ATTP được 3 Bộ cùng quản lý những mỗi người mỗi khúc trong khi luật xử chưa nghiêm thì chưa thể chấm dứt được tình trạng mất ATTP hiện nay.
Cần quản lý theo chuỗi thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn.
Đó là nhận định của ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn “An toàn thực phẩm- Trách nhiệm của toàn xã hội” do Liên hiệp các Hội khoa học – kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 17/12.
Các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý, thực thi, các nhà hoạch định chính sách hiện nay chưa có một giải pháp đồng bộ để kiểm soát tình hình phức tạp của ATTP hiện nay “từ trang trại tới bàn ăn”.
Ông Hùng kiến nghị: “Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cần đẩy mạnh việc xây dựng và áp dụng rộng rãi mô hình khép kín theo chuỗi thực phẩm an toàn, từ sản xuất, chế biến đến cung ứng sản phẩm. Ngay từ khâu sản xuất, tư khâu đất canh tác, cung cấp giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc BVTV, thuốc thú y… Tiếp là vận chuyển, bảo quản, chế biến, đóng gói để chuyển đến tay người tiêu dùng”.
Đưa ra giải pháp cụ thể hơn trong việc thực hiện giám sát, quản lý vấn đề ATTP của Việt Nam hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Kim Vân, Hội KHKT Bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng cần lập ra một cơ quan riêng biệt.
“Muốn quản lý ATTP theo chuỗi thì đó là Nhà nước phải có một cơ quan, một bộ phận tách riêng hoàn toàn độc lập với các Bộ hiện nay đang quản lý để bao quát toàn diện mọi vấn đề, quy trình và xử lý”, PGS.TS. Nguyễn Kim Vân nhận định.
“ATTP hiện nay còn chịu quản lý bởi 3 Bộ: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công thương.
Mỗi Bộ này chịu quản lý mỗi khúc của quá trình. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lo khâu sản xuất ra sản phẩm, Bộ Công thương lo vấn đề xuất, nhập khẩu, Bộ Y tế lo khâu cuối cùng là sức khỏe con người. Các Bộ đều đưa ra nhiều thông tư, quy định nhưng không ăn nhập với nhau, kết hợp ý kiến với nhau được”, PGS.TS. Nguyễn Kim Vân lý giải.
Theo đại diện Hội KHKT Bảo vệ thực vật Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những biện pháp nằm trong hệ thống phòng trừ dịch hại tổng hợp tích cực nhất, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng hiện nay, thuốc BVTV đang tăng quá nhanh, rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Đặc biệt là hàng giả, hàng lậu tràn lan, vi phạm trong sản xuất, buôn bán thuốc BVTV ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp cùng việc lạm dụng thuốc gây nên tình trạng mất ổn định của công tác quản lý ở VN có liên quan đến vấn đề ATTP và bảo vệ môi trường.
“Theo tôi, chúng ta đang quản lý ATTP chưa đúng đường, chưa đúng hướng và chưa toàn diện”, PGS.TS. Vân nhấn mạnh.
Kẽ hở giữa quản lý 3 Bộ làm tình trạng mất vệ sinh ATTP ngày càng phức tạp. |
Đồng tình với việc cần phải tăng cường giám sát quản lý ATTP, TS. Trần Hữu Thăng, Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội Y học Việt Nam lại nhấn mạnh tới nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lực của Hội Y học các địa phương. Việc các Hội Y học tại địa phương được nâng cao vai trò thực hiện đồng thời các hoạt động tuyên truyền, nghiên cứu, giám sát.
“Các Hội y học địa phương tập hợp lực lượng sinh viên được đào tạo ngành y, bác sỹ chưa có việc làm, nhiều thầy thuốc về hưu, lực lượng công an, bộ đội… có kiến thức, gần dân, là cánh tay nối dài từ các cơ quan quản lý Bộ Y tế tới người dân và được người dân tin tưởng”, ông Thăng cho hay.
Ông Nguyễn Nguyên Cương, Giám đốc Trung tâm giáo dục và truyền thông môi trường Ceace cho rằng cần phải trao quyền cho lãnh đạo các phường, xã để quản lý ATTP hiện nay.
“Chúng ta có hàng nghìn xã, phường, cũng tương đương với hàng nghìn người lãnh đạo có vai trò giám sát, thi hành và kiểm tra. Nên để người giữ vai trò là Phó Chủ tịch HĐND xã, phường đảm nhận chức vụ này”, ông Cương kiến nghị.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng cần phải có sự sát sao hơn nữa của Luật pháp và tăng nặng các hình thức xử phạt.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng thể hiện bức xúc về việc pháp luật về ATTP hiện nay chưa nghiêm trong việc đưa ra các chế tài xử phạt mạnh mẽ, chưa mang tính răn đe.
Luật có rồi nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung, chỉnh sửa lại những thứ không phù hợp với thực tiễn. Các văn bản dưới luật cũng cần có sự thay đổi sao cho phù hợp, đồng nhất. Đồng thời, các biện pháp xử phạt của chúng ta cần phải mạnh tay hơn. Nếu các vi phạm chỉ vì lợi ích kinh tế thì chúng ta đánh mạnh vào các lợi ích kinh tế.
Đặc biệt, Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội Bùi Thị An phát biểu: “Có tình trạng “ăn dây”, “làm tiền” trong việc các chất cấm, buôn lậu thuốc BVTV, bảo quản thực vật, tình trạng thực phẩm bẩn thối hay dung tay cho các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông. Khi bị phát hiện còn gây khó dễ cho cơ quan xử lý”.
Mâu thuẫn giữa các Bộ, ban ngành trong xử lý các vấn đề phức tạp liên quan tới vi phạm ATTP vẫn còn tiếp diễn và “Tôi xin nhắc lại ‘Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn'”, Đại biểu Bùi Thị An khẳng định.
Cũng trong buổi Diễn đàn, bà Đỗ Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ cho rằng đã tới lúc cấp thiết phát triển hơn nữa các công tác truyền thông, chương trình hành động của các Hội khoa học thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam để tăng cường truyền thông, phản ánh chính xác tình trạng vi phạm nghiêm trọng ATTP hiện nay.