Vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam có lấy ý kiến rộng rãi về bản Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng này trình Đại hội 12, được dự kiến tổ chức vào đầu năm 2016.
Một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế từ Hà Nội đã dành cho BBC một cuộc trao đổi trong đó ông chia sẻ một số ý kiến về bản Dự thảo này.
Trước hết, Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nguyên Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Trung, đưa ra dự đoán nhanh về mặt ‘nhân sự’ lãnh đạo cao cấp mà Đảng Cộng sản đang chuẩn bị cho Đại hội 12 và phân tích khả năng ‘tác động’ vào nhân sự Đại hội bởi chuyến thăm Việt Nam diễn ra hôm 05-06/11 của Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình.
Vũ Cao Phan: Tôi không dám sử dụng từ dự báo. Nhưng tôi đã từng “đoán mò” và vẫn phải thòng thêm câu “cần chờ đến phút 89”.
Thực ra, vào thời điểm tôi nói đến “ hai nhân vật phía Nam” thì tình hình lúc đó là như vậy. Nhưng rồi Trung ương họp, và xuất hiện “trường hợp đặc biệt”, mọi việc đã có vẻ khác đi, có vẻ thôi.
Đã có những kiến nghị rằng để có thể tiến thêm một bước về phía dân chủ, Đại hội 12 nên có số nhiều ứng viên cho chức danh Tổng Bí thư và chức danh này cần được các đại biểu bầu trực tiếp. Tôi tán thành, quá tốt nếu làm như vậyTS. Vũ Cao Phan
Tôi nghĩ thế này ai trở thành “Tổng Bí thư” cũng được, miễn là người làm được việc, tránh tình trạng như có lần Đảng bầu được Tổng Bí thư nhưng vị này suốt thời gian tại vị không để lại dấu ấn gì, dù chỉ là một câu nói (ở đây, tôi muốn đề cập dưới góc độ tích cực.)
Nhân đây, tôi đồng ý với ý kiến là cần tập trung quyền lực vào trong tay một vị lãnh đạo cao nhất, nó sẽ giúp được nhiều việc. Tuy nhiên Việt Nam không theo chế độ tổng thống hay dân chủ đại nghị, Việt Nam là chế độ lãnh đạo tập thể.
Nhưng vẫn rất nên làm theo các nước có cùng chế độ lãnh đạo tập thể như Lào, Trung Quốc (kết hợp hai trong một) hay thậm chí Cuba (ba trong một). Thời ông Lê Khả Phiêu đã muốn làm như thế và sau này Đảng cũng có thảo luận nhưng vẫn chưa thực hiện. Có nhiều nguyên nhân.
Nên bầu trực tiếp?
Trở lại với câu hỏi ‘dự đoán’ của BBC, tôi muốn nói thêm ngoài lề một chút. Đã có những kiến nghị rằng để có thể tiến thêm một bước về phía dân chủ, Đại hội 12 nên có số nhiều ứng viên cho chức danh Tổng Bí thư và chức danh này cần được các đại biểu bầu trực tiếp.
Tôi tán thành, quá tốt nếu làm như vậy. Cũng không phải là vấn đề mới, từng đã có chủ trương ở một hai kỳ đại hội trước nhưng chưa thành.
Image copyright Reuters Kham Image caption Ông Tập Cận Bình đã ngỏ lời mời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc ‘vào thời điểm thích hợp’.
Và các ứng viên cũng nên đưa ra cương lĩnh tranh cử. Dám làm, dám dấn thân, dám chịu trách nhiệm, đừng đùn đẩy cho người khác đề cử mình. Về mặt này, tôi đánh giá cao sự sẵn sàng của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Còn phần hai của câu hỏi, liên quan khả năng tác động của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, tôi xin khẳng định rằng, nước ngoài có muốn (họ có thể muốn) nhưng đâu có dễ gây áp lực?
Song đề cập đến chuyến thăm của ông Tập Cận Bình thì tôi có một ngạc nhiên nho nhỏ: ông Tập chẳng cần rườm rà thay mặt người tương nhiệm Lý Khắc Cường mà đích thân hoan nghênh ông Dũng qua thăm Trung Quốc. Không rõ công luận và các giới thấy thế nào?
Dấu hỏi chính danh?
BBC: Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 12, vẫn có một số ý kiến đặt dấu hỏi về tính chính danh của Đảng này, thậm chí có ý kiến nói Đảng tự ‘nhận lĩnh mọi công lao’ và khi đã có quyền lực rồi thì ‘không chịu nhả ra’, ý kiến của ông?
Nước ngoài có muốn (họ có thể muốn) nhưng đâu có dễ gây áp lực?TS. Vũ Cao Phan
Vũ Cao Phan: Trước hết, tôi xin mở rộng vấn đề một chút. Dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (CMT8) vừa rồi, BBC có làm một việc rất hay và cần thiết là mời độc giả viết về cuộc cách mạng này. Tiếc rằng chưa có được sự hưởng ứng rộng rãi. Và theo tôi, có một số đánh giá và cách nhìn cần có sự thảo luận thêm.
Thứ nhất, tại sao lại đưa sự phân biệt giữa cách mạng và khởi nghĩa để cho rằng, đó (CMT8) chỉ là một cuộc khởi nghĩa? Gọi thế nào cũng đúng và hơn nữa, có thể coi cách mạng là mục đích và khởi nghĩa là phương tiện.
Thứ hai, tại sao lại có sự phân biệt giữa tiến hóa và cách mạng? Xin hãy đọc lại G.W.Hegel. Ở đây ta lại thấy, đến lượt mình, tiến hóa là mục đích và cách mạng là phương tiện. Nó cũng là một quá trình giữa tiệm tiến và bột phát, và cách mạng là cần thiết để đẩy nhanh quá trình tiến hóa. Cách mạng cũng đâu có đồng nghĩa với bạo lực, chúng ta chẳng đang chứng kiến trào lưu các cuộc cách mạng với ‘hương vườn gió nội’ đấy thôi?
Thứ ba, có đúng là vua Bảo Đại (trong dịp Nhật đảo chính Pháp, tháng 3/1945) hay ông Trần Trọng Kim (ngay sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh) là những người đầu tiên giành lại nền độc lập cho đất nước không?
Tôi bác bỏ. Bằng chứng đây: trong cuộc trả lời phỏng vấn cuối cùng của mình (được thực hiện bởi F.Mitterand), vua thừa nhận mình không làm được việc ấy, vì “tôi không đủ phương tiện để giành độc lập từ tay người Pháp”. Phương tiện ấy (lực lượng, sự ủng hộ của dân chúng và quốc tê) nằm trong tay chính phủ của ông Hồ Chí Minh, vua thừa nhận.
Image copyright Hoang Dinh Nam AFP Image caption 70 năm đã qua kể từ cuộc Cách mạng Tháng 8 giành chính quyền của mình, nhưng Đảng Cộng sản dường như đang bị ‘thách thức’ trước câu hỏi về tính chính danh.
Còn ông Trần Trọng Kim, thì đã từng tuyên bố: “Tôi muốn tận dụng cơ hội, nhưng thực chất là không có gì trong tay…” Điều có thể ghi nhận, họ – vua Bảo Đại và ông Trần Trọng Kim – cũng là những người có tinh thần yêu nước dù những ‘tuyên bố độc lập’ mà họ đưa ra vào thời điểm đã nêu trên chỉ mang tính hình thức.
Thừa nhận ‘lúng túng’
Nói như vậy là để khẳng định cuộc Cách mạng tháng 8/1945 là do sự lãnh đạo của những người cộng sản (đảng cộng sản) với lực lượng đã được chuẩn bị của mình, và sự thành công của nó đã đem đến nền độc lập nước nhà. Những dấu mốc 21/7/1954 và 30/4/1975 sau này chỉ là sự tiếp nối mục đích của cuộc cách mạng ấy, vẫn dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Người ta có thể có ý kiến khác nhưng tôi là nhà nghiên cứu lịch sử và đó là những điều tôi khẳng định.
Nhưng phải thừa nhận rằng, đảng cộng sản đã lúng túng khi bắt tay vào tái thiết đất nước. Trầy trật mãi mới có được lối ra là công cuộc Đổi Mới.
Nhưng công cuộc Đổi Mới này, chỉ mới được kêu gọi là “đổi mới tư duy” tại Đại hội 6 của Đảng. Nếu không có sự sụp đổ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa- chúng ta mất chỗ dựa- thì chắc chắn sẽ không có được thành tựu đổi mới như đã chứng kiến- cần phải thẳng thắn nhận định như vậy.
Nhưng phải thừa nhận rằng, đảng cộng sản đã lúng túng khi bắt tay vào tái thiết đất nước. Trầy trật mãi mới có được lối ra là công cuộc Đổi Mới.TS. Vũ Cao Phan
Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Đảng đã nhận định năm 1992 sẽ là một năm đầy khó khăn thử thách nhưng thực tế đã không phải như vậy. Tôi nhắc lại điều này là để thấy chính những yếu tố khách quan đã là tác nhân quan trọng nếu không muốn nói là quyết định trong công cuộc Đổi Mới; nó kêu gọi, nó bắt buộc chúng ta phải dấn thân hội nhập, và thành công.
Ở thời điểm này cũng vậy, khi các động lực thúc đẩy đổi mới dường như đang cạn dần thì chính các chế tài từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chúng ta tham gia thành lập đòi hỏi một sự quyết liệt hơn nữa, dấn thân hơn nữa.
Vẫn còn ‘rụt rè’
BBC: Đảng CSVN tiến hành ‘lấy ý kiến các giới’ về Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội 12 dự kiến nhóm họp đầu năm sau, là một công dân, ông có ý kiến, nhận xét hay đóng góp gì?
Vũ Cao Phan: Không chỉ là một công dân, tôi vẫn giữ thẻ đảng, và là một đảng viên tốt như tôi tự đánh giá. Tất nhiên là tôi muốn góp một số ý kiến, nhưng không có diễn đàn. Cuộc phỏng của bản đài có lẽ sẽ cho tôi cơ hội ấy chăng?
Thời gian gần đây, cặp từ “cải cách thể chế” đã được nhắc đến một cách đột xuất nhưng lại rụt rè khi gói lại là “thể chế kinh tế”. Thôi thì gọi vậy cũng được, nhưng nếu hiểu kinh tế gắn liền với chính trị, kinh tế quyết định chính trị, kinh tế là chính trị thì có lẽ sẽ bớt đi sự rụt rè.
Image copyright AFP Image caption Việt Nam vừa hoàn tất đàm phán kỹ thuật về gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP với các đối tác.
Tại mục 2, phần “I. Đánh giá tổng quát…”, Dự thảo Báo cáo Chính trị viết: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế, năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ”. Thế là rõ.
Vấn đề “đổi mới chính trị chưa đồng bộ (hoặc chưa theo kịp) với đổi mới kinh tế” đã được nêu ra lần đầu cách đây 10 năm, tại Đại hôi 9 và vẫn liên tục được đề cập. Lần này lại được nhấn mạnh, chứng tỏ Đảng đã nhìn ra sự bức xúc của vấn đề.
BBC: ‘Nhìn ra’ và có vẻ là đã ‘thấy được’ vấn đề từ lâu như ông vừa chia sẻ, nhưng tại sao Đảng cộng sản dường như vẫn chưa ‘đổi mới, cải tổ’ thực sự được như kỳ vọng?
Không nên e ngại một hội chứng Gorbachov (mà Gorbachov là tai biến hay là tất yếu của lịch sử, điều này hãy để lịch sử trả lời)TS. Vũ Cao Phan
Vũ Cao Phan: Trong Dự thảo cũng chưa nêu ra phải làm (đổi mới) như thế nào. Đặt ra vấn đề nhưng không tìm cách giải quyết là uổng. Tôi cho rằng câu chuyện này đã trở nên cấp thiết khi sự hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu càng rộng. Không nên e ngại một hội chứng Gorbachov (mà Gorbachov là tai biến hay là tất yếu của lịch sử, điều này hãy để lịch sử trả lời).
Như đề cập trên, với việc tham gia TPP, bắt buộc và cho phép chúng ta phải đổi mới và cải cách hơn nữa cả về mặt thể chế kinh tế và thể chế chính trị. Đổi mới như thế nào và làm thế nào để đổi mới thì tôi nghĩ việc này cần được đưa ra bàn bạc tại Đại hội, Cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng.
Vẫn duy ý chí?
BBC: Đảng Cộng sản Việt Nam đã thoát khỏi cách đặt mục tiêu, mà một số người còn gọi đó là não trạng “duy ý chí” chưa, thưa ông?
Vũ Cao Phan: Đó cũng là một vấn đề mà tôi quan tâm sâu sắc và về điểm này, tôi xin khẳng định là chưa.
Cũng tại phần “I. Đánh giá tổng quát…”, mục 1 có đoạn viết: “Nhiều chỉ tiêu trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được”. Nghĩa là mục tiêu này không đạt được. Cách viết lướt qua nhưng theo tôi có thể nhìn thấy hai vấn đề lớn:
Image copyright AFP Image caption Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, tuy nhiên cần làm rõ tiêu chí, tiêu chuẩn của mục tiêu này, theo TS Cao Phan.
Một, mục tiêu ấy được đặt ra đã qua hai Đại hội Đảng (mười năm) và vẫn được nhấn mạnh tại những kỳ họp gần đây của Ban chấp hành Trung ương, cho đến sát Đại hội 12 (nghĩa là còn cách năm 2020 năm năm nữa) thì lại tuyên bố không đạt được.
Cần nhớ là Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 vào cùng thời điểm Malaysia cũng đặt ra mục tiêu như vậy, mà lúc ấy nước này đã có một nền công nghiệp tương đối phát triển (đã xuất khẩu tới nhiều quốc gia dòng xe nội địa mang thương hiệu Proton và đứng đầu thế giới về sản xuất tủ lạnh…) với thu nhập bình quân đầu người gấp 3,5 lần Việt Nam. Có duy ý chí không?
Hai, nhưng điều đáng ngạc nhiên là đặt ra mục tiêu như vậy nhưng lại không có tiêu chí, tiêu chuẩn nào được nêu ra để thiên hạ biết thế nào là “một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, dù chỉ là “cơ bản” đi chăng nữa.
Từ cực đoan này nhảy sang cực đoan khác vẫn là lối suy nghĩ duy ý chí và do đó vấn đề này cũng rất cần có sự bàn luận sâu sắc tại Đại hộiTS. Vũ Cao Phan
Không thấy, suốt cả mười năm qua. Không chỉ tôi và những người khác, một ông nguyên Phó Thủ tướng cũng nêu thắc mắc này vào năm 2009. Không ai trả lời.
Cho đến hôm nay, Dự thảo Báo cáo chính trị mới là tài liệu đầu tiên đề cập đến việc phải: “Xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (Phần “III. Đổi mới mô hình tăng trưởng…”, mục 2). Như thế theo tôi là quá chậm, và tại sao lại để “đèn đi sau, xe chạy trước” suốt một thời gian dài như vậy?
Và chưa hết, mục 2 phần “II. Mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát…” của Dự thảo vẫn viết, dù có vẻ ít quyết đoán hơn: “Xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
“Sớm” là một khái niệm co dãn cho phép một dư địa không xác định về mặt thời gian, khác với thời điểm cụ thể “ đến năm 2020”.
Từ cực đoan này nhảy sang cực đoan khác vẫn là lối suy nghĩ duy ý chí và do đó vấn đề này cũng rất cần có sự bàn luận sâu sắc tại Đại hội, tôi nghĩ như vậy.