Đại nhảy vọt (1959 – 1961) là thời kỳ kinh hoàng trong lịch sử Trung Quốc. Đất nước này đã trải qua nạn đói khủng khiếp, thảm cảnh trùng điệp, len lỏi vào từng gia đình, thôn xóm, đói đến mức phải ăn cả thịt người thân của mình.
Con số người chết trong thời kỳ này dĩ nhiên là bí mật quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng thông qua số liệu điều tra nhân khẩu để thống kê thì có hơn 40 triệu người chết trong nạn đói Đại nhảy vọt.
Thời Đại nhảy vọt, xác người rải khắp các cánh đồng, không ít người đang đi trên đường đã ngã xuống mà mãi mãi không thể đứng lên được nữa.
Trẻ em Trung Quốc trong thời Đại nhảy vọt (Ảnh: Internet)
Người bị hại trong nạn đói ở Trung Quốc
Trong tác phẩm «Cố hương hàng» của nhà văn Trần Đăng Khoa (Chen Dengke) đã kể lại tình trạng ở huyện Phụng Dương năm 1960: “Nhà cửa xiêu vẹo, cây cối trơ trọi, cả nam và nữ ai nấy đều tay cầm cây gậy gỗ bước đi lảo đảo, đâu đâu cũng thấy người bị bệnh phù thũng. Khắp nơi toàn nghe tiếng rên rỉ, tiếng oán than, kể khổ…”
Một người lính ở An Huy kể: “Thời Đại mất mùa tôi còn học tiểu học, tháng 11/1959 trường tiểu học giải tán, đến mùa thu hoạch lúa mì năm sau khi đi học lại thì đã có một phần ba số bạn học bị chết.”
Một Bí thư Công xã ở An Huy viết thư cho Mao Trạch Đông: “Có thôn dường như không còn bóng người.” Nhà văn Bạch Dương đến thăm huyện Tức, khu Tín Dương, Hà Nam, đã tính được tổng cộng 639 thôn sạch bóng người, hơn 400 thôn ở huyện Cố Thủy cũng trong tình trạng tương tự.
Tình trạng “tuyệt hộ” (cả nhà chết đói) xuất hiện phổ biến đầu tiên ở các tỉnh An Huy, Cam Túc, Hà Nam, sau đó lại xuất hiện “tuyệt thôn” (cả thôn chết đói). Nhiều địa phương, đặc biệt ở Quảng Tây, người ta bắt đầu ăn thịt người, thậm chí giết con của mình để ăn.
Thời đó, từ thành thị đến nông thôn có vô số người bị bệnh phù thũng. Khắp nơi rất hiếm thấy được người nào có sắc mặt tươi tắn, “người mập” là loại động vật quý hiếm. Theo tài liệu thống kê của ĐCSTQ: Chỉ có 68% trẻ sinh năm 1959 còn sống được cho đến năm 1964.
Theo «Bảng Thống kê Nhân khẩu Trung Quốc 1949 – 1982», chỉ từ năm 1960 đến năm 1961 đã có hơn 40 triệu người chết đói.
Để chối bỏ trách nhiệm, ĐCSTQ đổ cho nguyên nhân do thiên tai. Nhưng vào tháng 1/1962, trước Đại hội 7000 người (Hội nghị Công tác Trung ương ĐCSTQ), ông Lưu Thiếu Kỳ phải thừa nhận là “ba phần thiên tai, bảy phần nhân họa.”
Vào năm 1962, ông Đặng Tiểu Bình nói: “Chúng ta đã hành động sai lầm.” Ông Hồ Tích Vĩ, cựu Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân nói: “Cảnh bi thảm thây chết ngập đồng, đất hoang ngàn dặm ở Trung Quốc hoàn toàn do Đảng của chúng ta gây ra.”
Thế nhưng đến tận ngày nay ĐCSTQ vẫn không thừa nhận trách nhiệm và phân tích nguyên nhân, ngược lại vẫn luôn tự hào rêu rao rằng mình “vĩ đại, quang vinh và đúng đắn.”