Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững toan tính không thành

Những toan tính không thành

 Putin và những nhà lãnh đạo Nga chắc chắn đã nhìn thấy nguy cơ bất ổn xã hội khi mức sống của người dân không được cải thiện nên đã có những dấu hiệu đổi thay.

Ngày 17/12, tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí thường niên trước khi chào đón năm mới 2016. Như thường lệ, người đứng đầu nước Nga vẫn thể hiện phong thái đĩnh đạc, điềm tĩnh tiếp nhận, sàng lọc, xử lý và phản hồi những thông tin cần đến sự khẳng định của Nhà nước Nga.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong khoảng ba giờ đồng hồ của cuộc họp báo liên quan đến nhiều sự kiện lớn nhỏ mà năm qua nước Nga phải đón nhận, hứng chịu và giải quyết. Có thể tập hợp nội dung cuộc đối thoại với báo chí của Tổng thống Putin, trong hai chủ đề lớn là nền kinh tế Nga vùng vẫy nhằm thoát ra khỏi những khó khăn do cấm vận và những vấn đề liên quan đến chiến lược hoạt động đối ngoại của Nga.

Dù nhà lãnh đạo Nga luôn tỏ ra lạc quan và đưa ra những câu trả lời có tính chất khẳng định, những chính sách là đúng đắn và bước đi là thích hợp, trong việc giải quyết tình hình trong nước và quốc tế có liên quan đến nước Nga, thì vẫn không thể che giấu được sự thật là nước Nga vẫn chưa tìm ra một lối thoát cho những bế tắc hiện nay.

Những toan tính không thành 

Trả lời báo chí, người đứng đầu Điện Kremlin luôn khẳng định sức mạnh của Nga và tính chất chính nghĩa của những hành động mà chính phủ Nga thực hiện trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế liên quan tới mình. Nhưng thực ra đó chỉ là những toan tính cho mục đích tối quan trọng là nhanh chóng đưa nước Nga thoát khỏi tình trạng bị cô lập bởi các siêu cường và giảm thiểu tác động của cấm vận mà phương Tây áp đặt trong thời gian qua.

Với những câu trả lời báo chí mà Tổng thống Putin đưa ra nhằm làm sáng tỏ quan điểm của ngước Nga về vai trò và vị thế của mình trong quan hệ đối ngoại, người ta có thể thấy rằng mục tiêu của Nga tại Syria là IS và giữ ghế cho Assad để cân bằng ảnh hưởng với phương Tây tại quốc gia này.

Tuy nhiên mục đích vẫn là “giữ vốn” để ‘làm giá” với Mỹ và phương Tây trong việc hợp tác chống khủng bố và qua đó có tác động tích cực đến ảnh hưởng của cấm vận.

Theo The Telegraph, mặc dù ông Putin vẫn khẳng định: “Lập trường của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi tin rằng chỉ có người dân Syria mới quyết định được ai sẽ là người đại diện cho chủ quyền của đất nước họ, và trong những điều kiện như vậy, chúng tôi ủng hộ các sáng kiến ​​của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này”

Nhưng rõ ràng Nga đã có những nhún nhường: “Tôi nhắc lại, đây là một sáng kiến ​​của Hoa Kỳ. Và điều đó cho thấy rằng Hoa Kỳ và Châu Âu ở cấp cao nhất quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Trung Đông, Syria, và Yemen”. Thật sự là như vậy khi Ngoại trưởng Nga đã chấp nhận đến Mỹ để bàn chuyện giải quyết vấn đề Syria.

Trong vấn đề “khủng hoảng 17 giây” với Thổ Nhĩ Kỳ, những lên án hay quy kết của Tổng thống Putin đối với Ankara và cá nhân Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đều là những tiểu tiềt nhỏ trong một toan tính lớn hơn là tác động đến NATO.

Tuy nhiên cho đến nay điều đó vẫn chưa hề đạt được và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đơn thương độc mã trong việc chấp nhận đòn trừng phạt về kinh tế của Nga. Có thể thấy rằng Nga đã đi quá xa và đã sập bẫy “việt vị” trong tình huống này. 

Tổng thống Putin vừa có cuộc tiếp kiến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Moscow ngay trước cuộc họp báo thường niên. Ảnh: Nydailynews.

Trong quan hệ song phương với Mỹ, có lẽ cầu nối quan trọng nhất lúc này là việc cùng hợp tác giải quyết vấn đề Syria và Ukraine. Nhưng xem ra Nga vẫn chưa thể đạt được những mong muốn và phải có những thái độ thể hiện sự xuống thang với Mỹ để có thể có tiếng nói chung.

Việc hỗ trợ lực lượng ly khai phía Đông Ukraine đã không còn được đặt lên bàn cờ chính trị để “làm giá” trong thương lượng những vấn đề khác, do Mỹ và NATO không còn tập trung vào Ukraine vì những gì họ cần ở Ukraine thì một là đã mất rồi, hai là không nắm được. 

Do đó việc ông Putin giải bày với báo chí: “Chúng tôi chưa bao giờ nói rằng không có người của chúng tôi thực hiện những nhiệm vụ nhất định, kể cả trong lĩnh vực quân sự, Nhưng điều đó không có nghĩa là có lực lượng thường xuyên của Nga ở đây”, đã không còn là vấn đề làm cho Mỹ phải chú ý và bận tâm.

Còn vấn đề Syria, có lẽ Assad phải ra đi trong danh dự thì Nga mới hy vọng có được cái bắt tay của Mỹ và từ đó có những bước tháo gỡ hay làm nhẹ đi những tác động nặng nề từ lệnh trừng phạt của phương Tây. Nghĩa là Nga phải có những nhượng bộ với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề này.

“Thật thú vị, ông Putin đã hòa giải bất thường với Hoa Kỳ, ca ngợi sáng kiến ​​của Mỹ để có được một nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Syria và ông ấy nói rằng Nga ‘đã sẵn sàng và muốn cải thiện mối quan hệ.’ Đối với một người đã từng cay đắng mô tả Mỹ như một kẻ bẽ cong luật pháp để thống trị thế giới thì đó là dấu hiệu tan băng trong mối quan hệ song phương”, The Telelgraph bình luận.

Rõ ràng, việc sử dụng những con bài cho những toan tính trong sách lược ngại giao thời “bĩ cực” đã chưa thể mang lại kết quả như mong muốn của nước Nga. Và Tổng thống Putin phải thức thời để nhanh chóng thoát ra khỏi những đám mây u ám đang kéo tới, ông đã hé lộ điều này thông qua buổi họp báo.

Nga vẫn còn bế tắc

Trong khi sách lược đối ngoại của Điện Kemlin chưa mang lại kết quả khả quan thì những khó khăn nội tại vẫn đang ngày càng nặng thêm.

Tổng thống Putin khẳng định nền kinh tế Nga đã khởi sắc, dần vượt qua khó khăn và ông cũng đưa ra một số thống kê để chứng minh cho nhận định ấy. Tuy nhiên, khi ông Putin nhìn vào sự sụt giảm giá dầu để lý giải cho cắt giảm ngân sách, người ta không khó nhận ra nước Nga đang bế tắc vì giá dầu vẫn đang giảm tiếp.

“Vào cuối năm 2014, chúng tôi đã phải tính toán lại những khoản chi cho ngân sách vì giá dầu đã giảm đi một nửa từ  100 USD đến 50 USD. Nhưng 50 USD cũng là quá lạc quan. Bây giờ nó là bao nhiêu, chỉ 38 USD”, The Telegraph dẫn lời ông Putin nói tại cuộc họp báo.

Nước Nga đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế dài nhất kể từ khi ông Putin lên nắm quyền cách đây 15 năm, buộc chính phủ phải có một loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng có khả năng gây bất mãn trong xã hội, nhưng không thể không thực hiện cân bằng ngân sách. Chính Putin cũng cảnh báo rằng, có thể Nga còn phải “điều chỉnh hơn nữa” để đảm bảo cân bằng ngân sách, trừ khi giá dầu hồi phục.

Giá dầu thế giới có xu hướng tiếp tục suy giảm càng làm tăng thêm khó khăn cho nền kinh tế Nga, ảnh: Arabi Press.

Tuy nhiên, vấn đề quan hệ kinh tế quốc tế trong những lĩnh vực thoát cấm vận Nga cũng bế tắc không kém, mà một phần là do những tính toán chưa mang lại kết quả hoặc có sự sai lầm khi áp đặt. Tổng thống Putin đã không trả lời được câu hỏi khi nào du khách Nga có thể trở lại du lịch Ai Cập, còn với Thổ Nhĩ Kỳ thì ông cho rằng đó là một nước chống Nga.

Khi bang giao quốc tế bị hạn chế và thu hẹp, nguồn thu nội địa giảm dẫn đến những chính sách an sinh xã hội cũng không thể được đáp ứng. Ông Putin đã lung túng trước một câu hỏi về chủ đề đặc biệt nhạy cảm là việc nâng tuổi về hưu. Ông Putin dường như báo hiệu rằng Kremlin đang cố gắng để vượt qua bão và không thể tránh khỏi của sự bất mãn công chúng.

Rõ ràng, nền kinh tế Nga đang cố gắng vùng vẫy để có thể thoát ra khỏi những khó khăn do hệ lụy từ cấm vận và giá dầu thô giảm. Song những toan tính của Nga nhằm tạo thế cho mình trong các mối quan hệ quốc tế thông qua những hành động được xem là vội vàng và có phần thái quá, vượt quá mức cần thiết.

Sự thể hiện của người đứng đầu nhà nước Nga qua cuộc họp báo chỉ là một sự lạc quan và bảo vệ quan điểm của mình. Thực tế thì những khó khăn, bế tắc của nước Nga vẫn còn đó, thậm chí sẽ trầm trọng hơn nếu khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới diễn ra chậm chạp. 

Tổng thống Putin và những nhà lãnh đạo Nga chắc chắn đã nhìn thấy nguy cơ bất ổn xã hội khi mức sống của người dân không được cải thiện nên đã có những dấu hiệu đổi thay, và cuộc họp báo cuối năm của ông Putin có thể là sự bắt đầu cho những đổi thay ấy. 

RELATED ARTICLES

Tin mới