Theo BBC, hôm qua (19/12), Trung Quốc cáo buộc Mỹ đã “khiêu khích quân sự nghiêm trọng” sau khi những máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay gần một trong những đảo thuộc quần đảo Trường Sa vốn đang có tranh chấp tại biển Đông.
Hình chụp vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Facebook)
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc Mỹ cố tình gây gia tăng căng thẳng trong khu vực bằng việc cho phi cơ B-52 bay trên vùng quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, hôm 10/12.
Trung Quốc nói rằng hành động đó của Mỹ tạo ra điều họ gọi là “tình thế quân sự hoá” giữa hai nước.
Bộ này cho biết quân đội Trung Quốc đã được đặt trong tình trạng “báo động cao” vào thời điểm diễn ra sự cố, và đã cảnh báo phi cơ Mỹ rời đi.
Trung Quốc thúc giục Mỹ có các biện pháp ngăn ngừa những sự cố tương tự xảy ra.
Tuy nhiên tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin rằng một trong hai chiếc phi cơ B-52 hôm 10/12 đã vô ý bay vào phạm vi khoảng 2 hải lý cách rạn san hô Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa, có thể là do thời tiết xấu.
Lầu Năm Góc cho biết họ đang xem xét phản ứng này từ phía Trung Quốc.
Căng thẳng Mỹ-Trung về biển Đông
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc tố cáo Mỹ trong chuỗi căng thẳng giữa hai nước về vấn đề biển Đông.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố nhận chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông và hiện đang có tranh chấp với một loạt các nước láng giềng.
Tuy phía Mỹ luôn tuyên bố giữ lập trường không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền này nhưng kiên quyết bảo vệ tự do hàng hải: quyền cho phép máy bay, tàu bè của họ qua lại các vùng biển mà luật quốc tế cho phép.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Bill Urban, phát biểu rằng các chuyến bay B-52 mới đây không phải là nhằm thực hiện chính sách tự do hàng hải này. Các nhà phân tích gợi ý có đó thể là một lỗi của phi công.
Khác với hồi tháng 11, khi đó Mỹ chủ động điều phi cơ B-52 Mỹ bay gần quần đảo Trường Sa. Mỹ nói phi vụ này là “hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế“.
Cũng tương tự, hồi tháng 10, Trung Quốc cũng to tiếng chỉ trích Mỹ sau khi một tàu khu trục Mỹ đã tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá ngầm Subi.
Mỹ nói rằng chiếc chiến hạm USS Lassen có tên lửa đạn đạo đang thực hiện quyền tự do hàng hải của mình, và không công nhận tuyên bố chủ quyền 12 hải lý quanh một bãi cạn ngập nước, như Subi, của Trung Quốc vì nó trái luật quốc tế.
Trung Quốc gọi đó là một việc làm “vô trách nhiệm” và cáo buộc Mỹ vi phạm chủ quyền và khiêu khích.
Mới đây, Trung Quốc đã triệu phái viên ngoại giao Mỹ để bày tỏ sự không hài lòng về thương vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.