Ấn Độ và Nhật Bản ngày càng xích lại gần nhau, có thể chặn đứng các tham vọng cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Siết chặt liên minh
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa có chuyến thăm Ấn Độ (11-13/12). Đây được xem như một phần trong các cuộc hội nghị cấp cao thường niên giữa hai nước kể từ năm 2007.
Nhân chuyến thăm, hai bên đã ký một loạt thỏa thuận và bản ghi nhớ. Một số thỏa thuận đã được dự kiến từ trước, song một số thỏa thuận khác lại gây sự ngạc nhiên.
Thỏa thuận mang tính bước ngoặt là cam kết của Nhật Bản tài trợ cho dự án tàu cao tốc đầu tiên nối Mumbai (thủ đô tài chính của Ấn Độ) với Ahmedabad (trung tâm thương mại bên bờ biển phía Tây bang Gujarat, quê hương của ông Modi).
Nhật Bản sẽ cung cấp một khoản vay tín dụng ưu đãi dài hạn trị giá 12 tỷ USD. Dự án này có thể sẽ khởi công vào năm 2017 với tổng chi phí lên đến 15 tỷ USD.
Khoản vay này sẽ được cung cấp thông qua cơ quan viện trợ của Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. Theo thỏa thuận, một nhà thầu Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm về dự án. Toàn bộ khoản vay sẽ được gắn với công nghệ và các công ty của Nhật Bản.
Giới phân tích cho rằng Nhật Bản đang quay lại với mô hình viện trợ có ràng buộc của những năm 1960 và 1970 do kinh tế đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, ngoài ý nghĩa về kinh tế, Nhật Bản còn hướng tới cái đích xa hơn về mặt chính trị.
Thủ tướng Abe đã đề nghị cung cấp thêm các khoản vay bằng đồng yên cho các dự án cơ sở hạ tầng của Ấn Độ bao gồm các tuyến đường bộ ở khu vực Đông Bắc, đáng chú ý nhất là ở Arunachal Pradesh, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Đây chắc chắn là một dự án cơ sở hạ tầng mang nhiều ý nghĩa chiến lược.
Giới phân tích cho rằng ngạc nhiên nhất là thỏa thuận khung về hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự. Đề xuất này bắt đầu được đưa ra vào năm 2010 nhưng bị đình trệ sau thảm họa hạt nhân Fukushima dẫn đến các cuộc biểu tình chống điện hạt nhân ở Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi |
Thỏa thuận hạt nhân dân sự sẽ cho phép các công ty Nhật Bản trực tiếp xuất khẩu các công nghệ hạt nhân. Thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa được ký kết vì cần phải có thêm những cuộc thảo luận cũng như sự chấp thuận của Quốc hội Nhật Bản.
Tuy nhiên, thỏa thuận khung này sẽ mở đường cho các nước cung cấp thứ ba (có vốn đầu tư Nhật Bản) xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang Ấn Độ. Đây là một bước đột phá lớn đối với Ấn Độ vì nó nhằm mục đích mở rộng chương trình năng lượng hạt nhân của nước này.
Trong khi Nhật Bản xuất khẩu thiết bị và công nghệ hạt nhân cho nhiều quốc gia, thì Ấn Độ là trường hợp ngoại lệ vì New Delhi chưa ký hiệp ước không phổ biến hạt nhân.
Thỏa thuận này có nghĩa Nhật Bản đã thừa nhận tình trạng của Ấn Độ là một quốc gia vũ khí hạt nhân và sẵn sàng làm ăn với nước này dù Ấn Độ không phải là một bên tham gia hiệp ước không phổ biến hạt nhân.
Thỏa thuận đáng chú ý thứ ba là thỏa thuận khung về hợp tác và chuyển giao công nghệ quốc phòng.