Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngTQ lại tìm cách gây căng thẳng ở Biển Đông

TQ lại tìm cách gây căng thẳng ở Biển Đông

Tân Hoa xã vừa thông báo một tin khiến dư luận quan tâm khi cho biết, tính đến ngày 1-12-2015, Trung Quốc đã thành lập được 500 Học viện Khổng Tử và 1.000 lớp học Khổng Tử tại 134 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với số học viên lên tới 1,9 triệu người.

Và hội nghị Học viện Khổng Tử lần thứ 10 diễn ra tại Thượng Hải từ 6 đến 7-12 (được cho là) đã giúp Hiệu trưởng và đại diện của Học viện Khổng Tử đến từ 134 nước và vùng lãnh thổ có cơ hội giao lưu.

Bởi trong thời gian diễn ra hội nghị kể trên, ban tổ chức đã thiết lập nhiều hoạt động như Diễn đàn hiệu trưởng 18 trường đại học Trung Quốc và nước ngoài, Giám đốc các Học viện Khổng Tử… và  điều đáng nói là các cuộc hội thảo này lại bàn về “đường lưỡi bò”.

Tâm chấn về địa – chính trị

Giới chuyên môn cùng học giả đã và đang tìm giải pháp nhằm xây dựng lòng tin ở Biển Đông. Theo Giáo sư William Choong đến từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapore, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là mơ hồ và phi lý; do đó cần gây áp lực.

Thứ nhất, các nước ASEAN phải tiếp tục tuyên bố “đường lưỡi bò” và các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông gây phương hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực.

Thứ hai, có thể kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo và đây là hành động văn minh và phù hợp với xu hướng thời đại.

Thứ ba, các nước cần tăng cường hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Giáo sư William Choong còn cho rằng, thách thức lớn đối với ASEAN không chỉ đưa ra tuyên bố chung, mà quan trọng hơn là buộc Trung Quốc trao đổi về các vấn đề này.

Đồng thời coi chiến thuật của Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông là “tằm ăn dâu”, với những hành động và bước đi trong thời gian dài.

 

Học giả Michael Auslin từ Viện Doanh nghiệp Mỹ

Còn theo Giáo sư Mie Oba đến từ Đại học Khoa học tự nhiên Tokyo, điều quan trọng nhất đối với nền hòa bình, ổn định của Đông Á từ trước đến nay và đặc biệt làm biến đổi lớn đến môi trường quốc tế ở Đông Á chính là sự đối kháng của các nước xung quanh vấn đề chủ quyền biển đảo ở khu vực Biển Đông, nhất là Mỹ – Trung.

Do đó, các nước ASEAN và các tổ chức mà ASEAN đóng vai trò trung tâm cần tích cực đối thoại về vấn đề Biển Đông. Giáo sư Shin Kawashima đến từ Đại học Tokyo cảnh báo, đừng bao giờ hy vọng Trung Quốc sẽ ngừng quân sự hóa ở Biển Đông.

Việc Mỹ không đặt căn cứ quân sự ở Biển Đông là cơ hội thuận lợi để Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa và dự kiến trong 5-10 năm tới Bắc Kinh sẽ đạt tới mức độ không ai có thể ngăn chặn được.

Trong khi đó, Tiến sĩ Renato Cruz De Castro đến từ Khoa Quốc tế học, Đại học De La Salle, Philippines cho rằng, từ năm 2009 Trung Quốc đã chọn cách tiếp cận gây hấn trong việc theo đuổi yêu sách chủ quyền mở rộng của nước này ở Biển Đông.

Và khi các cường quốc tranh giành quyền lực ở Biển Đông, các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải lựa chọn giữa việc ngả theo siêu cường nào đó để duy trì nguyên trạng, hoặc để một cường quốc khu vực mới nổi thay đổi việc phân chia  lãnh thổ trên biển ở Đông Á.

