận chung cũng như việc mua sắm thiết bị.

Hợp tác song phương không phải đặc quyền dành cho Mỹ. Singapore cũng đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc.

Quan hệ quốc phòng giữa hai bên cũng đang tăng cường theo từng năm, trong đó chú trọng tới các kế hoạch tập trận chung và đối thoại giữa quân đội hai nước.

Trên thực tế, Singapore đang đi nước cờ khéo léo để trở nên gần gũi hơn với cả Trung Quốc và Mỹ, tránh làm mất cân bằng cán cân quyền lực cũng như gia tăng sự cạnh tranh trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới