Trang mạng Riafan (Hãng thông tấn Liên bang) của Nga ngày 12/01 có bài viết nhan đề: “Quần đảo Trường Sa hay là cách mà Trung Quốc đang chơi khăm Việt Nam.”
Đường băng phi pháp Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập của Việt Nam. (Nguồn: AFP)
Bài viết cho biết, vài ngày trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cáo buộc Bắc Kinh vi phạm chủ quyền lãnh thổ sau khi máy bay của Trung Quốc tiến hành hạ cánh trên sân bay mà Việt Nam khẳng định là Trung Quốc xây dựng “bất hợp pháp” trên các rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa.
Kể từ đầu năm 2016 đã có tới 3 máy bay Trung Quốc hạ cánh trên đường băng ở hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng. Lần đầu tiên vào ngày 2/1, sau đó 2 chiếc khác vào ngày 6/1.
Quần đảo Trường Sa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền, bao gồm hơn 100 hòn đảo, đá ngầm và đảo san hô.
Theo Riafan, các hòn đảo này có ý nghĩa chiến lược tương đối quan trọng bởi trước hết, có một lượng lớn các hoạt động thương mại đi qua vùng biển này.
Theo một vài đánh giá, tổng giá trị hàng hóa vận chuyển hàng năm đi qua Biển Đông lên tới 5.000 tỷ USD. Thứ hai, quần đảo này được cho là có chứa một trữ lượng lớn hydrocarbon.
Những tranh cãi lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam xung quanh quần đảo Trường Sa đã kéo dài hơn 3 thập kỷ, đôi khi còn dẫn tới xung đột vũ trang.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây các bên đã nhiều lần nỗ lực làm giảm bớt nguy cơ xung đột trong khu vực.
Cụ thể, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm Hà Nội. Trong khuôn khổ hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên đã thảo luận về các vấn đề còn đang tranh cãi hiện nay.
Bắc Kinh và Hà Nội đã nhất trí các giải pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng con đường hòa bình và thống nhất nỗ lực sớm ổn định tình hình để ngăn chặn xung đột có thể xảy ra.
Mặc dù đã có những thay đổi tích cực trong quan hệ hai nước nhưng những hành động của Trung Quốc thời gian gần đây dường như đang đi ngược lại với những gì Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố việc máy bay Trung Quốc ngày 2/1 bay tới hòn đảo mà Hà Nội cho là của mình, đã vi phạm chủ quyền Việt Nam và phá hoại các thoả thuận đã đạt được.
Ông Bình nói: “Việt Nam phản đối mạnh mẽ các hành động kể trên và yêu cầu chấm dứt ngay lập tức. Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng các chuyến bay này đã không được thảo luận với phía Việt Nam và rất dễ gây ra một tai nạn máy bay, đe doạ an ninh hàng không quốc tế.”
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã biện minh cho hành động của mình là để kiểm tra hoạt động của các đường băng vừa được xây dựng và khẳng định các hành động này hoàn toàn với mục đích hoà bình.
Tuy nhiên, không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả Hoa Kỳ cũng đang nghi ngờ chính sách của Trung Quốc.
Nhà Trắng không che giấu mối quan tâm của mình đối với chính sách của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các hành động đơn phương của Trung Quốc ở quần đảo này là bất hợp pháp.
Washington cho rằng các hành động tương tự như vậy đang phá vỡ hòa bình, ổn định trong khu vực và rất dễ leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang ở Biển Đông.
Cùng với Mỹ và Việt Nam, Nhật Bản và Philippines cũng mạnh mẽ phản đối sự việc lần này. Theo hai quốc gia này, họ cũng có lợi ích trong việc duy trì ổn định ở Biển Đông và đang tăng cường công tác tuần tra ở vùng biển tranh chấp.
Cũng giống như Hà Nội và Washington, Manila và Tokyo cũng nỗ lực tìm cách ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nhật Bản và Philippines cho rằng việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tới hơn 80% diện tích vùng nước, cũng chính là tuyến đường thương mại quan trọng mà mỗi quốc gia trong số họ đều có lợi ích của mình ở đó, là điều hoàn toàn không hợp lý.
Trung Quốc đã bồi đắp một vài hòn đảo nhân tạo trên quần đảo, và xây dựng đường bằng ở một trong số các hòn đảo đó.
Trung Quốc khẳng định các hòn đảo vừa được xây dựng sẽ được sử dụng với mục đích hòa bình – phục vụ công tác nghiên cứu biển và bảo vệ bờ biển.
Tuy nhiên, theo ước tính của các chuyên gia, độ dài của đường băng hơn 3.000m không chỉ đủ để đáp ứng yêu cầu đối với các máy bay dân sự mà cả các máy bay chiến đấu hiện đại nhất.
Mỹ cho rằng, bước tiếp theo của thử nghiệm thành công việc hạ cánh máy bay dân sự sẽ là kiểm tra đường băng cho các máy bay quân sự.