Có một số học giả nhấn mạnh, còn “đường lưỡi bò” phi pháp, sẽ không có quốc gia nào tin vào tuyên bố của Bắc Kinh. Tuy nhiên, sự chia rẽ lợi ích và thiếu lòng tin chiến lược giữa các quốc gia khiến châu Á chưa có được các thỏa thuận, cơ chế hoặc cấu trúc an ninh tập thể hữu hiệu để đối phó với các thách thức đang nổi lên.

Điều quan trọng là ASEAN thiếu chiến lược xử lý tranh chấp tại Biển Đông.

 

Máy bay chiến đấu Su-35 Nga

Ai sẽ khai hỏa đầu tiên ở Biển Đông

Tạp chí Tiền Tiêu xuất bản tại Hongkong số tháng 12 cho biết, lâu nay Bộ Ngoại giao và Hải quân Trung Quốc vẫn mâu thuẫn trong cách xử lý tranh chấp tại Biển Đông.

Bộ Ngoại giao nhiều lần nhấn mạnh, trong các tình huống tàu chiến Trung Quốc chạm trán với tàu chiến Mỹ hay các nước khác, Hải quân Trung Quốc không được nổ súng trước. Nhưng Hải quân Trung Quốc không đồng ý với quan điểm này. Vì không dám công khai phản đối Bộ Ngoại giao, nên lãnh đạo hải quân yêu cầu cấp dưới phản bác.

Và những tranh cãi cùng mâu thuẫn giữa hải quân với Bộ Ngoại giao đang khiến Quân ủy Trung ương và Ủy ban An ninh quốc gia khó xử lý. Bởi quân sự hóa và theo đuổi yêu sách “đường lưỡi bò” vẫn là phương châm chỉ đạo nhất quán và thống nhất của Bắc Kinh, chỉ khác nhau ở cách thể hiện.

Ngày 5-12, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Nga Sergey Chemezov cho biết, Moskva và Bắc Kinh đã ký hợp đồng mua bán 24 chiến đấu cơ Su-35 (một nửa số lượng Su-35 đang trang bị cho Không quân Nga) với tổng trị giá hợp đồng khoảng 2 tỉ USD.

Và với Su-35, Bắc Kinh có thể tuần tra không bị gián đoạn đối với Biển Đông, nhất là khi sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Trung Quốc như J-20 và J-31 vẫn đang ở giai đoạn đầu.

Trước đó (4-12), tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, Quốc hội Mỹ rất quan tâm đến tình hình phát triển từ trước đến nay của Hải quân Trung Quốc, bởi hàng năm đều cho cơ quan nghiên cứu công bố báo cáo cập nhật tình hình về vấn đề này.

Và theo báo cáo mới nhất do chuyên viên về Hải quân Mỹ Ronald O’Rourke viết, cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng hải quân hiện đại và mạnh mang tính khu vực, nhưng sự tăng trưởng năng lực nhanh chóng của Bắc Kinh khiến cho năng lực hành động đã vượt ra ngoài vùng biển của họ.

Và thực lực hải quân đang được Trung Quốc tăng cường sẽ tạo ra mối đe dọa cho việc kiểm soát, cũng như sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên hải quân Mỹ phải đối mặt với thách thức như vậy kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay.

Bắc Kinh hy vọng năng lực quân sự của họ có thể tiến hành “ngăn chặn khu vực/chống can dự” mạnh, từ đó có thể ngăn chặn Mỹ can thiệp vào các cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan và khu vực biển gần Trung Quốc.

Nuốt cam kết

Ngày 3-12, Đài VOA đưa tin, một số nghị sĩ Mỹ đã chỉ trích Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thiếu chân thành, nuốt cam kết không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp tại Biển Đông.

Chủ tịch Tiểu ban Châu Á -Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Mỹ, nghị sĩ Matthew Salmon và nghị sĩ Steve Chabot đều cho rằng, Bắc Kinh đang nói một đằng, làm một nẻo, không giữ chữ tín. Nghị sĩ Gery Connelly cảnh báo, Mỹ phải sẵn sàng đối phó với những biến cố diễn ra tại Biển Đông do Trung Quốc cố tình tạo ra.

Cùng ngày 3-12, khi bình luận trên tờ Nikkei Asian Review, học giả Michael Auslin đến từ Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng, đã đến lúc Nhật Bản cần mở rộng vai trò đối với an ninh khu vực. Bởi sự thay đổi địa – chính trị ở châu Á đang bước vào thập niên thứ 3 và sự xuất hiện ổn định của Trung Quốc đã kéo theo sự sắp xếp lại các quan hệ kinh tế trong khu vực, trong đó Bắc Kinh là trung tâm.

Cũng trong ngày 3-12, Bộ Ngoại giao Malaysia cho rằng, hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo do Trung Quốc thực hiện trái phép ở Biển Đông là “bên ngoài các vùng biển của Malaysia”.

Đây là phản hồi chính thức của Bộ Ngoại giao Malaysia trước đề nghị của nghị sĩ Mohamed Azmin Ali khi yêu cầu chính phủ phải phản đối các hoạt động do Trung Quốc thực hiện đang vi phạm ranh giới chủ quyền của nước này.

Trong khi đó, tờ Khmer Times bình luận (3-12), việc Trung Quốc đang bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông giống như đang xây lâu đài cát, nhưng đó vẫn là mối đe dọa của nhiều quốc gia, trong đó có ASEAN và Mỹ.

Và Trung Quốc đang chà đạp lên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) khi Bắc Kinh đảo hoá với tổng diện tích khoảng 1.000ha, cùng 3 đường băng dài 3.000m và mọi việc vẫn chưa dừng lại chứng tỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh là bất biến.

Tờ Khmer Times còn cho rằng, cũng không nên đánh giá  thấp chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc, bởi trong khi chỉ huy quân sự Trung – Mỹ thường xuyên gặp nhau để tránh căng thẳng, đối đầu, Mỹ và đồng minh tìm cách ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn ra sức củng cố sự hiện diện lâu dài tại Biển Đông.

Học giả Michael Wesley, Giáo sư về các vấn đề quốc tế đến từ Đại học Quốc gia Australia ở Canberra khi nói với hãng Reuters đã cho rằng, Biển Đông là ví dụ điển hình về cách Trung Quốc nghĩ rằng, Bắc Kinh có thể thành công trong việc loại bỏ và thay thế Mỹ trong khu vực mà không phải mạo hiểm bởi xung đột và đối đầu với Washington.

Ngày 4-12, Tân Hoa xã trích dẫn tuyên bố phân chia sản phẩm dầu khí ở Biển Đông của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), công ty mẹ của CNOOC vừa ký hợp đồng phân chia sản phẩm khai thác dầu khí tại Lô 15/33 ở Biển Đông với Tập đoàn Năng lượng Husky của Canada.

Đây là động thái mới nhất trong các hành động leo thang gây căng thẳng ở Biển Đông thời gian qua. Bởi lô dầu khí này thuộc khu vực cửa khẩu Châu Giang ở Biển Đông và từng được CNOOC mời đấu thầu thăm dò khai thác từ năm 2014.

Được biết, CNOOC sẽ đầu tư khoảng 2,66 tỉ USD để thăm dò địa chất ở các vùng biển với ước tính có khoảng 140 giếng dầu. Trước đó (3-12), Tân Hoa xã cũng dẫn nguồn tin từ CNOOC cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn thành khoan thăm dò giếng dầu sâu gần 3.000m đầu tiên tại Lăng Thủy 18-1-1 ở Biển Đông.

Giếng này nằm cách tỉnh Hải Nam 90 hải lý về phía đông – đông nam. Trước đó, Cục Hải sự quốc gia Trung Quốc thông báo, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ tác nghiệp tại Lăng Thủy 18-1-1 từ 21-10 đến 20-11.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới