Ngày 7/1 vừa qua, bức tượng khổng lồ lớn nhất của ông Mao Trạch Đông ở tỉnh Hà Nam – Trung Quốc bị phá bỏ sau khi vừa hoàn thành được 3 ngày. Nhiều người suy đoán đây là do lệnh của lãnh đạo ở Trung Nam Hải.
Có phân tích cho rằng sự kiện này là biểu hiện bất thường về chính trị, cho thấy xu thế “thoát Mao” đang ngày càng nổi rõ trong xã hội Trung Quốc.
Những biểu hiện “thoát Mao” trong năm 2015
Trong năm 2015, hàng loạt tín hiệu “thoát Mao” diễn ra rộng khắp trong xã hội Trung Quốc, từ hệ thống chính quyền đến học giới cũng như trong dân chúng.
Vào tháng 3/2015, trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, con của ông Vạn Lý (1916 – 2015, nguyên lão của Đảng Cộng sản Trung Quốc) khi trả lời phỏng vấn báo chí đã cho biết, vào năm ông Vạn Lý gần 100 tuổi đã từng lên tiếng cho rằng, thời cơ đánh giá lại về ông Mao Trạch Đông đang ngày càng chín mùi.
Tháng 4/2015, ông Tất Phúc Kiếm (毕福剑 – Bi Fujian) người phụ trách chương trình “Đêm hội mùa xuân” của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã nói nhạo “Mao Trạch Đông là người làm khổ nhân dân Trung Quốc,” video sau đó thành điểm nóng chia sẻ trên mạng. Nhiều người đã lên tiếng cho rằng nguyên nhân vì ông ta đã nói đúng tâm nguyện của người dân Trung Quốc.
Cho dù sau đó nhà đài đã cho tạm dừng công việc của ông Tất Phúc Kiếm, nhưng vào ngày 28/12/2015 vừa qua, truyền thông Trung Quốc lại đưa tin ông Tất Phúc Kiếm sẽ tái nhậm chức tiếp tục chương trình làm việc của mình trong chương trình xuân năm 2016. Có phân tích cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã thay đổi thái độ đối với những vấn đề liên quan đến ông Mao Trạch Đông.
Truyền thông ngoài Trung Quốc cũng phát hiện nhiều hiện tượng “thoát Mao” trong năm qua. Vào tháng 10 và tháng 11, báo mạng Tài Tân (được cho là trang của phe cánh ông Tập Cận Bình) lần lượt cho đăng tải các bài viết phủ định về Cách mạng Văn hóa, đó là bài “Đặng Tiểu Bình và sự tiến bộ của Trung Quốc” và “Tại sao cần một Ủy ban nghiêm túc?”
Trung tuần tháng 12/2015, ông Vu Ấu Quân (于幼军 – Yu Youjun), Giáo sư Đại học Trung Sơn đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm “Nhận định lại về Đại Cách mạng Văn hóa”; vào ngày 25 sau đó, báo mạng Tài Tân lại có bài viết “Kẻ mê muội và ma quỷ ở Trung Quốc” để chỉ ra những sai lầm khủng khiếp trong Cách mạng Văn hóa. Có phân tích cho rằng, nếu không có sự đồng thuận của những lãnh đạo đứng đầu ĐCSTQ thì những bài viết táo bạo này không thể xuất hiện được.
Ngoài ra, năm 2015 vừa qua, ông Tập Cận Bình cũng làm lễ kỷ niệm sinh nhật cho ông Hồ Diệu Bang, một “phản đồ” của Cách mạng Văn hóa; đồng thời cũng xét lại vụ án Cao Cương (Gaogang – 高岗) bị ông Mao Trạch Đông kết án. Những sự kiện này cho thấy ông Tập Cận Bình đang có những bước đi “thoát Mao.”
Những nghiên cứu mới về ông Mao Trạch Đông
Tháng 9/2015, nhà sử học nổi tiếng Tân Hạo Niên có buổi diễn giảng tại Melbourne (Úc) và đã chia sẻ thông tin nghiên cứu mới, theo đó ông kết luận trong 8 năm kháng chiến của ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của ông Mao Trạch Đông thì 1 năm kháng chiến tiêu cực, còn 7 năm là tập trung đánh quân đội Quốc Dân đảng. Ông Mao Trạch Đông đã dùng những thủ đoạn xấu xa để cướp được quyền lực và thống trị Trung Quốc.
Giáo sư Tân Hạo Niên chỉ ra, ông Mao Trạch Đông là trùm Hán gian, còn Phan Hán Niên (潘汉年) là kẻ thi hành nhiệm vụ. Kết luận của Giáo sư Tân Hạo Niên vừa khớp với kết luận của học giả Endo người Nhật Bản trong cuốn sách mới «Mao Trạch Đông trong âm mưu của người Nhật». Cuốn sách chỉ ra, có hai đặc vụ của ĐCSTQ làm nhiệm vụ tiếp xúc với người Nhật, một trong đó là Phan Hán Niên, người được xem là “Đảng viên ưu tú và trung thành của ĐCSTQ.”
Có thế thấy ngày càng nhiều thông tin xấu trong xu thế nhìn lại về con người Mao Trạch Đông hiện nay. Năm 2016 là tròn 50 năm nổ ra Cách mạng Văn hóa, cũng là 40 năm kết thúc Cách mạng Văn hóa, nhân dịp này ngoại giới cho rằng Bắc Kinh cần có kiến giải cụ thể nhìn thẳng vào sự thật lịch sử.