Sunday, December 29, 2024
Trang chủĐiểm tinỦy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc làm việc với...

Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc làm việc với phái đoàn TQ: ‘Đàn gảy tai trâu’

Vào ngày 18/11, Ủy ban Chống Tra tấn của Liên hiệp quốc đã mở một phiên điều trần về Trung Quốc. Qua thái độ của phái đoàn Trung Quốc, có thể thấy được nhiều điều về việc lạm dụng tra tấn của chính quyền nước này.

1 cảnh sát Trung Quốc bên ngoài Thiên An Môn (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Trưởng phái đoàn Trung Quốc – ông Ngô Hải Long, đã đệ trình một báo cáo. Sau đó các chuyên gia của Ủy ban Chống tra tấn đặt câu hỏi, và phái đoàn Trung Quốc trả lời. Báo cáo của ông Ngô tuyên bố rằng Trung Quốc đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc thúc đẩy nhân quyền, nhưng các chuyên gia lại không thấy thuyết phục.

Ví dụ, phái đoàn này cho rằng biệt giam là một công cụ quản lý chứ không phải biện pháp trừng phạt. Họ cũng tuyên bố rằng ghế thẩm vấn là một biện pháp bảo vệ và an ninh, để ngăn ngừa nghi phạm làm tổn thương chính mình.

Từ những câu trả lời của phái đoàn Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng ấn tượng rằng tra tấn là một thông lệ phổ biến ở Trung Quốc. Nó quá quen thuộc đến nỗi cái cách các quan chức phủ nhận thực ra lại là đang thừa nhận hành vi tra tấn trên diện rộng.

Các luật sư bị tra tấn

Theo các câu trả lời bằng văn bản trong tháng 10, 10.000 thẩm phán và 24.039 nhân viên kiểm sát đã được đào tạo về chống tra tấn từ năm 2012. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo này đã không ngăn chặn được việc sử dụng tra tấn.

Tra tấn được áp dụng bởi cảnh sát, kiểm sát viên, và thậm chí là tòa án. Theo hồi đáp của phái đoàn Trung Quốc, các luật sư mới là những kẻ duy nhất vi phạm pháp luật. Trong khi theo lẽ thường thì họ chỉ có thể là nạn nhân chứ không phải thủ phạm tra tấn.

Một trường hợp tra tấn điển hình đã xảy ra tại Kiến Tam Giang thuộc tỉnh Hắc Long Giang, vùng đông bắc xa xôi của Trung Quốc. Theo các câu trả lời bằng văn bản, các luật sư đã bị bắt giam vì “những hoạt động gây rối trật tự xã hội.” Tuy nhiên, phái đoàn Trung Quốc đã vô tình hay cố tình quên đề cập rằng “những hoạt động” này là để yêu cầu phóng thích các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ trái phép tại một trung tâm tẩy não. Trung tâm tẩy não còn được gọi là hắc lao – đã trở thành một mối lo ngại khác của ủy ban chống tra tấn.

Các học viên Pháp Luân Công tham gia vào một cuộc biểu diễn chống tra tấn tại Los Angeles kêu gọi người dân ký tên thỉnh nguyện chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, vào ngày 26/6/2004. Ở hình thức tra tấn này, đùi của học viên bị buộc chặt vào một tấm gỗ, trong khi cảnh sát liên tục nhét những viên gạch xuống dưới mắt cá chân của cô. Cuối cùng, áp lực sẽ làm gẫy xương của nữ học viên này.. (Ảnh: Clearwisdom.net)

Các học viên Pháp Luân Công tham gia vào một cuộc biểu diễn chống tra tấn tại Los Angeles kêu gọi người dân ký tên thỉnh nguyện chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, vào ngày 26/6/2004. Ở hình thức tra tấn này, đùi của học viên bị buộc chặt vào một tấm gỗ, trong khi cảnh sát liên tục nhét những viên gạch xuống dưới mắt cá chân của cô. Cuối cùng, áp lực sẽ làm gẫy xương của nữ học viên này.. (Ảnh: Clearwisdom.net)

Các câu trả lời cho biết không có luật sư nào bị tra tấn, nhưng theo một cuộc kiểm tra y tế, bốn luật sư bị bắt giam đã bị gãy tổng cộng 24 cái xương sườn.

Trong các câu trả lời của phái đoàn Trung Quốc về việc truy tố những người phạm tội tra tấn, có một điều khác thường. Theo đoàn đại biểu, “có nhiều vụ truy tố những người phạm tội tra tấn”, nhưng lại không có trường hợp nào nằm trong số các vụ án nổi bật, ví như vụ Kiến Tam Giang mà ủy ban đã chất vấn.

Định nghĩa khác nhau

Rõ ràng là phái đoàn Trung Quốc đã không coi việc luật sư bị gãy xương sườn là do tra tấn hay ngược đãi. Các đại biểu Trung Quốc giải thích rằng, định nghĩa về tra tấn ở Trung Quốc là khác với Công ước của Liên Hợp Quốc, do Trung Quốc có một nền văn hóa và ngôn ngữ khác.

Điều này rất đúng. Nền văn hóa này là văn hóa đảng được tạo ra sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949. Trong từ điển của ĐCSTQ, làm gãy xương sườn được gọi là “thực thi pháp luật”. Còn ở phần còn lại của thế giới, thì nó được gọi là tra tấn.

Trong hầu hết các trường hợp được ủy ban chỉ ra, đoàn đại biểu Trung Quốc đã thẳng thừng phủ nhận sự tồn tại của tra tấn, mặc dù việc này có thể được chứng minh dễ dàng.

Sau khi đọc các câu trả lời bằng văn bản, ủy ban thấy rằng phái đoàn Trung Quốc thậm chí không làm bất cứ một nghiên cứu, hay điều tra để đưa ra các câu trả lời. Hầu hết các câu trả lời của phái đoàn này đơn thuần là cắt dán các văn bản pháp luật và các quy định, hoặc là hoàn toàn phủ nhận rằng một số vụ việc đơn lẻ nào đó đã xảy ra. Phái đoàn Trung Quốc đã làm báo cáo này qua loa đến nỗi họ thậm chí không buồn kiểm tra lỗi trước khi đệ trình lên ủy ban.

Ví dụ, các câu trả lời bằng văn bản đã bác bỏ cáo buộc mổ cắp nội tạng bằng cách trích dẫn “Quy định về Cấy Ghép Nội Tạng Con Người.” Quy định này được ban hành một cách vội vàng vào năm 2007, rất có thể để đối phó đối với việc vạch trần nạn mổ cướp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công vào năm 2006. Làm sao một quy định được ban hành vào năm 2007 lại chứng minh được một tội ác bị phơi bày năm 2006 là không tồn tại?

Các câu trả lời bằng văn bản cũng tuyên bố rằng “song quy” – hình thức thẩm vấn mang tính ngược đãi dành cho các đảng viên ĐCSTQ bị nghi ngờ vi phạm các quy định của Đảng – là một phần của hệ thống pháp luật và kỷ luật Đảng ở Trung Quốc. Trên thực tế, song quy là hình thức kỷ luật Đảng, nhưng nó chắc chắn không nằm trong hệ thống pháp luật.

Văn hóa Đảng

Để hiểu rõ tình hình ở Trung Quốc và hành vi kỳ lạ của các quan chức nước này, chúng ta cần phải hiểu lịch sử của ĐCSTQ.

Tra tấn đã luôn là một phần của cách mạng và sự thống trị của ĐCSTQ. Vào năm 1930, khi Hồng quân vẫn còn bị bao vây ở Giang Tây, ông Mao Trạch Đông đã khởi xướng một chiến dịch thanh trừng nội bộ để thiết lập quyền lực tuyệt đối bên trong Hồng quân.

Mục tiêu thanh trừng của ông Mao là một tổ chức không tồn tại gọi là “tổ chức Chống Bôn-sê-víc”. Vì không có một tổ chức như vậy nên tất cả những lời thú tội đã được moi ra bằng biện pháp tra tấn. Chiến dịch này đã kéo dài vài tháng và 70.000 lính của Hồng quân đã bị giết. Nhiều người trong số họ đã bị tra tấn đến chết. Những người khác đã bị tàn sát.

Một thập kỷ sau, các phương pháp tra tấn tương tự đã được sử dụng trong Cuộc chỉnh phong Diên An. Phong trào này cũng được ông Mao khởi xướng nhằm loại bỏ ảnh hưởng của các phe phái khác trong Đảng và thiết lập quyền lực tuyệt đối của ông trong giới lãnh đạo ĐCSTQ. Một trong những nạn nhân, ông Vương Thực Vị, một nhà báo và nhà văn, bị buộc tội và bắt giữ một cách phi pháp vào thời điểm đó. Ông này đã bị hành quyết bằng một cái rìu, có lẽ là để tiết kiệm đạn.

Sau khi ĐCSTQ chiếm được Trung Quốc, tra tấn đã bành trướng ra cả nước, đi cùng với nhiều các chiến dịch chính trị, từ quét sạch địa chủ trong đầu những năm 1950 cho đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công hiện vẫn đang tiếp diễn. Một mục đích của các chiến dịch chính trị của ĐCSTQ là để tìm những người xấu xa nhất và sau đó tuyển mộ họ vào Đảng.

Họ trở thành thế hệ lãnh đạo tiếp theo và là thủ phạm của nhiều màn tra tấn hơn. Trong khi đó, các khái niệm và phương pháp tra tấn cũng được truyền lại cho những người mới được tuyển mộ.

Hầu hết mọi người tin rằng việc tra tấn và giết người trong suốt cuộc Cách mạng Văn hóa đã được thực hiện bởi Hồng vệ binh. Nhưng trên thực tế, Cục Công an hoặc đã đứng sau hầu hết các trường hợp, hoặc đã tự tay thực hiện việc tra tấn. Tất nhiên, Công an đã và đang là công cụ của ĐCSTQ. Công an, đặc biệt là lực lượng đặc nhiệm của nó, là nguồn phát sinh tra tấn lớn nhất ở Trung Quốc.

Hệ thống Công an được thành lập ngay sau khi ĐCSTQ chiếm đoạt Trung Quốc. Những nhân lực đầu tiên được thuyên chuyển trực tiếp từ quân đội – tổ chức thi hành thiết quân luật. Nhiệm vụ đầu tiên và duy nhất của Công an tại thời điểm đó là đàn áp thẳng tay những người phản cách mạng. Đó là thủ đoạn tra tấn đầu tiên sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền.

Sau đó, khi chức năng của Công an được mở rộng, chức năng đàn áp đã được duy trì trong một đơn vị riêng biệt trong Công an. Nó đã thay đổi tên vài lần nhưng vẫn luôn là cơ quan đầu tiên trong Công an. Ngoại trừ một khoảng thời gian rất ngắn trong cuộc Cách mạng Văn hóa thì bộ phận này của Công an luôn luôn phản ánh mặt bạo lực của ĐCSTQ.

Hiện cơ quan này được gọi là cục an ninh nội địa. Nó chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công, các thành viên nhà thờ, các luật sư nhân quyền, và bất cứ ai mà ĐCSTQ coi là kẻ thù.

Ngay từ đầu, những người làm việc trong hệ thống pháp lý chỉ biết đến loại ngôn ngữ của bạo lực. Nói cách khác, họ coi tra tấn là bình thường. Và phái đoàn Trung Quốc đại diện cho hệ thống này trước ủy ban Liên Hợp Quốc cũng vậy. Đó là lý do tại sao phái đoàn Trung Quốc và Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc không thể hiểu nhau. Thực sự không có sự ăn khớp giữa các câu hỏi và câu trả lời.

Thành ngữ “Đàn gảy tai trâu”, trong tiếng Trung có nghĩa là lãng phí thời gian, có lẽ là còn dễ dàng hơn so với việc các quan chức Trung Quốc trả lời thành thật các câu hỏi. Liệu đoàn đại biểu nước này có cảm thấy áy náy khi đưa ra các trả lời đó không? Chắc là không. Các thành viên của phái đoàn Trung Quốc chỉ đơn giản là sống trong thế giới riêng của họ, và sử dụng thứ lý luận và ngôn ngữ mà chỉ  chính họ mới có thể hiểu được.

RELATED ARTICLES

Tin mới