Cải cách cơ cấu trọng yếu ở cấp chỉ huy sẽ diễn ra trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào cuối năm 2015, theo một nguồn tin giấu tên cung cấp cho tờ Hoa Nam Tảo báo (South China Morning Post) có trụ sở tại Hồng Kông.
Lính Trung Quốc lái xe tăng đi qua Quảng trường Thiên An Môn trong một cuộc diễu hành quân sự tại Bắc Kinh vào ngày 3/9/2015. (Kevin Frayer / Getty Images)
Việc cải cách này đã được thực hiện từ nhiều tháng qua, nhằm hướng PLA trở thành một lực lượng chuyên nghiệp hơn theo mô hình quân đội phương Tây, trong khi đồng thời duy trì và củng cố quyền kiểm soát chính trị trung ương của Đảng cộng sản.
Những thay đổi về thể chế này được thực hiện để nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tăng cường quyền lực, cho thấy một chu kỳ mới của trạng thái đối kháng thường xuyên bất ổn giữa Đảng và Quân đội.
Việc tái cấu trúc bao gồm thay đổi nhân sự, cắt giảm quy mô lực lượng, và nâng cao vai trò quan trọng của lực lượng không quân và hải quân PLA, mà trong lịch sử chỉ đóng vai trò phụ trợ cho các lực lượng trên bộ.
Có hai nguồn tin nói với tờ Hoa Nam Tảo báo rằng 7 quân khu “lạc hậu” sẽ được thay thế bởi 5 Tư lệnh khu vực Bắc, Nam, Đông, Tây, và khu vực chiến đấu trung tâm có thể sẽ nằm tại Bắc Kinh.
“Trụ sở chính của vùng chiến đấu trung tâm có khả năng là ở Bắc Kinh, vốn cũng là trung tâm đầu não hành chính và quân sự của Trung Quốc”, theo nguồn tin cung cấp.
Trong đoạn bình luận đăng tải gần đây trên một tạp chí của PLA, hệ thống chỉ huy ở 7 quân khu hiện tại đang bị chỉ trích là lỗi thời. Nó được cho là quá tập trung và đặt ra thách thức cho việc kiểm soát của Đảng. Theo cách thiết lập mới, Ủy ban Quân sự Trung ương, cơ quan mà Đảng Cộng sản dùng để kiểm soát quân đội Trung Quốc, sẽ nắm quyền trực tiếp. Các uỷ ban và các bộ phận mới được thành lập cũng là để đảm bảo mục đích này, Hoa Nam Tảo báo cho hay.
Trong lịch sử, Đảng và PLA đã từng có một mối quan hệ phức tạp, đôi khi còn là mối quan hệ triệt hạ nhau do yêu cầu thống trị của cựu lãnh đạo. Ông Mao Trạch Đông, người sáng lập chính quyền cộng sản, nổi tiếng với câu nói: “Đảng kiểm soát súng,” đã nhiều lần thanh trừng các lực lượng vũ trang, kể cả các cán bộ đã từng đi theo sự chỉ đạo của ông ta trước đây.
Sau đó, dưới thời cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, PLA và các cán bộ của nó đã tham gia vào các vụ tham nhũng lớn, các tướng lĩnh như Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, những người có lòng trung thành cá nhân với Giang Trạch Dân, đều lạm dụng quyền lực của họ. 2 quan chức này cùng các quan chức khác đều bị thanh trừng với số lượng lớn trong hai năm qua kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Tuy nhiên, cải cách của ông Tập cũng có khả năng liên quan đến các mối quan hệ cá nhân. Vào tháng 10 vừa rồi, có nguồn tin nói với tờ Hoa Nam Tảo báo rằng đồng minh thân cận của ông Tập, tướng Trương Hựu Hiệp là một ứng cử viên có khả năng cho chức phó chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương. Cha của ông Tập và cha của ông Trương đều chiến đấu trong quân đội cộng sản trong thời kỳ nội chiến ở Trung Quốc. Sau cuộc chiến này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên nắm chính quyền vào những năm 1940.