Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngNhật Bản đang “quần” TQ trên biển

Nhật Bản đang “quần” TQ trên biển

Từ Hoa Đông tới Biển Đông, những tin tức về việc Nhật Bản tăng cường vũ khí và liên minh chống Trung Quốc ngày càng dồn dập.

Ngày 18/12, hãng tin Reuters trong một phóng sự tiết lộ rằng Nhật Bản đang nỗ lực củng cố hệ thống phòng thủ và hạ tầng cơ sở trên khoảng 200 đảo xa ở vùng Biển Hoa Đông, với mục tiêu đặt chiến hạm Trung Quốc trong tầm nhắm, và ngăn chặn không cho Hải quân Trung Quốc thống trị miền Tây Thái Bình Dương.

Theo một số nguồn tin từ các giới chức quân sự cũng như chính phủ Nhật Bản, Tokyo đang tìm cách liên kết thành một chuỗi các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không, trên khoảng 200 hòn đảo ở vùng Biển Hoa Đông, trải dài trên phạm vi 1.400 km từ thềm lục địa Nhật Bản tới giáp vùng lãnh thổ của Đài Loan.

Khoảng hơn một chục nhà hoạch định chiến lược quân sự và chính sách của Nhật Bản đều đã xác nhận rằng mục tiêu tăng cường sức mạnh quân đội của Thủ tướng Shinzo Abe, đã chuyển đổi thành một chiến lược nhằm giành ưu thế thống trị vùng biển và vùng trời xung quanh các đảo xa của Nhật Bản, từ đó kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Việc bố trí các phương tiện vũ khí trên các đảo xa không phải là một điều bí mật, nhưng theo hãng tin Reuters, đây là lần đầu tiên mà giới chức có trách nhiệm trong chính quyền Nhật Bản nêu rõ là hệ thống bố phòng này có tác dụng kềm chế Trung Quốc tại miền Tây Thái Bình Dương.

Một khi chuỗi hệ thống tên lửa nối liền 200 đảo hoàn thành, đây sẽ là rào cản lớn đối với tàu thuyền Trung Quốc muốn đi từ bờ biển phía Đông của nước họ ra khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo luật lệ quốc tế, không có gì cấm cản chiến hạm Trung Quốc đi ra Thái Bình Dương, nhưng các chiếc tàu này luôn phải nằm trong tầm bắn của các giàn tên lửa của Nhật Bản đặt trên các đảo.

Giới quan sát nhận định, chiến lược bố trí tên lửa trên đảo là một phiên bản do Tokyo sáng tạo của chiến thuật chống tiếp cận hiện đang được Trung Quốc sử dụng để cố gắng đẩy Mỹ và các đồng minh ra khỏi khu vực.

tin nhap 20151220100312
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Tokyo hôm 18/12

Chuyển qua Biển Đông, Nhật đang ngày càng thắt chặt quan hệ với các nước liên quan để kìm chế Trung Quốc. Ngày 18/12, trong chuyến viếng thăm chớp nhoáng chỉ trong vòng 1 ngày, Thủ tướng Úc đã gặp gỡ Thủ tướng Nhật để bàn về quan hệ hợp tác của hai nước, trong đó có vấn đề an ninh khu vực.

Lần đầu tiên hai chính phủ có mối quan tâm chung tới vấn đề Biển Đông. Hai ông kêu gọi các bên tranh chấp phải giữ nguyên trạng và mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc giới quan sát cũng biết cả hai Thủ tướng muốn gửi thông điệp tới cho Bắc Kinh khi nước này đang xây dựng bồi đắp các đảo nhân tạo, một hành động nhằm phá vỡ hiện trạng địa lý của khu vực Hoàng Sa và Trường Sa.

Hai bên cũng đồng thuận về hoạt động trao đổi quân sự, các cuộc tập trận giữa Úc và Nhật cũng được nhắc tới và đồng thời khuyến khích các nước nỗ lực hướng tới việc ký kết Bộ ứng xử Biển Đông (COC).

tin nhap 20151220100312
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu ở Tokyo ngày 17/12

Trước đó một ngày, hôm 17/12, Nhật Bản và Indonesia đã thống nhất một chương trình hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng, mở đường cho Nhật xuất khẩu vũ khí và công nghệ quốc phòng sang Indonesia và tạo điều kiện cho Tokyo tham gia sâu hơn những vấn đề ở Biển Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Jakarta, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida, phát biểu: “Môi trường an ninh ở khi vực ngày càng trở nên căng thẳng hơn, chúng tôi muốn thúc đẩy hợp tác với Indonesia, thành viên quan trọng của ASEAN, trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng”.

tin nhap 20151220100312
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi trao đổi văn kiện ký kết, New Delhi, Ấn Độ, ngày 12/12

Chưa hết, ngày 14/12, Bắc Kinh đã lên tiếng bày tỏ thái độ hết sức bất bình trước sự kiện hai Thủ tướng Ấn Độ và Nhật Bản chính thức tuyên bố bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông nhân dịp ông Shinzo Abe công du New Delhi đầu tháng 12.

Bản tuyên bố chung Ấn Độ-Nhật ngày 12/12 đã dành nguyên một đoạn để nói về Biển Đông, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các tuyến hàng hải, và xác nhận rằng Thủ tướng hai nước đã “quyết định tổ chức những cuộc tham khảo ý kiến lẫn nhau một cách chặt chẽ và thường xuyên về các vấn đề liên quan đến an toàn và an ninh của các tuyến giao thông hàng hải”.

Ngoài việc hỗ trợ đồng minh Mỹ kìm chế Trung Quốc, giới phân tích cho rằng Nhật Bản tăng cường tính chủ động đối với an ninh ở Đông Nam Á cũng có lý do khác. Các tuyến vận chuyển năng lượng qua những vùng biển Đông Nam Á rất quan trọng đối với Tokyo. Từ khi quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng vào năm 2012, Tokyo đã chuyển hướng đầu tư sang ASEAN. Năm 2013, đầu tư của giới doanh nghiệp Nhật Bản tại ASEAN cao gấp 3 lần so với Trung Quốc. Hơn nữa, Đông Nam Á cũng là nơi Nhật Bản thử nghiệm chiến lược xuất khẩu vũ khí.

RELATED ARTICLES

Tin mới