Friday, January 10, 2025
Trang chủThâm cung bí sửSố phận ông Giang Trạch Dân?

Số phận ông Giang Trạch Dân?

Cuộc chiến chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình gây rúng động Trung Nam Hải ngày càng mang màu sắc thanh trừng nội bộ.

Thông điệp của Tập gửi đến Giang: “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chánh”

Bài 1: “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chánh”

Giang Trạch Dân, dù không còn giữ vị trí nào trong chính trường từ năm 2002, quyền lực Giang không vì thế mất hẳn. Trong bóng tối, sau bức màn nhung, “thái thượng hoàng” không ngai Giang Trạch Dân vẫn giật dây gây ảnh hưởng sắp xếp nhân sự để củng cố quyền lực lẫn quyền lợi cho con cháu mình…

Ngày 10/8/2015, Nhân Dân nhật báo tung ra một xã luận đầy ngụ ý: “Nhiều vị lãnh đạo của chúng ta, một khi rời khỏi vị trí, đã hành xử đúng đắn với sự thay đổi của họ. Họ không can dự công việc của ban lãnh đạo mới. Tuy nhiên, có những lãnh đạo Đảng, khi tại chức, đã cất nhắc tay chân tín cẩn giữ những vị trí quan trọng nhằm mở rộng ảnh hưởng họ trong tương lai. Hơn nữa, sau khi những lãnh đạo Đảng này rời khỏi chức vụ, họ không sẵn lòng từ bỏ việc tạo ảnh hưởng lên những vấn đề trọng yếu”. “Trà sẽ nguội sau khi người uống trà rời đi chỗ khác” – bài viết bóng gió, hàm nghĩa “tại sao có những người muốn trà vẫn nóng khi mà người uống trà không còn có mặt ở bàn?”, trong khi đáng lý phải hiểu “bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chánh” (không còn tại vị thì đừng xía vào chính trường).

Giới bình luận tin rằng bài báo ám chỉ đến Giang Trạch Dân. Bài báo xuất hiện ngay thời điểm giới lãnh đạo cao cấp Bắc Kinh chuẩn bị họp tại Bắc Đới Hà, nơi có lịch sử tổ chức các cuộc họp nội chính quan trọng nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc, giữa tin đồn râm ran rằng Giang sẽ dùng Chu Bổn Thuận, cựu bí thư Hà Bắc, gây sức ép lên Tập.

Bo Zhiyue, giáo sư chính trị học Đại học Victoria (Úc), nhận định: “Rõ ràng, Tập dùng Nhân Dân nhật báo để gửi một thông điệp cho Giang”. Warren Sun, giáo sư Trung Quốc học Đại học Monash, nhận xét tương tự, rằng Tập muốn cảnh cáo các nhà lãnh đạo nghỉ hưu như Giang hay cựu Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng nên tránh xa triều chính.

Steve Tsang, Chủ tịch Trường nghiên cứu Trung Quốc học đương đại thuộc Đại học Nottingham, nói rằng Giang, không như Chu Dung Cơ hoặc Hồ Cẩm Đào, là nhân vật có sức ảnh hưởng mạnh nhất trong các nhà lãnh đạo nghỉ hưu. Cần nhấn mạnh, bài viết trên Nhân Dân nhật báo xuất hiện chỉ 11 ngày sau khi Quách Bá Hùng, một trong những đàn em thân cận của Giang, từng ngồi ghế Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và ủy viên Bộ chính trị trong một thập niên (2002-2012) bị khai trừ khỏi Đảng tội tham nhũng.

Không lâu sau khi Quách Bá Hùng bị “trảm”, Xinhuanet.com và People.cn lại đăng bài: “Tại sao công tố viên Pháp dám điều tra cựu tổng thống?”. Bài báo đặt ra những câu hỏi: “Có quan chức cấp cao tham nhũng nào đằng sau những kẻ tha hóa?”; “Ai “dạy dỗ” và cất nhắc những viên chức hủ bại này?”; “Những trường hợp cất nhắc này được thực hiện có chủ ý để phục vụ ai đó hay đơn giản chỉ bởi không cân nhắc thận trọng?”.

Cuộc chiến tạo dư luận còn mở rộng ra nước ngoài. Ngày 11/7/2015, Mingjingnews.com (“Minh Kính Tân Văn”, hải ngoại) viết về chuyện Giang Trạch Dân từng quyết định xử tử các thành viên Pháp Luân Công để mổ bán nội tạng; rằng Giang là người đứng sau Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang với âm mưu đảo chính quân sự nhằm vào Tập Cận Bình; và rùng rợn hơn: Giang từng nhiều lần lập mưu ám sát Hồ Cẩm Đào và hai lần yêu cầu Chu Vĩnh Khang ám sát Tập!

RELATED ARTICLES

Tin mới