Vụ “ngã ngựa” của Chủ tịch China Telecom Thường Tiểu Binh được đánh giá là có những tình tiết đi ngược lại nhận định chung của truyền thông và dư luận Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP
Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) chiều 27/12 thông báo, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch China Telecom Thường Tiểu Binh “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, hiện đang tiếp nhận điều tra của tổ chức”.
China Telecom là một trong ba tập đoàn viễn thông nhà nước lớn nhất Trung Quốc, bên cạnh China Unicom và China Mobile.
Tạp chí Tài Kinh của Trung Quốc cho biết, nhiều quan chức China Telecom xác nhận, Chủ tịch Thường Tiểu Binh đã bị nhà chức trách đưa đi thẩm vấn. Văn phòng của ông này đã bị niêm phong và số điện thoại không còn liên lạc được.
Cuộc họp dự kiến diễn ra vào hôm nay, 28/12, giữa các quan chức cấp cao trên toàn quốc của tập đoàn này đã được thông báo hoãn vào hôm thứ Bảy (26/12), làm dấy lên thông tin ông Thường đã “ngã ngựa”.
Chụp ảnh, “tay bắt mặt mừng” với Tập Cận Bình xong vẫn… “ngã ngựa”
Tờ Bắc Kinh Nhật báo bình luận, tình tiết thú vị nhất trong vụ “ngã ngựa” của Thường Tiểu Binh không phải là việc thông tin bị lộ mật trước đó, mà bởi cơ quan chống tham nhũng nước này đang chứng minh thực tế ngược lại so với nhận định phổ biến của dư luận.
Được biết, tại Hội nghị Internet toàn cầu 2015 ở Ô Trấn, Trung Quốc vào trung tuần tháng 12, ông Thường đã đích thân tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thị sát và giảng giải cho ông Tập.
Chi tiết này khiến giới quan sát cả trong và ngoài Trung Quốc tin chắc rằng Chủ tịch China Telecom sẽ bình yên vô sự vì “đã chụp ảnh với Thủ trưởng trung ương”, như một tiền lệ không ít lần được chứng minh là đúng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh Nhật báo chỉ ra, các “hổ béo” đã bị xử lý như cựu Phó bí thư tỉnh ủy Vân Nam Cừu Hòa, cựu Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Chu Bản Thuận hay cựu Tỉnh trưởng Phúc Kiến Tô Thụ Lâm… đều bị bắt giữ khi tham gia các hội nghị tại Bắc Kinh.
Trong các cuộc họp này, những quan chức trên đều làm việc trực tiếp với các lãnh đạo Trung Quốc, bàn thảo những việc quốc gia đại sự. Song, CCDI đang muốn nêu rõ rằng công tác hay gặp gỡ lãnh đạo “không thể hiện 1 quan chức là cán bộ ‘sạch, trung thành, mẫn cán'”.
Việc Thường Tiểu Binh tươi cười xuất hiện bên Tập Cận Bình chiều 16/12 và “ngã ngựa” 10 ngày sau đó là một điển hình.
Thường Tiểu Binh (phải) trình bày trước ông Tập Cận Bình trong khuôn khổ Hội nghị Internet toàn cầu lần thứ 2 từ 15-18/12/2015.
Điệu hổ ly sơn?
Trang Quan sát (Trung Quốc) cho hay, Thường Tiểu Binh “ngã ngựa” sau khi giữ chức lãnh đạo China Telecom mới được 4 tháng 3 ngày.
Thông tin này khiến truyền thông Trung Quốc cho rằng việc Bắc Kinh xử lý ông Thường rất có khả năng là động thái “mở cửa” cho cuộc điều tra nhằm vào đơn vị cũ của ông này, China Unicom.
Trên thực tế, đây không phải là một biện pháp mới.
Chính quyền Bắc Kinh thường dùng kế “điệu hổ ly sơn” đối với những quan chức đã xây dựng hệ thống “chân rết quyền lực” thâm căn cố đế trong một hệ thống.
Ví dụ, cựu Chủ nhiệm Ủy ban giám sát – quản lý tài sản Nhà nước Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn từng có hơn 40 năm gây dựng thế lực trong lĩnh vực dầu khí và trở thành “cánh tay phải” của cựu Ủy viên Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang.
Tương tự, Thường Tiểu Binh cũng có hơn 10 năm lãnh đạo China Unicom trong hơn 30 năm công tác ơ ngành viễn thông, từ 2004.
Những thành công của tập đoàn này được đánh giá là mang đậm dấu ấn cá nhân của Thường, đương nhiên đi kèm với đó là cả hệ thống quan hệ lợi ích phức tạp.
Với những quan chức có quyền lực “cắm rễ như vậy”, điều động họ khỏi đơn vị “sân nhà” là cách làm quen thuộc của các quan chức chống tham nhũng Trung Quốc.
Theo Bắc Kinh Nhật báo, hồi tháng 2/2015, Tổ trưởng Tổ thanh tra số 8 của CCDI Ninh Diên Lệnh đã có ý kiến “nhạy cảm” đối với ban lãnh đạo China Unicom, chỉ trích nhiều quan chức tập đoàn này “lợi dụng chức quyền, câu kết với bên ngoài, giao dịch quyền-tiền-sắc”…
Những vấn đề quen thuộc của quan trường Trung Quốc được chỉ ra tại China Unicom như dung túng cho họ hàng, “đẩy” dự án béo bở cho người quen hoặc có quan hệ tại địa bàn quản lý nhằm trục lợi, nhận hối lộ bằng thẻ ngân hàng, trái phiếu, đài thọ con cái du học…
Những phê bình của CCDI đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng “mất ghế” của Thường Tiểu Binh trong phần lớn thời gian của năm 2015.