Friday, July 26, 2024
Trang chủĐiểm tinQuốc phòng Nga năm 2015: Người bạn lớn TQ

Quốc phòng Nga năm 2015: Người bạn lớn TQ

Năm 2015 được coi là năm để lại dấu ấn đặc biệt đối với không chỉ quân đội Nga mà cả nền xuất khẩu quốc phòng nước này.

Hệ thống phòng không S-400.

Xuất khẩu quốc phòng

– Bản hợp đồng xuất khẩu quốc phòng đầu tiên cần nhắc đến từng khiến báo chí quốc tế tốn nhiều giấy mực là thương vụ tổ hợp tên lửa phòng không S-400 giữa Nga và Trung Quốc.

Thông tin về việc ký kết hợp đồng này được tờ Kommersant ngày 13/4 cho biết, theo đó Trung Quốc đã ký được hợp đồng mua hệ thống phòng không tiên tiến S-400 với công ty Rosoboronexport của Nga.

“Thông tin chi tiết về hợp đồng sẽ không được tiết lộ, nhưng Trung Quốc đã thực sự trở thành quốc gia đầu tiên mua được hệ thống phòng không tiên tiến này của Nga. Điều này đã nhấn mạnh tầm chiến lược trong mối quan hệ giữa hai nước”, Kommersant dẫn lời Giám đốc điều hành Rosoboronexport, Anatoly Isaykin cho biết.

Theo lời ông Isaykin, có nhiều quốc gia thèm muốn sở hữu hệ thống S-400 của Nga, nhưng do còn có những khó khăn trong việc mở rộng cơ sở sản xuất và Moscow muốn trang bị cho quân đội của mình trước nên nước này chưa chính thức xuất khẩu S-400.

Khi được hỏi liệu các công ty Nga có cảm thấy “lo lắng” khi hợp tác với các công ty quốc phòng của Trung Quốc hay không, ông Isaykin cho rằng các chương trình hợp tác giữa hai nước đều phục vụ lợi ích chung của cả hai bên.

Hệ thống S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến hàng đầu thế giới. S-400 được biên chế trong quân đội Nga từ tháng 4/2007. Hiện 9 trung đoàn tên lửa phòng không của Nga đã được trang bị hệ thống này.

– Thương vụ quốc phòng ồn ào tiếp theo giữa Nga và Trung Quốc trong năm 2015 là bản hợp đồng 24 chiếc tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35. Thông tin về việc ký kết bản hợp đồng này được hãng RT hồi tháng 11/2015 dẫn lời đại diện tập đoàn Rostec cho biết.

“Quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm đã kết thúc, chúng tôi đã ký hợp đồng”, Sergey Chemezov, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của tập đoàn Rostec, nói.

Ông Chemezov không tiết lộ chi tiết của hợp đồng cũng như thời gian ký kết, nhưng một nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, Trung Quốc đã mua 24 tiêm kích Su-35 với đơn giá khoảng 85 triệu USD mỗi chiếc.

Nguồn tin cho biết thêm, hợp đồng không bao gồm việc sản xuất Su-35 tại Trung Quốc, điều kiện mà Bắc Kinh thường mặc cả với đối tác để kéo dây chuyền sản xuất vũ khí hiện đại về trong nước.

Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến việc mua tiêm kích đa năng Su-35 sau khi máy bay này có “màn trình diễn” ấn tượng tại triển lãm hàng không China Airshow 2008. Quá trình đàm phán chính thức bắt đầu từ năm 2011.

– Không đình đám như thương vụ S-400 và tiêm kích Su-35 với Trung Quốc, thương vụ Su-30SM với Kazakhstan kín tiếng hơn nhưng thương vụ này khiến truyền thông phương Tây không khỏi bất ngờ.

Tổng giám đốc Irkutsk, ông Alexander Veprev ngày 16/6 cho biết: “Năm 2015 chúng tôi đã bàn giao 4 chiếc Su-30SM cho Kazakhstan. Hiện tại, một lô hàng đang chuẩn bị giao cho Hải quân Nga và lô tiếp theo là dành cho Không quân Nga. Một số đã sẵn sàng tại sân bay và phần còn lại đang trong giai đoạn lắp ráp cuối cùng”.

“Sản lượng của Irkutsk sẽ tăng 50% so với năm ngoái”, ông Veprev đánh giá sẽ không có trở ngại gì với vấn đề đầu ra.

“Chúng tôi đã huy động tất cả những biện pháp cần thiết trong năm 2014, tăng khối lượng các hoạt động cốt lõi và sử dụng thêm 700 nhân viên mới. Với nguồn lực đó, Irkutsk sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2015”, Tổng giám đốc Irkutsk tự tin tuyên bố.

– Ngoài những bản hợp đồng nói trên, thương vụ đình đám tiếp theo mang lại danh tiếng cho vũ khí Nga là bản hợp đồng cung cấp tiêm kích MiG-29 cho Không quân Ai Cập.

Theo đó, ngày 22/8, Nga vừa ký hợp đồng bán 64 máy bay chiến đấu MiG-29, với trị giá 2 tỷ USD cho Ai Cập. Trước đó, Moscow và Cairo đã ký một số thỏa thuận cung cấp vũ khí quân sự có tổng trị giá 3,5 tỷ USD.

Nga, nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, đang nỗ lực tăng cường quan hệ quân sự với Ai Cập. Quân đội Ai Cập hồi giữa tháng 8/2015 thông báo Moskva đã trao tặng cho Cairo một tàu hộ tống có trang bị tên lửa. Tàu này trước đó đã tham gia diễu hành nhân dịp khánh thành Kênh đào Suez mới hôm 6/8 vừa qua như một phần của lễ khai trương.

– Bản hợp đồng được coi là lớn nhất năm 2015 vừa được Nga ký kết với Ấn Độ có trị giá tới 10 tỷ USD. Trong chuyến thăm chính thức Nga từ ngày 23 đến 25/12 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai đối tác chiến lược truyền thống này đã ký kết các hợp đồng mua bán vũ khí trị giá tới 700 tỷ Rupee (khoảng 10 tỷ USD).

Hợp đồng mua bán vũ khí có giá trị kỷ lục này giúp Nga duy trì vị trí là đối tác cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ, cường quốc đang trỗi dậy và có nhu cầu mua sắm vũ khí tới hàng trăm tỷ USD.

Nặng ký nhất trong các hợp đồng mua bán vũ khí này là hợp đồng Ấn Độ mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf hiện đại nhất của Nga với tổng giá trị khoảng 4,5 tỷ USD.

Tiêm kích MiG-29.

Đây là lần đầu tiên hệ thống tên lửa phòng không S-400 với khả năng tiêu diệt đồng thời nhiều mục tiêu như máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình từ khoảng cách xa 400 km được phía Nga cho “xuất ngoại”, bán cho đối tác nước ngoài.

Cùng với việc mua tổ hợp tên lửa S-400, các hợp đồng mua bán vũ khí khác được ký trong chuyến công du của Thủ tướng Modi còn có việc hiện đại hóa các hệ thống tên lửa phòng không S-125 của Ấn Độ vốn được sản xuất từ thời Liên Xô trước đây. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ tiến hành sản xuất trực thăng đa năng Ka-226T theo giấy phép của Nga…

Nga khiến phương Tây bất ngờ

Không chỉ thành công với xuất khẩu quốc phòng, Nga còn khiến phương Tây “choáng” bởi dàn vũ khí chưa từng biết đến trước đó dùng để tấn công IS. Ngày 7/10, bốn chiến hạm Nga thuộc các lớp tàu hộ vệ hạng trung và tàu hộ vệ cỡ nhỏ thuộc Hạm đội Caspian đã phóng tổng cộng 26 quả tên lửa hành trình Kalibr-NK, vượt quãng đường 1500km tấn công chính xác những mục tiêu đã định của lượng khủng bố IS ở Syria.

“Chúng tôi biết tàu khu trục Gepard và tàu hộ vệ Buyan từng có khả năng phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất, nhưng tầm bắn quá xa của tên lửa Nga khiến chúng tôi rất bất ngờ”, ông Jeremy Binne, một chuyên gia vũ khí tạp Janes IHS (Anh) cho biết.

Tên lửa bất ngờ chuyển hướng cũng khiến các chuyên gia quân sự phương Tây “tròn xoe mắt” kinh ngạc. Đại tá Hải quân Jeff Davis, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết các quan chức quân đội Mỹ biết hạm đội Nga ở Biển Caspian được trang bị tên lửa hành trình siêu khủng, tuy nhiên họ tỏ ra bất ngờ khi Nga phóng hàng chục quả tên lửa bay qua Iraq-một đồng minh trên lý thuyết của Washington và Iran trước khi vươn đến miền Đông Syria để đánh phá các mục tiêu IS.

Dòng tên lửa Kalibr do Viện OKB Novator ở Yekaterinburg nằm trong Tập đoàn Phòng không Almaz-Antei phát triển. Đây là một họ tên lửa với nhiều biến thể dành cho quân đội Nga và khách hàng nước ngoài.

Kalibr có đầy đủ các các biến thể dành cho Lục quân (Kalibr-M) và Không quân Nga (Kalibr-A), nhưng các tên lửa này được trang bị phổ biến nhất trong Hải quân Nga. Chúng đang được sản xuất để trang bị cho tàu ngầm (Kalibr-PL) và tàu nổi (Kalibr-NK).

Trong hệ thống tên lửa Kalibr, ngoài các loại ngư lôi và tên lửa chống ngầm, phiên bản đối hạm cơ sở được định danh là 3M-54, còn phiên bản tấn công mặt đất cơ sở là 3M-14.

Từ trước đến nay, chúng ta thường biết đến phiên bản xuất khẩu của loại tên lửa tấn công mặt đất này là Klub 3M-14E với tầm phóng vẻn vẹn 300km. Tuy nhiên, phiên bản tấn công mặt đất được sử dụng trong hải quân Nga đều có tầm phóng siêu xa từ 1500-2500km.

Tên lửa 3M-14, theo định danh của Bộ Quốc phòng Nga (DOD) là SS-N-30A. Đây là một biến thể tấn công mặt đất dẫn đường quán tính triển khai cho các tàu ngầm Nga, có tầm phóng và tính năng ngang ngửa với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.

Hiện Mỹ đang triển khai tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk trên 2 loại tàu mặt nước là tuần dương hạm lớp Ticonderoga (với số lượng tối đa là 26 quả) và các khu trục hạm Aegis lớp Arleigh Burke, với số lượng tối đa là 56 quả.

Tuy số lượng tên lửa hành trình mà chiến hạm Mỹ mang được là rất lớn, nhưng các tuần dương hạm và khu trục hạm Aegis của Mỹ đều có lượng giãn nước siêu lớn, khoảng trên dưới 10.000 tấn, trong khi các chiến hạm Nga chỉ chưa tới 1000 tấn cũng có thể mang được tới 8 quả.

Nga đang ồ ạt triển khai Kalibr-NK trên các tàu cỡ nhỏ, con số này sẽ có thể tăng lên tới vài chục chiếc trong thời gian chỉ khoảng 5 năm nữa. Nga sẽ xây dựng được khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình rất mạnh, nhưng theo một đường lối khác hẳn Mỹ.

Ngoài ra, Nga còn khiến phương Tây bất ngờ bởi màn ra mắt thuyết phục của đội quân chiến đấu robot trên chiến trường Syria. Các chuyên gia cho rằng sự hiện diện của robot Nga trên chiến trường sẽ thay đổi cục diện chiến tranh, tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt với Mỹ, nước vốn được mệnh danh là đất nước của các robot quân sự.

Tai tiếng máy bay chiến lược

Trái ngược với thành công trong xuất khẩu quốc phòng và danh tiếng Nga đang có trên chiến trường Syria, trong năm 2015, những máy bay chiến lược của nga đã “thi nhau” gặp nạn.

Theo Sputnik, một chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-31 của lực lượng này đã bất ngờ gặp nạn khi đang trở về căn cứ sau khi hoàn thành cuộc tập trận tại bán đảo Kamchatka hôm 30/10.

Sau một ngày tìm kiếm, đội cứu hộ đã tìm thấy 2 phi công lái chiếc máy bay này, trong đó, một người bị thương và người còn lại cũng đang được kiểm tra y tế. 2 phi công đã nhanh chóng bật ghế lái sau khi không thể kiểm soát nổi chiếc máy bay.

Được biết, trước khi chiếc MiG-31 gặp nạn tại Kamchatka, hồi tháng 7/2015, một chiếc oanh tạc cơ hạng nặng Tu-95 của Không quân Nga đã bất ngờ gặp nạn thảm khốc trong khi đang huấn luyện ở thành phố Khabarovsk, miền Đông nước Nga.

“Chiếc máy bay không chở theo vũ khí đạn dược. Vụ tai nạn xảy ra ở khu vực vắng vẻ vì vậy không gây hậu quả về con người trên mặt đất”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đồng thời nhấn mạnh rất may phi hành đoàn đã bật ra khỏi máy bay trước vụ tai nạn.

Tu-95 là loại máy bay ném bom và mang tên lửa chiến lược thành công nhất và có thời gian phục vụ lâu nhất của Tupolev, được chế tạo tại Liên bang Xô viết trong cuộc Chiến tranh lạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới