Xuất khẩu, sản xuất và đầu tư của Trung Quốc đang chậm lại. Bởi vậy tất cả những người vốn vẫn tin vào câu chuyện tăng trưởng của Trung Quốc, giờ phải tin vào câu chuyện tái cân bằng nền kinh tế của chính quyền nước này:
Một ngôi làng nghèo đói ở Trung Quốc. Cách duy nhất vào làng là đu dây vượt sông. (Ảnh: Internet)
Chuyển từ mô hình đầu tư và xuất khẩu sang mô hình kinh tế dựa vào tiêu dùng.
Điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ sản xuất và xuất khẩu ít hơn, xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở ít hơn. Cả hai lĩnh vực mà cả thế giới và Trung Quốc được cho là đã đầu tư quá nhiều.
Giáo sư Đại học Bắc Kinh và chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, ông Michael Pettis, cho rằng quá trình chuyển đổi mô hình này sẽ kéo dài rất lâu, Trung Quốc sẽ không kịp xoay xở trước khi bong bóng nợ nổ tung.
“Trừ phi Trung Quốc tăng tốc mạnh mẽ quá trình chuyển giao tài sản nhà nước sang khu vực hộ gia đình để tiêu dùng tăng trưởng nhanh chóng, nếu không Trung Quốc sẽ không có 10 năm để điều chỉnh nền kinh tế một cách êm ái”, Ông viết trong blog của mình.
Theo ông Pettis, khoảng cách giữa GDP và thu nhập hộ gia đình là nhân tố quan trọng nhất để tái cân bằng nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê chính thức, GDP đang tăng trưởng ở mức 6,9%, trong khi thu nhập của hộ gia đình tăng ở mức 7,7%. Điều này có nghĩa người tiêu dùng (các hộ gia đình) đang thu hẹp khoảng cách so với các nhà sản xuất (GDP).
Ngay cả với tốc độ tăng trưởng mà ông Pettis cho rằng đã bị thổi phồng so với thực tế này thì Trung Quốc cũng phải mất tới 25 năm để thu nhập của khu vực hộ gia đình chiếm 60% GDP nền kinh tế.
“Tôi cho rằng đây là mức cực tiểu mà tương thích với việc tái cân bằng trên thực tế”, ông viết. Nhưng tại sao Trung Quốc thậm chí không thể có 10 năm như ông đã viết ở trên? Bởi vì tổng nợ của nền kinh tế sẽ tăng lên rất nhiều, dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính không thể tránh khỏi.
Trung Quốc có thể tránh được vấn đề này bằng cách quản lý nợ và đầu tư hiệu quả hơn, nhưng điều này chỉ thành hiện thực nếu hệ thống tài chính của quốc gia này được cải cách toàn diện. Mặc dù vậy, việc cải cách này sẽ khó mà không có khủng hoảng tài chính đi kèm.
“Theo tôi biết, không có quốc gia nào trong lịch sử đã đạt được một sự chuyển mình như vậy trong lĩnh vực tài chính mà không trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ trước đó”, ông Pettis viết.
Một phương án khác: “Chính quyền Trung Quốc bắt đầu chuyển 2-4 % GDP cho các hộ gia đình mỗi năm trong một khoảng thời gian được gia hạn. Việc này giúp ổn định nợ ở mức bền vững và tăng trưởng có thể duy trì ở mức tương đối cao.
Mặc dù vậy, điều này có thể làm tổn thương nền kinh tế tham nhũng mà bộ máy quyền lực của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang dựa vào.
Michael Pettis đưa ra ba lựa chọn mà chính quyền Trung Quốc không muốn làm:
“Bắc Kinh cuối cùng cũng phải lựa chọn giữa nợ cao, tỷ lệ thất nghiệp cao, hay là chuyển dịch tài sản từ khu vực nhà nước sang khu vực hộ gia đình nhanh hơn.”
Phương án nào sẽ được quốc gia này lựa chọn?