Sự việc B-52 áp sát Châu Viên 2 hải lý vừa qua phải chăng là giọt nước tràn ly do chính Bắc Kinh đã ép Washington phải có phản ứng trước các hoạt động….
Thời báo Hoàn Cầu ngày 22/12 đăng bài bình luận của ông Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc lập ra tại Hải Nam về việc Bắc Kinh nên coi chuyện “xây dựng sức mạnh cứng” trên Biển Đông là nhiệm vụ hàng đầu sau cái cớ B-52 Hoa Kỳ bay áp sát đá Châu Viên, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) chỉ 2 hải lý.
Ông Tồn cho rằng, bề ngoài Mỹ quan tâm nhất ở Biển Đông là vấn đề tự do hàng hải và cách thức giải quyết tranh chấp Biển Đông, quyền quyết định sẽ thuộc về Trung Quốc hay Hoa Kỳ.
Nhưng thực chất theo Ngô Sĩ Tồn, Mỹ sở dĩ lo ngại việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo nhận tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa là vì, Washington tin chắc các đảo nhân tạo này sẽ được sử dụng vào mục đích quân sự, thách thức trực tiếp các lợi ích địa chính trị, quân sự và quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với châu Á – Thái Bình Dương và địa vị “bá chủ đại dương toàn cầu”.
“Mặt khác, việc Mỹ lấy cớ Trung Quốc bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo làm thay đổi hiện trạng Biển Đông để thường xuyên phái tàu chiến, máy bay tiến vào 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng nhằm thể hiện sức mạnh quân sự độc nhất vô nhị của mình với thế giới.
Đồng thời Mỹ còn muốn thể hiện cam kết an ninh của mình đối với khu vực, thúc đẩy xây dựng hệ thống liên minh chiến lược bao vây Trung Quốc để biến ‘Trung Quốc mộng’ và ‘sáng kiến’ Con đường Tơ lụa trên biển thành bong bóng”, ông Tồn nói.
Vị học giả Trung Quốc này đã ngụy biện, lắp ghép một cách thô thiển mục đích các hoạt động tuần tra, bảo vệ tự do hàng không hàng hải trên Biển Đông với phô diễn sức mạnh. Nếu nói phô diễn sức mạnh và khoe cơ bắp ở Biển Đông thì phải nói tới Trung Quốc đầu tiên.
Ông Tồn cho rằng nước nào cũng giống Trung Quốc? Cứ mạnh vì gạo bạo vì tiền là có thể lên mặt bành trướng ở Biển Đông? Hoạt động tuần tra 12 hải lý quanh các thực thể nửa nổi nửa chìm bị Trung Quốc đảo hóa, quân sự hóa trái phép ở Trường Sa là hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên.
Nếu không tuần tra, khác gì Mỹ mặc nhiên thừa nhận quy chế lãnh hải 12 hải lý cho các thực thể mà nó không được hưởng theo luật quốc tế? Thiết nghĩ là nhà nghiên cứu, là học giả về biển – đảo, ông Tồn phải thừa hiểu điều này mới phải, sao vẫn dùng lý luận cố đấm ăn xôi?
Mục đích chính của việc nhập nhằng đánh lận con đen này của ông Tồn và một số kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc là tạo ra một cái cớ thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông, phục vụ kế hoạch bành trướng.
Ngô Sĩ Tồn nói: “Thời gian tới, Mỹ sẽ không từ bỏ chính sách này ở Biển Đông, không ngừng tuần tra và bay qua vùng phụ cận đảo nhân tạo, bình thường hóa và quân sự hóa sẽ là thủ đoạn và phương thức chủ yếu để Mỹ can thiệp vào Biển Đông”.
“Chúng ta nên đối phó ra sao? Việc bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo có tiếp tục theo kế hoạch hay không? Quân My đã tập kết ở Biển Đông, chúng ta nên có thực lực như thế nào mới có thể bảo vệ Biển Đông hòa bình và ổn định (???), đồng thời bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền và lợi ích chính đáng của Trung Quốc”, Ngô Sĩ Tồn đặt câu hỏi, và đưa ra 3 phương án.
“Đầu tiên, phải coi xây dựng sức mạnh cứng ở Biển Đông là nhiệm vụ hàng đầu. Lực lượng Trung Quốc trên Biển Đông đến nay vẫn chưa đủ nên những năm 1980 các đảo của Trung Quốc ở Trường Sa mới bị các bên xâm chiếm phi pháp (???).
Do đó lần này nên lấy việc xây dựng đảo nhân tạo làm thời cơ, thúc đẩy mạnh mẽ quân sự hóa và các hoạt động bảo vệ chủ quyền. Chỉ khi nào sức mạnh quân sự và thực lực Trung Quốc đạt trình độ nhất định, hòa bình và ổn định ở Biển Đông mới đáng tin cậy”, ông Ngô Sĩ Tồn xuyên tạc, lộng ngôn.
Ông Tồn phải chăng đang dùng thứ bùa chú ngôn từ do mình tự nghĩ ra để làm cái thuật gọi là “di cung hoán số” của giới phù thủy Trung Hoa để lòe bịp dư luận, đổi trắng thay đen? Tháng 3 năm 1988, lợi dụng bối cảnh phức tạp thời kỳ đó, Trung Quốc đã cất quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp 6 thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đến năm 1995 chiếm thêm bãi Vành Khăn là 7. Chưa kể đến cuộc chiến xâm lược Hoàng Sa năm 1974, 1956.
Tàu thuyền quân sự cũng như quân sự trá hình của Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp, nhung nhúc ở Trường Sa nói riêng, Biển Đông nói chung mà ông Ngô Sĩ Tồn vẫn cho là chưa đủ? Đường lưỡi bò bành trướng phi lý và tham vọng, hành vi hiện thực hóa đường lưỡi bò phi lý ấy của Trung Quốc ở Biển Đông bằng mọi thủ đoạn mới là căn nguyên gốc rễ của mọi căng thẳng, nguy hiểm đối đầu trên Biển Đông hiện nay. Đừng đổ thừa cho Hoa Kỳ.
“Thứ hai, phải kiểm soát tốt chia rẽ Trung – Mỹ, đề phòng nổ ra xung đột trên biển. Biển Đông giờ không chỉ còn là tranh chấp chủ quyền, hàng hải giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng, mà còn là mâu thuẫn trên biển lớn nhất giữa Trung Quốc và Mỹ nên việc kiểm soát mâu thuẫn này hiện nay là vấn đề hiện thực và cấp bách”, ông Tồn cho biết.
Nhưng thật nực cười khi phía trên ông Tồn kêu gọi Trung Quốc ồ ạt quân sự hóa Biển Đông, sớm làm bá chủ, một mặt lại phải tìm cách “kiểm soát mâu thuẫn Trung – Mỹ trên Biển Đông”, Mỹ có phải trẻ con đâu mà cứ cho kẹo là phải ngậm miệng?
Sự việc B-52 áp sát Châu Viên 2 hải lý vừa qua phải chăng là giọt nước tràn ly do chính Bắc Kinh đã ép Washington phải có phản ứng trước các hoạt động bành trướng, leo thang quá quắt, bất chấp luật pháp và dư luận? Bởi dù muốn dù không thì Trung Quốc vẫn đang quân sự hóa Biển Đông, đặc biệt là 7 đảo nhân tạo, đe dọa trực tiếp lợi ích của Hoa Kỳ, uy hiếp hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, áp đặt chính sách thực dân đế quốc kiểu mới ở Biển Đông.
“Thứ ba, đặt nhiệm vụ xây dựng cơ chế an toàn ở khu vực Biển Đông lên nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy”. Cụ thể ông Tồn khuyến nghị, cần nâng cấp quan hệ Trung Quốc – ASEAN, thúc dẩy Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21, thúc đẩy đàm phán COC để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Khi nào Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, ùn ùn kéo máy bay, tàu chiến, tên lửa, ra đa ra 7 đảo nhân tạo bất hợp pháp để uy hiếp các nước láng giềng trong khu vực và thách thức Mỹ thì chừng đó đừng nói chuyện Con đường Tơ lụa hão huyện hay “thúc đẩy COC”.
Khi đã thất tín với thiên hạ thì khó có thể nói chuyện hợp tác, thiện chí. Do đó việc Trung Quốc nên làm, thiết nghĩ đầu tiên là phải dừng ngay mọi hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông.
Thứ hai là thực sự thiện chí, cầu thị giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở pháp lý quốc tế, thậm chí chấp nhận ra cơ quan tài phán quốc tế phân xử nếu các bên không thể chấp nhận lý lẽ của nhau. Đó mới là chính trị và hành xử văn minh. Còn ỷ mạnh hiếp yếu, mạnh vì gạo bạo vì tiền chỉ là hành vi của kẻ trọc phú vô học không bao giờ có thể trở thành “chính nhân quân tử”, hay cường quốc có trách nhiệm.