Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ hoá giải được sức mạnh '10 tàu sân bay' của TPP?

TQ hoá giải được sức mạnh ’10 tàu sân bay’ của TPP?

“TPP tương đương với 10 chiếc tàu sân bay”, có thể giúp Mỹ tăng mạnh năng lực ứng phó với những thách thức đến từ Trung Quốc.

Dẫu TPP có sức mạnh tương đương 10 tàu sân bay thì Trung Quốc dường như vẫn có cách hoá giải

Đó là nhận định của Chủ tịch Uỷ ban Quân lực Thượng viện Mỹ, ông John McCain mới đây. Trước đó, giới phân tích cũng nhận định rằng TPP là một mối thách thức không nhỏ đối với Trung Quốc.

“Sự phát triển của TPP có tác động sâu sắc đối với những cải cách kinh tế của Trung Quốc. Ở một khía cạnh nào đó, nó nhằm vào Trung Quốc và nước này cần phải hành động trước” – ông Ronald Wan, Giám đốc điều hành của hãng Partners Capital International, nhận định.

Lãnh đạo Trung Quốc càng có lý do để lo lắng về TPP khi nền kinh tế nước này đang trong giai đoạn trì trệ. Kế hoạch tổng thể dành cho chiến lược sản xuất trong tương lai (được gọi là “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2015”) nêu rõ mối đe dọa do TPP gây ra đối với thương mại đất nước.

Theo Quốc Vụ viện Trung Quốc, việc thực thi TPP sẽ “làm giảm bớt lợi thế về giá” của Trung Quốc trong việc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp và “tác động đến sự mở rộng ra nước ngoài của doanh nghiệp nước này”.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là không có cách đối phó với TPP. Sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đưa  ra cũng là nhằm đối phó TPP và tranh giành quyền lực với Mỹ cùng đồng minh Nhật Bản tại châu Á – Thái Bình Dương.

Theo hiệp định thành lập AIIB, tổng vốn cổ phần của AIIB là 98,1514 tỷ USD, Trung Quốc đóng góp 29,7804 tỷ USD (chiếm 30,34% tổng số vốn), có 26,06% tổng số quyền biểu quyết.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành từng dẫn một ví dụ về việc Trung Quốc “hoá giải” TPP trong một lần trao đổi với Đất Việt. Theo đó, trong TPP có quy định về tỷ lệ nội địa hoá của sản phẩm. Dệt may của Việt Nam đang nhập nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc, vượt quá tỷ lệ quy định trong TPP thì sản phẩm đó không hưởng ưu đãi về thuế. Như vậy, Việt Nam sẽ phải mua nguyên liệu ở các quốc gia thành viên TPP, Trung Quốc sẽ mất đi khách hàng Việt Nam.

Để hoá giải chuyện này, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị: họ dời công xưởng, nhà máy sang Việt Nam để sản xuất, chế biến nguyên liệu để có được xuất xứ là hàng Việt Nam, xuất khẩu sang nước khác sẽ được hưởng ưu đãi về thuế. Không chỉ dệt may mà da giày và tất cả những ngành Trung Quốc đang cung cấp nguyên liệu cho Việt Nam cũng đều chuyển hướng như vậy.

Bản thân Trung Quốc cũng từng bày tỏ mong muốn được tham gia TPP. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ: Đối với Trung Quốc, việc muốn tham gia vào TPP chắc chắn nằm trong ý đồ chính trị của nước này vì Trung Quốc không muốn bị đứng ngoài cuộc chơi, mà cuộc chơi này sẽ làm thay đổi tình hình chính trị, quân sự và kinh tế của Mỹ và các nước  đồng minh của Mỹ. Có thể Trung Quốc đã nhìn thấy sự đe đoạ đó và họ có 2 lựa chọn: hoặc đối đầu với đe doạ đó hay nhập cuộc.

Dường như Trung Quốc đã quyết định chọn cách nhập cuộc để việc đối đầu chuyển hướng. Đó là thái độ khôn ngoan của Trung Quốc bởi nếu không, Trung Quốc sẽ phải đối đầu với lực lượng kinh tế rất hùng mạnh”.

Đàm phán TPP bế tắc ở phút chót

Đại diện thương mại 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán ở Hawaii hôm 31/7.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Andrew Robb bình luận, trở ngại chính hiện tại nằm ở “bộ tứ” nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico.

“Điều đáng buồn là 98% công việc đã hoàn tất”, ông nói.

Theo hãng tin Reuters, bất đồng xung quanh các vấn đề thương mại ôtô giữa Nhật Bản và Bắc Mỹ, sản phẩm sữa của New Zealand, và thời hạn độc quyền đối với thuốc thế hệ mới là những nguyên nhân chính khiến TPP chưa thể hoàn tất.

Tuy vậy, các nước vẫn tin tưởng rằng việc đạt được thỏa thuận đang ở rất gần.

Việc chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng cho TPP được xem là một thất bại đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Với sự tham gia của 12 nước chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, TPP là trọng tâm kinh tế trong chính sách dịch chuyển trọng tâm về châu Á của Mỹ, đồng thời là cơ hội để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới