Những hợp đồng “khủng” dự báo sẽ được ký kết trong chuyến thăm từ 23-24/12 đến Nga của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho thấy, khác với các đồn đoán về việc ngả sang Mỹ, Ấn Độ sẽ vẫn “chọn mặt, gửi vàng” cho Nga.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Modi.
Theo những thông tin do tờ Kommersant của Nga đăng tải, kết quả chính được mong đợi nhất trong chuyến thăm Nga lần này của ông Modi là thỏa thuận về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới gồm 6 block ở bang Andkhra-Pradesh và hợp đồng mua bán vũ khí có trị giá 7 tỷ USD, trong đó trọng tâm là các tổ hợp tên lửa S-400 hiện đại nhất của Nga.
Hai hợp đồng này sẽ cho thấy Ấn Độ vẫn sẽ là một trong những đối tác hàng đầu của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương chứ không ngả về Mỹ như nhiều người nghĩ.
Theo một nguồn tin cao cấp trong Chính phủ Ấn Độ cung cấp cho tờ Kommersant, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ấn Độ sẽ được bắt đầu bằng tiệc chiêu đãi tối của Tổng thống Nga Putin ngày 23/12 tại khu nghỉ dưỡng của ông Putin.
Buổi tiệc trước các cuộc đàm phán chính thức này, theo nhìn nhận của giới phân tích, sẽ góp phần củng cố mối quan hệ cá nhân giữa ông Putin với ông Modi kể từ sau khi ông Modi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ vào tháng 5/2014.
Mặc dù trước chuyến thăm này, ông Modi đã nhiều lần có các cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Putin trong các hội nghị quốc tế của BRICS, SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải) nhưng chuyến thăm lần này mới là chuyến thăm chính thức Nga đầu tiên của Thủ tướng Modi.
Chọn Nga thay vì Mỹ
“Chuyến thăm hứa hẹn sẽ trở thành chuyến thăm hiệu quả nhất trong hơn 10 năm qua và sẽ có những đóng góp tích cực vào quá trình củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất – trước hết là trong lĩnh vực kỹ thuật – quân sự và năng lượng hạt nhân.
Mối quan hệ cá nhân tích cực và những văn kiện được chuẩn bị ký kết trong chuyến thăm này sẽ cho thấy một cách rõ ràng rằng nhưng tin đồn về việc Ấn Độ dường như đang ngày càng tránh xa Nga để ngả sang Mỹ hoàn toàn không có cơ sở”, Đại sứ Nga tại Ấn Độ Aleksandr Kadakin nhấn mạnh.
Một trong những tuyên bố đáng chú ý nhất trước chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là tuyên bố về việc sẽ dành ra một diện tích đất khá lớn ở bang Andkhra – Pradesh, miền Nam Ấn Độ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân gồm có 6 tổ máy phát điện. Vấn đề này, theo nguồn tin cung cấp cho Kommersant, sẽ được ông Modi trao đổi trực tiếp trong hội đàm với ông Putin.
Trước đó, vấn đề lựa chọn địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai do Nga xây dựng ở Ấn Độ đã được giữ kín đến phút chót (Ấn Độ còn có một nhà máy điện hạt nhân khác do Nga xây dựng ở bang Tamilnad cũng ở miền Nam Ấn Độ).
Vấn đề nhà máy điện hạt nhân rất được ông Modi quan tâm sau khi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ. Theo kế hoạch do ông Modi vạch ra, Ấn Độ dự định sẽ xây đến 30 nhà máy kiểu này.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph của Nga |
“Những thỏa thuận đã đạt được sẽ cho thấy, bất chấp việc giữa Nga và phương Tây đang có sự cạnh tranh gay gắt trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Ấn Độ nhưng rõ ràng Ấn Độ đã và đang chọn Nga”, ông Kadakin khẳng định.
Theo ông Kadakin, một kết quả đáng chú ý khác là việc hai bên cũng sẽ ký kết hợp đồng xây dựng tổ máy số 5 và số 6 ở nhà máy điện hạt nhân tại bang Tamilnad. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đặc biệt quan tâm đến việc phối hợp với Nga cùng sản xuất nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân.
Hợp tác cả trên biển, trên không và trên bộ
Các thỏa thuận mang tính đột phá trong quan hệ Nga-Ấn Độ sẽ đến từ lĩnh vực hợp tác kỹ thuật – quân sự. Trị giá của các hợp đồng dự kiến sẽ được ký kết lần này lên đến hơn 7 tỷ USD.
Trước chuyến thăm của ông Modi đến Moscow, Ủy ban mua sắm thuộc Chính phủ Ấn Độ đã chấp thuận chi tiền để mua các hệ thống phòng không hiện đại nhất của Nga là S-400.
Theo người đứng đầu những xí nghiệp quốc phòng hàng đầu của Nga tiết lộ với Kommersant, Ấn Độ có thể sẽ mua không dưới 5 tổ hợp tên lửa S-400 và trở thành đối tác đặt hàng S-400 lớn thứ hai, sau Trung Quốc.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về S-400 sẽ không đơn giản vì vấn đề giá cả. Theo báo giá của Nga, 5 tiểu đoàn S-400 sẽ có giá gần 2,5 tỷ USD và giá này chưa được phía Ấn Độ đồng ý. “Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa hai vị lãnh đạo hai nước”, tờ Kommersant khẳng định.
Ngoài ra, hai bên cũng sẽ thảo luận các hợp đồng về việc Ấn Độ sẽ mua các tàu ngầm động cơ điện – diezel thuộc dự án 636 “Varshavianka”, 3 chiến hạm thuộc dự án 11356, 48 trực thăng vận tải – quân sự Mi-17V5, gần 150 xe tác chiến bọc thép BMP-2K, cũng như các hợp đồng cải tiến lô Il-78 và Il-76 cho Không quân Ấn Độ.
Ngoài ra, nguồn tin từ Ấn Độ cũng cho biết phía Ấn Độ đang mong muốn Nga sẽ cấp giấy phép sản xuất tàu ngầm hạt nhân thứ hai thuộc dự án 971.
“Những đề xuất này là hoàn toàn lôgic vì nó phù hợp với những loại vũ khí mà Ấn Độ đã mua trước kia. Hơn nữa, đề xuất này của Ấn Độ xuất phát từ việc Hải quân Pakistan thời gian gần đây đã tăng cường hoạt động mạnh mẽ, việc sở hữu các tàu ngầm thuộc dự án 636 “Varshavianka” sẽ là câu trả lời thích đáng đối với Islamabad”, chuyên gia Kostantin Makienko thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga nhận định.
Một trong những chủ đề khác được quan tâm là việc thảo luận hợp đồng phối hợp sản xuất ở Ấn Độ 200 trực thăng đa năng Ka-226T. Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Denis Manturov, Nga đã sẵn sàng tham gia vào việc thực hiện dự án này vì dự án này được cho là sẽ giúp Ấn Độ giải quyết các nhiệm vụ do Thủ tướng Modi đặt ra khi xây dựng chiến lược mang tên Made in India (sản xuất ở Ấn Độ).
Tham gia vào dự án này, ngoài tập đoàn nhà nước Hindustan Aeronautics Limited, Ấn Độ có thể sử dụng cả các doanh nghiệp ngoài nhà nước, cụ thể là tập đoàn hàng không vũ trụ Reliance Defense.
Xét về mặt quân sự, trong vòng nhiều năm qua Ấn Độ vẫn là đối tác nhập khẩu trang thiết bị quân sự hàng đầu của Nga: trong năm 2014 lượng vũ khí Ấn Độ mua của Nga đã chiếm 28% tổng sản lượng xuất khẩu vũ khí của Nga với trị giá 4,7 tỷ USD.
Các loại vũ khí Nga được Ấn Độ mua trong năm 2014 gồm các loại vũ khí hiện như tiêm kích đa năng Su-30MKI, các máy bay tác chiến cho tàu sân bay như MiG-29K/KUB, các hệ thống hỏa lực 9K58 “Smerch”. Ngoài ra, hai bên còn đang phối hợp trong việc lập kế hoạch sản xuất các máy bay thế hệ 5 (FGFA), thực hiện sản xuất theo giấy phép các xe tăng mẫu T-72 và T-90.
Trong hợp tác kỹ thuật – quân sự giữa Nga và Ấn Độ, hai bên cũng đã có những bất đồng nhất định trong mùa hè năm 2014 khi Nga bắt đầu các cuộc đàm phán với Pakistan về việc cung cấp cho Islamabad các trực thăng Mi-35.
Máy bay tiêm kích Su-30MKI của không quân Ấn Độ. |
Khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đã phải lên tiếng giải thích rằng “hợp tác Nga – Pakistan trong lĩnh vực này không tạo ra mối đe dọa nào đến việc thay đổi cán cân chiến lược – quân sự đã hình thành trong khu vực này và không nhằm chống lại bất cứ nước thứ ba nào”.
Tổng thống Nga V.Putin khi đó đã phải trực tiếp gọi điện cho Thủ tướng Ấn Độ Modi để giải thích về quan điểm của Nga trong vấn đề này.
Khắc phục hạn chế trong quan hệ kinh tế – thương mại
Mặc dù vẫn có chút không hiểu nhau nhưng hợp tác năng lượng hạt nhân, kỹ thuật quân sự vẫn là nền tảng trong hợp tác Nga – Ấn Độ. Nhưng trong hợp tác kinh tế, hai bên vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.
Khác với hai mảng hợp tác chủ đạo trên, hợp tác kinh tế Nga – Ấn Độ vẫn chưa ấn tượng. Trong năm 2014, kim ngạch hợp tác song phương chỉ đạt con số khá khiêm tốn là 9,51 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2015 mới chỉ đạt 3,15 tỷ USD.
Để khắc phục sự mất cân bằng này và tăng cường hơn hợp tác kinh tế – thương mại, Thủ tướng Modi đã cho phép người đứng đầu các công ty hàng đầu Ấn Độ cùng tham gia đoàn công tác đến thăm Nga lần này (gồm giám đốc các tập đoàn lớn như Reliance Industries, Reliance Group, Tata, Bharat Forge, Essar…).
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Kommersant, tờ báo kinh tế thương mại đầu tiên của Nga. Năm 2005, tổng số phát hành của báo là 131.000 bản/kỳ. Nhiều người cho rằng Kommersant là tờ báo khá giống với tờ The Guardian ở Anh.