TS Nguyễn Bách Phúc chỉ ra 6 điều còn nghi ngại về sản phẩm mới máy bay trinh sát không người lái Việt Nam tự sản xuất.
Chia sẻ vui mừng trước thành quả của nền khoa học nước nhà, nhưng cũng bày tỏ không ít những điều nghi ngại, báo Đất Việt xin đăng tải bài viết của TS. Nguyễn Bách Phúc – Chủ Tịch Hội TV KHCN & QL HASCON (Viện Trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI).
Về thành tựu này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, dự án của Viện Công nghệ Không gian thuộc Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an chế tạo máy bay trinh sát không người lái tầm xa, phục vụ nghiên cứu khoa học và an ninh quốc phòng, đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp ngành, trung ương, sản phẩm đã được bay thử nghiệm thành công tại Tây Nguyên và đã sẵn sàng ra Biển Đông. Bộ trưởng đánh giá cao thành tựu bước đầu, trong tương lai sẽ có nhiều nghiên cứu, nâng cấp nhằm phục vụ tốt nhất công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, phục vụ an ninh quốc phòng.
PGS.TS Phạm Ngọc Lãng, Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu cho biết, sản phẩm đã được nghiên cứu chế tạo thành công và sẽ bắt đầu bay thử nghiệm ngoài Biển Đông vào mùa hè năm 2016. “Việt Nam đã có đủ khả năng chế tạo máy bay không người lái tầm xa để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc”, PGS.TS Phạm Ngọc Lãng khẳng định.
TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam rất vui mừng với thông tin quan trọng liên quan tới Đề tài này, sau khi nhận tin vui ông đã chia sẻ trực tiếp với PGS.TS Phạm Ngọc Lãng và có lời chúc mừng chân thành.
Chúng tôi cho rằng, sự kiện này là một niềm vui lớn cho người Việt Nam yêu nước. Chúng ta biết ơn và hãnh diện vì những người đã đổ mồ hôi và trí tuệ để làm nên sản phẩm hữu ích và cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa trong tình hình chung hiện nay.
Tuy nhiên, trước sự kiện trọng đại này, chúng tôi vẫn còn một số băn khoăn:
Thứ nhất, chuyện chế tạo và sử dụng máy bay trinh sát không người lái tầm xa của các nước trên thế giới là việc của Quân đội (Không quân). Không biết vì sao ở đây, Quân đội (Không quân) không tham gia phối hợp?, mà lại là Bộ Công An, nơi không có 1 chiếc máy bay, không có 1 sân bay, không có 1 phi công nào?
Trên thế giới không có bất cứ nước nào có Luật cấm ai đó chế tạo máy bay không người lái nói riêng, và mọi loại máy bay nói chung. Vì vậy, ở Việt Nam đã có anh Hai Lúa làm máy bay trực thăng, Viện Cơ học ứng dụng trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, làm đề tài nghiên cứu và chế tạo máy bay VAM1, VAM2, đề tài này đã được Nhà nước phê duyệt với kinh phí thực hiện cả tỷ đồng. Nhưng kết quả cuối cùng là chẳng ai dám cho phép các máy bay đó bay thử, chứ đừng nói đến cho phép bay thật.
Luật không cấm, nhưng người ta khi muốn sản xuất ra sản phẩm nào đó thì phải lượng sức mình, xem có thể làm được hay không. Lượng sức mình thể hiện ở chỗ đánh giá chính xác khả năng, trình độ, kinh nghiệm của con người và của máy móc, thiết bị, theo các lĩnh vực sau đây: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo chi tiết, lắp ráp tổng thể, thử nghiệm sản phẩm.
Rõ ràng, anh Hai Lúa và Viện Cơ học ứng dụng trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã không biết tự lượng sức mình.
Chúng tôi nghi ngại, đơn vị chế tạo máy bay trinh sát không người lái có đủ sức nghiên cứu và chế tạo máy bay khi chỉ có ý chí to lớn, còn tiềm lực thì không dồi dào như vậy.
Thứ hai, chuyện nghiên cứu, thiết kế máy bay trinh sát không người lái tầm xa của các nước trên thế giới là việc của những Viện nghiên cứu tầm cao, hiện đại của Không quân, của các Hãng chế tạo máy bay hàng đầu thế giới. Còn ở đây, Viện Công nghệ Không gian thuộc Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam thuộc tầm cỡ nào?
Thực ra, Viện Công nghệ Không gian không trực thuộc Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, mà chỉ là 1 thành phần trong năm thành phần của LIÊN HIỆP KHOA HỌC SẢN XUẤT CÔNG NGHỆ CAO VIỄN THÔNG TIN HỌC (HTI) (Trung tâm nghiên cứu phát triển: 24 người, Trung tâm Hệ thống thông tin: 12 người, Trung tâm Chuyển giao công nghệ: 16 người, Trung tâm Tự động hóa và Công nghệ: 18 người, Viện Công nghệ Không gian: 45 người), còn LIÊN HIỆP KHOA HỌC SẢN XUẤT CÔNG NGHỆ CAO VIỄN THÔNG TIN HỌC (HTI) mới là Đơn vị trực thuộc Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam.