Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngKhông được xem nhẹ tham vọng của ông Tập Cận Bình trong...

Không được xem nhẹ tham vọng của ông Tập Cận Bình trong vấn đề Biển Đông

Hoa Kỳ tuyệt đối không thể xem nhẹ quyết tâm và tham vọng của ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc bảo vệ các quyền hàng hải của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Đó vừa là lời nhận xét, vừa là lời cảnh báo mà tác giả Mu Chunshan đưa ra trong bài viết của mình đăng trên tờ The Diplomat ngày 29/10/2015.

Theo tác giả, phản ứng của truyền thông và cư dân mạng Trung Quốc đối với việc ngày 27/10/2015 tàu khu trục mang tên lửa USS Lassen của Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông là rất tiêu cực, khá giống với những phản ứng đã từng có trước đó khi quan hệ Mỹ – Trung lâm vào khủng hoảng các năm 1999 và 2001.(1) Trung Quốc cho rằng hành động của Mỹ cho tàu chiến đi vào khu vực gần các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa vừa qua là: i) hành động khiêu khích có chủ đích của Mỹ đối với Trung Quốc và mục đích của hành động này là Mỹ không chấp nhận các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông cũng như các đòi hỏi chủ quyền của phía Trung Quốc sau khi việc xây dựng hoàn tất; ii) Mỹ muốn hạ nhục Trung Quốc khi việc triển khai các trang thiết bị của Trung Quốc ở Trường Sa chưa thực sự hoàn thiện và với hàm ý là Mỹ có khả năng kiểm soát các cường quốc ở khu vực. Hơn nữa, việc Mỹ cho tàu chiến thực hiện quyền tự do hàng hải (bản chất của chương trình này là công khai thách thức các yêu sách quá đáng) ở một số khu vực ở quần đảo Trường Sa không chỉ làm mất mặt giới truyền thông của Trung Quốc vốn tung hô kết quả thành công chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình mà còn là hành động gián tiếp hạ thấp uy tín của ông Tập, người được cho là đã “bất nhất” trong vấn đề cam kết không quân sự hóa các cấu trúc xây dựng trái phép ở Biển Đông. (2)

Tham vọng của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực Biển Đông đã có từ lâu, tuy nhiên, đến thời ông Tập Cận Bình, tham vọng này ngày càng được công khai hóa cũng như được hậu thuẫn mạnh mẽ từ giới lãnh đạo Trung Quốc. Trung Quốc đã không ngần ngại khi coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, tương đương như Đài Loan, Tây Tạng – vấn đề mà Trung Quốc không những không thể nhượng bộ mà còn tìm cách thu hồi. Đồng thời, lần đầu tiên sau nhiều năm, một nhà lãnh đạo là ông Tập Cận Bình đã hai lần công khai tuyên bố các đảo Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ ngàn đời và “một số đảo đang bị các nước khác chiếm đóng”.(3)

Để thực hiện tham vọng này, ngay từ khi nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã cải thiện khả năng tác chiến của lực lượng quân đội Trung Quốc, tiến hành cải tổ quân đội theo hướng: i) quân đội phải tuân thủ sự lãnh đạo của đảng; ii) quân đội phải có khả năng giành chiến thắng trong chiến tranh; và iii) quân đội phải chuyên nghiệp. Theo đánh giá, những hành động gần đây của Trung Quốc, cả trong nội bộ lẫn bên ngoài, từ việc thành lập Ủy ban an ninh quốc gia năm 2013 cho đến việc tuyên bố Vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông cũng như xây dựng, bồi đắp quy mô lớn ở Trường Sa đều phản ánh các xu thế cải cách nêu trên. Việc cải tổ sâu rộng quân đội của ông Tập Cận Bình đã tăng cường năng lực của quân đội Trung Quốc và đi kèm với đó là khả năng Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự ở bên ngoài ngày càng gia tăng. Điều này dẫn tới khả năng xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Biển Đông là rất cao trong những năm tới cho dù hiện nay Trung Quốc vẫn dùng chiến thuật câu giờ, tuyên bố Trung Quốc hoàn toàn không muốn có xung đột nào với Mỹ ở Biển Đông.

Đứng trước tham vọng của giới lãnh đạo Trung Quốc và đặc biệt là của cá nhân ông Tập Cận Bình đối với vấn đề Biển Đông, trước sự cải thiện tiềm lực và tính chuyên nghiệp của quân đội Trung Quốc nhằm phục vụ ý đồ nêu trên, các quốc gia trong khu vực Biển Đông cần nâng cao cảnh giác. Một mặt cần tránh rơi vào bẫy khiêu khích của Trung Quốc, tạo lý do cho Trung Quốc tiến hành các biện pháp quân sự, mặt khác các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác quân sự trong khuôn khổ cộng đồng ASEAN. Đối với các quốc gia ngoài khu vực, đặc biệt là các nước lớn, cần phát huy vai trò “giám sát, kiềm tỏa” các hành động vượt quá khuôn khổ thông thường của Trung Quốc, đặc biệt cần sớm có các biện pháp hữu hiệu, kể cả về chính trị, quân sự, kinh tế để ngăn ngừa các hành động của Trung Quốc, không nên để việc đã rồi. Nếu không, an ninh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực Biển Đông sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, các nước phải chấp nhận luật chơi bất bình đẳng do Trung Quốc áp đặt.

(1) Năm 1999, Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư; năm 2001 xảy ra vụ va chạm giữa máy bay do thám EP3 của Mỹ với máy bay chiến đấu F8 của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông.

(2) Phát biểu với báo chí sau hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Tập Cận Bình cam kết sẽ không quân sự hóa Biển Đông, song ngay sau đó phía Trung Quốc cho rằng ông Tập Cận Bình không phát biểu như vậy, bất chấp cả việc Singapore tung ra đoạn video clip về phát biểu của ông Tập. Tương tự, sau khi đi thăm Việt Nam, sang Singapore, ông Tập Cận Bình quay ra tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ vài nghìn năm trước.

(3) Ông Tập Cận Bình trả lời Reuter trước khi thăm Anh và phát biểu tại Singapore.

RELATED ARTICLES

Tin mới