Nếu TQ thâu tóm ngành dệt may cũng đồng nghĩa thâu tóm toàn bộ ngành xuất khẩu chủ lực…
Lo ngại Trung Quốc thao túng xuất khẩu
Tiếp tục bày tỏ lo ngại trước hiện tượng nhiều doanh nghiệp trong nước đang thực hiện mua bán, sáp nhập với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc, TS. Thái Trí Dũng Khoa Kinh tế – Bộ môn Quản lý nguồn nhân lực (ĐH Kinh tế TP.HCM) cũng nhận định đây là xu hướng không mới và diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, dệt may.
Tuy nhiên, ông Dũng đặc biệt lưu ý tới lĩnh vực dệt may và những thương vụ với doanh nghiệp Trung Quốc.
“Mục đích mua bán, sáp nhập là tạo ra một mạng lưới vệ tinh nhằm cung cấp lao động cho họ, hay nói cách khác họ sẽ vơ vét và tận dụng nguồn nhân lực có tay nghề là một nhận định chính xác. Các doanh nghiệp dệt may cần cân nhắc và suy nghĩ trước khi đi đến quyết định có nên trở thành công ty con của doanh nghiệp Trung Quốc hay không”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, dệt may là lĩnh vực sử dụng lượng lao động rất lớn vì thế trở thành công ty con của doanh nghiệp Trung Quốc cũng có nghĩa một số lượng lớn lao động có tay nghề của Việt Nam sẽ được sử dụng để phục vụ cho mục đích của doanh nghiệp.
Như vậy, rõ ràng sẽ có những ảnh hưởng rất lớn tới lĩnh vực này ở trong nước. Ảnh hưởng trước hết theo ông Dũng chính là nguồn nhân lực; thứ hai là thị trường xuất khẩu sẽ bị đe dọa. Do đó, ông Dũng nói rằng “cần phải hết sức thận trọng trọng trong việc mua bán với những doanh nghiệp Trung Quốc”.
Ông Dũng giải thích, sản phẩm dệt may hiện chủ yếu là xuất khẩu, một khi trở thành công ty con của doanh nghiệp Trung Quốc thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể trở thành thị trường xuất khẩu của Trung Quốc.
“Về trước mắt, thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Việt Nam xuất khẩu nhưng Trung Quốc thu ngoại tệ. Về lâu dài, chắc chắn việc này sẽ có nguy cơ tạo những bất ổn trong nền kinh tế. Đặc biệt trước nguy cơ toàn bộ nền xuất khẩu dệt may trong nước sẽ bị doanh nghiệp Trung Quốc thao túng, thâu tóm.
Nếu phụ thuộc từ nguyên liệu, nhà xưởng, nhân công cho tới thị trường thì cũng coi như Trung Quốc đã nắm toàn bộ ngành xuất khẩu dệt may của Việt Nam rồi. Trong khi đó, dệt may vẫn được xem là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nếu nắm được thị trường xuất khẩu của ngành này cũng có khả năng thâu tóm sang lĩnh vực khác như thủy sản, nông nghiệp… dần dần là toàn bộ nền kinh tế”, vị chuyên gia lo ngại.
Vì thế, ông Dũng cho rằng những cơ quan quản lý cần phải lưu ý tới trường hợp này.
Ông Dũng cho biết thêm, thu hút FDI Trung Quốc vẫn luôn là câu chuyện phức tạp và gây nhiều tranh cãi. Ngoài chuyện số lượng nhiều nhưng chất ít thì vấn đề về lao động phổ thông, máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường cũng gây nhiều lo ngại.
Ông Dũng nói thẳng, chính thu hút FDI không tốt sẽ có nguy cơ giết chết ngành dệt may trong nước. Không phủ nhận những tác động tích cực nhưng cũng không thể phủ nhận những tiêu cực từ các dự án này.
Điển hình tại dự án nhà máy thép Formosa (Hà Tĩnh), ông Dũng cho hay Việt Nam thu hút nhưng gần như không được gì. Tại dự án này, có tới mấy ngàn lao động đến từ Trung Quốc, trong khi lao động trong nước lại không được sử dụng. Còn thị trường thép trong nước thì phải kêu trời vì khó khăn trong cạnh tranh.
Vì thế, theo ông Dũng Việt Nam cần nhìn nhận, học hỏi nhiều bài học thu hút FDI tại các nước trên thế giới, thu hút có chọn lọc, thu hút để nền kinh tế phát triển chứ không phải thu hút để triệt tiêu động lực phát triển của các doanh nghiệp trong nước.
Từ đó, việc cần làm ngay là phải đánh giá lại năng lực của các doanh nghiệp nước ngoài dựa trên khả năng tài chính, khả năng thực hiện các dự án, những cam kết chuyển giao công nghệ và đặc biệt cam kết sử dụng lao động của Việt Nam tại những dự án cụ thể như thế nào…
“Nếu cứ thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá không có chọn lọc nhất định sẽ phải trả những giá đắt.
Bài học từ dự án sản xuất thép Formosa vẫn còn hiện hữu. Đầu tư chỉ để tận dụng lợi thế ưu đãi, mang máy móc, thiết bị lạc hậu tiêu hao nhiều năng lượng, mang lao động phổ thông, không tuân thủ quy tắc quản lý… Đầu tư nhưng chủ yếu là mang sản phẩm đi xuất khẩu, cuối cùng Việt Nam cũng không được gì”, ông Dũng nói.